Diệu Linh Thứ Năm | 07/07/2022 15:25

Picasso và “bức tranh khiến thế giới sửng sốt”

Với Picasso, Những Cô Nàng Ở Avignon là một dạng "bùa ngải" ông dùng để chiêu gọi, chế ngự những "con quỷ" bên trong.

Cuộc đời bí ẩn đầy giai thoại

Picasso thường được biết đến như một thiên tài, một bậc thầy sáng tạo của thế kỷ 20. Tên tuổi ông gắn liền với sự ra đời của trường phái Lập thể - bước chuyển đột phá trong dòng chảy nghệ thuật nói chung và Nghệ thuật Hiện đại nói riêng.

Người ta thường biết đến một Picasso đầy tài năng và có phần kiêu ngạo - người hiểu rõ sức mạnh nghệ thuật và sự quyến rũ của bản thân nhưng có lẽ ít ai hiểu rõ những khía cạnh nhạy cảm, phức tạp, những góc tối ẩn giấu sâu trong tâm hồn ông.

Trong cuốn sách Picasso và Bức Tranh Khiến Thế Giới Sửng Sốt, tác giả Miles J. Unger kể về cuộc đời của Picasso. Ông không chỉ nổi tiếng bởi những thành tựu trong nghệ thuật: một trong những nghệ sĩ năng- sản nhất (với hơn 80.000 tác phẩm đủ loại chủ đề và chất liệu: hội họa, điêu khắc, in ấn, sân khấu, gốm,…), đồng sáng tạo thủ pháp cắt- dán hay chủ nghĩa Lập thể trứ danh, mà còn bởi cuộc đời bí ẩn.

Giống như nhiều vĩ nhân (và với Picasso, còn là người có phần riêng tư kín đáo), song hành cùng danh tiếng của ông là vô số các giai thoại, các câu chuyện liên quan tới tác phẩm, cả những tin đồn, như việc yêu đương, thói trăng hoa, quan điểm chính trị, hay bị nghi ngờ là đồng phạm trong vụ trộm bức tranh Mona Lisa táo tợn ở bảo tàng Louvre… càng khiến hình tượng “thiên tài” của ông thêm phi thường, bí ẩn, và đặc biệt gây tranh cãi. Mâu thuẫn, bất ổn, đòi hỏi, ngang ngược, và u ám… càng lắm tài nhiều tật, càng có thêm nhiều người quan tâm, chú ý cũng như nhiều nỗ lực tường giải về con người, cuộc đời và nghệ thuật phi thường của Picasso.

Các tác phẩm của Picasso thường được phân loại theo các thời kỳ khác nhau, trong đó có giai đoạn từ 1909 đến 1919 được chú ý hơn cả bởi đây là thời kỳ mà Picasso phát triển phong cách vẽ Lập thể mà sau này trở thành một trường phái hội họa - cuộc cách mạng về hội họa và điêu khắc châu âu vào đầu thế kỷ XX và là nguồn cảm hứng vô tận cho những thế hệ sau trong các lĩnh vực khác như kiến trúc, nội thất… Chủ nghĩa Lập thể phá vỡ nguyên tắc tạo hình truyền thống của hội họa từ hàng thế kỷ trước, khiến những hình khối, mảnh ghép và góc cạnh của đối tượng được trưng bày dưới lăng kính không- thời gian trên mặt phẳng tranh, mà bức tranh Những Cô Nàng Ở Avignon (1907) đã đánh dấu thời khắc ấy.

Picasso Và Bức Tranh Khiến Thế Giới Sửng Sốt là một tác phẩm tiểu sử nhưng giới hạn thời gian “cụ thể”, thay vì kể về câu chuyện cuộc đời theo dòng chảy thời gian một cách đơn thuần, tác giả chọn điểm quy tụ (là thời khắc sáng tạo nên bức Những Cô Nàng Ở Avignon) để thêu dệt những tình tiết quy chiếu có tác động đến thời khắc đó, đồng thời kiến tạo các mặt lập thể cho hình tượng người nghệ sĩ là tác giả của điểm tụ đó, cũng như cho đối tượng chính là bức tranh.

