Hai ấn bản bìa cứng và bìa mềm của quyển sách. Ảnh: NXB Trẻ
Nỗi lưu luyến mùa Hè của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có một niềm luyến lưu đặc biệt với mùa hè. Đây là cuốn sách thứ ba mà mùa hè được lấy làm tên. Ông từng chia sẻ: “Những mùa hè tuổi thơ ngây ngô và nghịch ngợm đó đã đi vào các tác phẩm của tôi một cách tự nhiên. Vì trong ký ức của tôi, đã là học trò thì không thể không gắn với những ngày hè rong chơi thỏa thích. Những mùa hè hoa mộng đó thậm chí đã trở thành nhan đề hai cuốn sách tôi từng xuất bản: Hạ Đỏ và Bảy Bước Tới Mùa Hè.” Lần này, không khí mùa hè một lần nữa rộn ràng trong Mùa Hè Không Tên, tác phẩm mới nhất của nhà văn.
“Đó là mùa hè thật đặc biệt với tôi. Sau mùa hè đó, cuộc sống của tôi đã thay đổi mãi mãi. Vì vậy tôi muốn đặt cho nó một cái tên để nó không giống với những mùa hè khác trong đời tôi mỗi khi tôi nhớ về. Tôi định gọi nó là mùa hè chia tay, mùa hè ưu tư, mùa hè định mệnh, hay sến sẩm một chút là mùa hè có mây tím bay nhưng rồi tôi thấy không cái tên nào thật sự phù hợp. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu cần phải có một cái tên thì tôi sẽ đặt tên cho nó là mùa hè không tên. Ờ, mùa hè đặc biệt của tôi cần gì phải khoác một cái tên riêng khi mà mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ, như vết chàm mà con người ta phải mang theo cho đến tận cuối đời.” (Trích tác phẩm)
Bìa quyển sách mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh |
Mùa Hè Không Tên có những câu chuyện tuổi thơ với vô số trò tinh nghịch, những giây phút cảm động của câu chuyện tình thân, nỗi khát khao hạnh phúc êm đềm và những bỡ ngỡ bước vào tuổi lớn nhiều yêu thương mang cả màu va vấp. Những dòng văn của tác giả có sự thoải mái và ấm áp. Điểm nhấn của tác phẩm còn là những đoạn thơ trong veo và cách kết thúc rất đặc biệt. Họa sĩ Hoàng Tường đã góp phần quan trọng làm nên phiên bản bìa cứng in màu với 25 hình minh họa lớn và rất nhiều minh họa nhỏ xen kẽ.
Một vài chia sẻ của nhà văn về quyển sách mới.
* Lần thứ 3, mùa Hè được lấy làm tựa sách. Nhưng không chỉ như vậy, mùa Hè còn xuất hiện khá nhiều lần trong các tác phẩm của ông. Hẳn là có một sự luyến lưu đặc biệt nào đấy của ông với mùa Hè?
Tôi nghĩ không phải chỉ cá nhân tôi mà các bạn cũng vậy, những ai từng là học trò thì đều có nhiều kỷ niệm rất đẹp với mùa hè. Vì mùa hè thường gắn với những tiếng ve râm ran trên các cành cây, gắn với hoa phượng, gắn với nhiều kỷ niệm. Mùa hè với tuổi học trò là mùa chia tay, chia tay chỉ là ba tháng hè rồi tựu trường gặp lại, hoặc nếu đó là những cuộc chia tay năm cuối cấp, ví dụ chia tay vào cuối năm lớp 9 hay lớp 12, thì chưa chắc bạn bè đã gặp lại nhau, có thể là chuyển trường, có thể là có bạn khó khăn quá thì nghỉ học phụ ba mẹ lao động làm ăn buôn bán. Thành ra mùa hè gắn với những hồi ức khá xao xuyến đối với những ai từng cắp sách đến trường. Các bạn biết tôi viết cho thanh thiếu niên, viết về tuổi thơ, thì thường gắn với mùa hè.
