Phía sau một thiên tài
Trong khi nhân loại biết đến Leonardo Da Vinci như một họa sĩ tài hoa vô song, thậm chí xem ông là người được ban nhiều ơn phước thì dưới sự khảo cứu cẩn trọng trong hơn 3 năm của chuyên gia viết tiểu sử Walter Isaacson, Leonardo Da Vinci mang một chân dung hoàn toàn khác.
Walter Isaacson là nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông là Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Aspen Institute, là 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới do Tạp chí Time bình chọn năm 2012. Walter Isaacson là tác giả cuốn tiểu sử về Steve Jobs, cuốn sách bán chạy nhất trên thế giới và phá vỡ mọi kỷ lục về doanh số bán hàng. Ông cũng là người viết tiểu sử Albert Einstein và Benjamin Franklin.
Trong tác phẩm mới nhất, tiểu sử Leonardo Da Vinci, Walter Isaacson đã hé lộ con người chân thật nhất của một thiên tài hội họa. Leonardo Da Vinci cuối cùng cũng chỉ là một người phàm trần với niềm đam mê khám phá vạn vật và vận dụng chúng vào công việc sáng tạo với sự say mê cháy bỏng.
Lần theo những khảo cứu của Isaacson, người đọc được dịp nhìn lại tuổi thơ Leonardo Da Vinci. Không trải qua môi trường giáo dục tinh hoa như những nhân vật kiệt xuất khác vào thời kỳ Phục Hưng, Leonardo Da Vinci chỉ được học một chút kỹ năng tính toán cơ bản tại một trường học nhỏ. Ông đã trải qua hàng giờ rong chơi, quan sát, ghi chép và đầy ắp những câu hỏi về thế giới tự nhiên.
Những dữ liệu trong hành trình sống của Leonardo Da Vinci mang đến cho độc giả cái nhìn mới về danh tài này. Hội họa không phải là toàn bộ cuộc đời lao động của Leonardo Da Vinci. Ông tinh thông rất nhiều lĩnh vực từ trình diễn nghệ thuật, sáng tạo nhạc cụ, hình học, vật lý, quang học thị giác và giải phẫu học. Ông sa đà vào những lĩnh vực này chỉ để thỏa mãn tính tò mò cá nhân. Khảo cứu toàn bộ thành tựu của Leonardo Da Vinci, Walter Isaacson khẳng định, nhân vật của ông cực kỳ thông minh. Tuy nhiên, đó không phải là điểm mấu chốt. Có vô số người thông minh trên thế giới nhưng thứ khiến cho họ thực sự trở thành thiên tài sáng tạo chính là trí tưởng tượng và khả năng suy nghĩ khác biệt.
“Tất cả những tấm gương bậc thầy về sáng tạo từ cổ chí kim đều dẫn tôi đến với Leonardo Da Vinci, hình mẫu xác đáng nhất về một con người đã gắn kết được cả nghệ thuật và khoa học, nhân văn và công nghệ”, Walter Isaacson khẳng định.
Hậu thế có thể bị ám ảnh bởi nụ cười của nàng Mona Lisa, trầm trồ trước hàng trăm hình vẽ về các phát minh dân dụng và quân sự của Leonardo Da Vinci hay nghiêng mình trước những ý tưởng lớn lao trong lĩnh vực kiến trúc. Nhưng bản thân Leonardo Da Vinci chưa bao giờ tự hào về bất cứ thành tựu nào do mình sáng tạo ra. Những bức tranh chưa bao giờ được ông ký tên, những bản thảo chất chồng chưa bao giờ công bố, những tuyệt tác dang dở chưa hoàn thành. Mỗi ngày, ông chỉ luôn tự hỏi bản thân mình: “Ngươi đã bao giờ hoàn thành được bất cứ thứ gì chưa?”.
Đọc Leonardo Da Vinci để thấy rằng, những cố gắng và thành công của mỗi người chưa bao giờ là đủ