Để đến được với Những Cô Nàng Ở Avignon dẫn người đọc quay ngược thời gian khám phá cuộc sống luôn nằm giữa hai thái cực và những mâu thuẫn của người họa sĩ - tuổi thơ bao bọc bên gia đình nhưng trưởng thành sớm vì áp lực; đời sống lãng tử thỏa mãn tinh thần mà túng thiếu về vật chất; luôn quan sát ít nói nhưng ánh mắt toát ra năng lượng thu hút lôi cuốn; tình bạn song hành với sự cạnh tranh cùng những tài năng đương thời; thờ ơ trước danh tiếng nhưng luôn tin sứ mệnh của mình là người dẫn đầu làn sóng tiên phong; sức kiến tạo tột bậc bung ra khi lật đổ và hủy diệt các quy tắc nền tảng - từ đó trả lời được câu hỏi rằng liệu sự thỏa hiệp của một thiên tài - liệu một Picasso khác - có mang lại điều gì sửng sốt hay không?

Thông qua lối kể chuyện đồng hiện, tỉ mỉ của tác giả Miles J. Unger, không gian Lập thể Picasso hiện ra từ hàng ngàn mảnh ghép: hình bóng của cha, José Ruiz y Blasco; cái chết của em gái Conchita hay bạn ông, Casagemas; các nhóm bạn ruột cùng những buổi đàm luận thâu đêm trong các quán cà phê nghệ sĩ; về Málaga, A Coruña, Barcelona, Horta d’Ebre hay Paris; về các “nàng thơ” Fernande hay Françoise; trên bậc thềm căn hộ ở Grands-Augustins, hay khi trong chiếc xe Hispano Suiza Coupe de Ville nổi tiếng; trở về với những khi lục thùng rác kiếm ăn, những lúc đơn độc ở Bateau Lavoir và giai đoạn thai nghén cả một cuộc cách mạng nghệ thuật;… tất cả hội tụ về thập kỷ mà Picasso kiến tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong nghệ thuật với Những Cô Nàng Ở Avignon cùng chủ nghĩa Lập thể ở Bateau Lavoir, trái tim của đồi Montmartre - cũng là quãng đời gian khó mà chính Picasso nâng niu gọi đó là những tháng ngày “thật sự hạnh phúc.”

Sự ra đời của “bức tranh trừ tà”

Mùa xuân năm 1907, Picasso bắt đầu sáng tác Những Cô Nàng Ở Avignon với chủ ý tạo ra một kiệt tác sẽ khiến cả thế giới phải bật dậy đứng nhìn, một tác phẩm sẽ giúp ông vượt qua Matisse và trở thành người dẫn đầu phong trào tiên phong (avant-garde). Trước khi vẽ, ông bắt đầu nghiên cứu bố cục trên các sổ ký họa, ông đã lấp kín tới 16 cuốn sổ bằng hàng trăm hình vẽ chuẩn bị. Những cuốn sổ chứa tất cả, từ những phác thảo bố cục chớp nhoáng cho đến quá trình nghiên cứu tỉ mỉ về từng chi tiết riêng lẻ.

Đây là lúc Picasso đang hoài thai một ngôn ngữ thị giác hoàn toàn mới mẻ, nên ông không xem thường hay bỏ qua bất kỳ chi tiết nào. Những cuốn sổ này ghi chép lại một giai đoạn đấu tranh dữ dội, thậm chí thống khổ cho thấy nỗ lực bền bỉ nhất ông từng dành cho một tác phẩm đơn lẻ.

Picasso đã kể lại cuộc gặp gỡ với những chiếc mặt nạ mà ông xem là linh vật có ma thuật giúp con người thoát khỏi nỗi ám ảnh sợ hãi và kiểm soát. Đây cũng là thời điểm Picasso bắt đầu ý thức về việc cần tạo nên bức tranh mà ông gọi là "tranh trừ tà".

“Lang thang một mình trong cái bảo tàng ghê rợn đó, giữa đủ loại mặt nạ và búp bê của thổ dân da đỏ cùng những hình nhân bụi bặm, đó hẳn là khi ý tưởng về Những Cô Nàng Ở Avignon đến với tôi, nó là bức tranh trừ tà đầu tiên của tôi, chắc chắn là như vậy”.

