Bìa hai quyển sách. Ảnh: Omega+
Omega+ giới thiệu 2 quyển sách kinh điển về pháp luật
Hai tựa sách gồm quyển Về Pháp Quyền của Tom Bingham và Một Lý Thuyết Về Công Lý của John Rawls. Trong Về Pháp Quyền, cuốn sách giành Giải Orwell dành cho sách chính trị hay nhất năm 2011 - Tom Bingham, một trong những bộ óc sắc bén nhất thế giới về pháp lý, đã bàn luận ý sự hình thành và nghĩa của pháp quyền. Theo ông, pháp quyền không phải là một lý thuyết khô khan mà là nền tảng thực sự của một xã hội công bằng, là sự đảm bảo của một chính phủ có trách nhiệm, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, đồng thời cũng đảm bảo cho sự hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia.
Cuốn sách trình bày ngắn gọn về lịch sử các nguyên tắc pháp quyền, 8 yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của khái niệm này, đồng thời thảo luận những căng thẳng đối với pháp quyền đến từ chủ nghĩa khủng bố quốc tế thông qua 3 phần chính:
Phần 1. Bàn về tầm quan trọng của pháp quyền và một số cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của pháp quyền.
Phần 2. Bàn về 8 yếu tố cơ bản tóm gọn bản chất của pháp quyền.
Phần 3. Thảo luận về những căng thẳng đối với pháp quyền từ chủ nghĩa khủng bố và nguyên tắc chủ quyền nghị viện (Anh).
The Guardian đánh giá, cuốn sách ngắn của Bingham là một bài luận đáng chú ý về chủ đề này, đi từ bao quát đến các điển cứu ngắn gọn nhưng chi tiết theo các vụ án mà chính ông đã tham gia. Tom Bingham (1933-2010), người duy nhất từng đảm nhiệm 3 vị trí: Phụ trách Phòng Dân sự thuộc Tòa Phúc thẩm Anh và xứ Wales, Chánh án Tòa án Hoàng gia Tư pháp. Anh và xứ Wales, Thượng nghị sĩ tối cao phụ trách vấn đề pháp luật của Vương quốc Anh. Sau khi nghỉ hưu năm 2008, ông tập trung giảng dạy, viết và diễn thuyết về các chủ đề pháp lý, đặc biệt là pháp luật về nhân quyền. Trung tâm Pháp quyền Bingham (Bingham Centre for the Rule of Law) ở Anh được đặt theo tên ông.
Một Lý Thuyết Về Công Lý của John Rawls - người được xem là một trong những triết gia về triết học chính trị có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX - cung cấp một khuôn khổ đạo đức để đánh giá và cải thiện các cấu trúc cơ bản của xã hội. Tác phẩm là nỗ lực của Rawls trong việc giải quyết vấn đề công bằng về sự phân bổ nguồn lực trong xã hội, nhằm thay thế cho triết học truyền thống chủ nghĩa vị lợi (cho rằng xã hội nên theo đuổi lợi ích lớn nhất cho số đông nhất).
Ý tưởng cốt lõi của tác phẩm là “công lý như là sự công bằng”, được đặt trên nền tảng của tự do bình đẳng của những cá nhân duy lý (rational individuals) trong một trật tự xã hội mong muốn đạt được sự bình đẳng về cơ hội và phần lợi ích được phân phối cho mọi người, đặc biệt là những người thiệt thòi nhất.
Tác phẩm được chia thành 3 phần:
Phần 1. Lý thuyết, bao gồm các chương: Công lý như là sự công bằng; Các nguyên tắc công lý; Vị thế khởi nguyên.
Phần 2. Thiết chế, bao gồm các chương: Tự do bình đẳng; Phần phân phối; Bổn phận và nghĩa vụ.
Phần 3. Những mục đích, bao gồm các chương: Điều tốt như là lý tính; Cảm thức công lý; Điều tốt của công lý.
John Bordley Rawls (1921-2002) là triết gia đạo đức và chính trị người Mỹ, Giáo sư đại học Harvard. Ông nhận được Giải thưởng Schock về Logic và Triết học và được Tổng thống Bill Clinton trao Huy chương nhân văn quốc gia năm 1999. Rawls nổi tiếng với những nghiên cứu về triết học chính trị tự do với nhiều tư tưởng đáng chú ý. Ngoài Một Lý Thuyết Về Công Lý (1971), ông còn là tác giả của 2 cuốn Political Liberalism (1993) và The Law of Peoples (1999).
Đặc biệt, khi đặt 2 cuốn sách cạnh nhau, độc giả sẽ thấy một hình ảnh hoàn thiện của Nữ thần Công lý (Lady Justice).
Với Một Lý Thuyết Về Công Lý, hình ảnh chiếc cân thể hiện sự công bằng và nghĩa vụ của pháp luật trong việc cân nhắc các bằng chứng được đưa ra trước tòa. Mỗi bên của một vụ việc pháp lý đều cần được xem xét và so sánh để thực hiện công lý.
Với Về Pháp Quyền, cây kiếm tượng trưng cho sự thực thi và thượng tôn pháp luật, đồng thời có nghĩa là công lý đứng trước quyết định và phán quyết của nó. Pháp luật đong đếm công lý cho người dân nhưng cần thanh gươm để bảo vệ, vì vậy việc thanh kiếm được rút ra khỏi vỏ là dấu hiệu cho thấy công lý là minh bạch, không phải là công cụ gây sợ hãi.