Nếu trong những bức tranh của thời kỳ trước, Picasso vẫn hướng về một hình ảnh mang tính truyền thống của phụ nữ thì giờ đây, ông thấy mình được giải phóng; ông thấy mình phải xé rào và vượt qua những khuôn mẫu cũ bởi chỉ như vậy ông mới đến được nơi ông muốn. Với Những Cô Nàng Ở Avignon, Picasso đã ngừng kiểm soát những bản năng của bản thân mình, để mặc chúng thỏa sức tung hoành.

Những Cô Nàng Ở Avignon tập trung vào tính dục. Những cô gái điếm ông khắc họa trong kiệt tác này chính là những “nữ thần ma quỷ” của Baudelaire. Về tổng thể, bức tranh là hiện thân của nghịch lý: nó vừa khiêu khích vừa vô hình, vừa hiếu chiến vừa lẩn tránh, giống như một võ sĩ quyền anh vừa tránh đòn vừa ra đòn trong cuộc đấu với một đối thủ có lợi thế.

Cách tiếp cận không gian mang tính cực đoan của Picasso, dựa trên nền tảng “nỗi bất an” của Cézanne và được nâng tầm lên thành một cơn khủng hoảng hiện sinh. Điều này đã mở đường cho những dịch chuyển về không gian và thời gian ông sẽ khám phá cùng Georges Braque trong vòng vài năm tiếp theo.

Dù bức tranh đã mở đường cho tư duy của trường phái lập thể sau này, nó cũng là cha đẻ của cách biểu đạt phi giới hạn, hoàn toàn độc lập với tư duy hay thậm chí với chính sự thực khách quan, nhằm truyền tải trọn vẹn những thúc giục có tính bản ngã tự nhiên của con người.

Những Cô Nàng Ở Avignon là tiếng thét tuyệt vọng, day dứt, đa nghĩa, có thể là tuyên ngôn cho bất kỳ phong trào nào, ngay cả với một phong trào có tiếng là táo bạo như trường phái lập thể. Không dễ để gắn nhãn cho bức tranh này, bởi sự khó chịu, cơn cuồng nộ của những bản năng gốc của chúng ta, sự giận dữ phá hủy mọi rào cản và quy phạm có sẵn, mới có thể được coi là đề tài thật sự của nó.

Picasso không nhận được sự thấu hiểu từ hầu hết người được xem phiên bản đầu tiên của bức tranh, nhưng ông vẫn tiếp tục. Nếu người ta nhìn thấy những hình người của ông xấu xí, ông sẽ bóp méo chúng hơn; nếu họ phàn nàn về không gian hỗn loạn, ông sẽ tạo thêm nhiều lớp nghịch lý về thị giác. Chính ở giai đoạn này, lần đầu tiên người ta bắt gặp Picasso mà lịch sử đã ghi dấu, một Picasso bướng bỉnh, đầy thách thức và không chút run sợ.

Ông đã tìm thấy con đường như ông viết: “Vào thời điểm đó, tôi nhận ra đây chính là mục đích của hội họa. Hội họa không phải một hoạt động mỹ thuật; nó là một dạng bùa chú được tạo ra làm vật trung bảo giữa chúng ta với thế giới kỳ lạ và hằn học này, một cách giành lấy quyền lực thông qua việc tạo ra một hình dạng cho những nỗi sợ hãi và thèm khát của chúng ta. Khi tôi nhận ra điều này, tôi biết mình đã tìm ra con đường cho mình”.

Qua hơn 500 trang sách, cùng lối kể chuyện và phân tích tỉ mỉ của tác giả, cuộc đời 91 năm của Picasso nay hiện ra như một bức tranh ký ức khổng lồ: nó cho phép độc giả quan sát một cách đồng thời, bao quát và khách quan về cuộc đời cũng như diễn biến nội tâm phức tạp của một nghệ sĩ thiên tài bậc nhất thời Hiện đại, nằm trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật.

Và không chỉ dừng ở một cuốn tiểu sử nghệ sĩ đơn thuần, Picasso Và Bức Tranh Khiến Thế Giới Sửng Sốt khắc họa chân thực hình ảnh một con người hết-sức-con-người, một kẻ cả đời chiến đấu với những gì tăm tối nhất trong nội tâm, bắt chúng trở thành năng lượng cho các “sáng tạo”.