Tôi đặc biệt rất thích hoa phượng. Nói chung tôi ngưỡng mộ rất nhiều loài hoa: hoa hồng thì đẹp đài các, hoa sen thì đẹp trang nghiêm, hoa tulip thì đẹp rạng rỡ. Nhưng tôi vẫn yêu hoa phượng nhất vì gắn với tuổi học trò. Bây giờ, dịp hè mà tôi đi đâu từ Hà Nội, Yên Thế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang... đi thành phố nào tôi cũng tìm xem con đường nào có nhiều hoa phượng nhất. Và khi tìm được rồi thì ngày nào tôi cũng tìm cách đi trên con đường đó dù đường về nhà có thể xa hơn nhiều lần. Một bài thơ trong Mắt biếc, có một đoạn thơ về mùa hè, cũng cũ rồi nhưng nó trả lời câu hỏi là vì sao tôi gắn bó với mùa hè đến vậy.
Lặng lẽ chiều nay/ Lặng lẽ mùa hè/ Sân trường vắng/ Và lòng tôi cũng vắng/ Muốn tặng em/ Một chùm phượng thắm/ Tôi nhờ mùa hè/ Bẻ hộ tôi.
Tranh do họa sĩ Hoàng Tường minh họa |
* Đâu là những điểm đặc sắc/ khác biệt của Mùa Hè Không Tên so với những quyển sách trước đó?
Cái này thì tôi không biết. Phải để cho bạn đọc đọc rồi có ý kiến, chứ ý kiến chủ quan của người viết thì rất là khó nói. Nhưng có thể nói trong cuốn sách này, tôi viết vì ám ảnh về thời gian, về tuổi thơ. Tôi nghĩ tuổi thơ là sân ga tuổi nhỏ một khi mình đã rời đi rồi thì không có lối quay về. Chuyến tàu thời gian không có vé khứ hồi.
Mỗi lần nghĩ đến thời thơ ấu của mình, nghĩ đến những vui vẻ, những rung động thời tuổi nhỏ, tôi cũng cảm thấy tiếc nuối. Và nhiều lần tôi đã trả lời phỏng vấn là tôi viết sách vì ký ức tuổi thơ. Cuốn sách này cũng xuất phát từ đó. Các bạn cũng biết tôi thường viết về tuổi thơ, thỉnh thoảng thì cũng đi ra khỏi vùng sáng tạo của mình để tìm những khám phá mới, những thử thách mới, những trải nghiệm mới, như cuốn Những Người Hàng Xóm. Nhưng đi đâu thì đi tôi cũng quay về với cội nguồn sáng tạo của mình. Viết về tuổi thơ là cội nguồn ý tưởng sáng tạo của tôi. Từ bao nhiêu năm nay, tôi bị ám ảnh về nỗi tiếc nuối, về làng quê, về tuổi thơ. Và qua đó tôi muốn nói lên một cái lớn hơn về thời gian. Thời gian càng trôi đi, người ta muốn quay lại kiếm tìm những kỷ niệm thời thơ bé. Trong Mùa hè không tên, tôi có một bài thơ ngay ở đầu cuốn sách. Nó cũng lý giải tại sao tôi viết cuốn sách này.
Bookmark có in bài thơ trong sách |
* Làng Đo Đo một lần nữa xuất hiện trong tác phẩm. Có gì khác biệt so với trước đây?
Làng Đo Đo là ngôi làng tôi sống từ nhỏ, cũng là bối cảnh cho những tác phẩm trước đây như Mắt Biếc hay Ngồi Khóc Trên Cây. Ngôi làng và tuổi thơ, với tôi hai cái đó là một, là hai mặt của một câu chuyện. Đối với tôi, tuổi thơ là một câu chuyện dài bất tận. Có thể nói 40 năm nay tôi viết đi viết lại mỗi một cuốn sách tuổi thơ.
Với Mắt Biếc, câu chuyện chỉ xoay quanh tình cảm giữa nhân vật Ngạn và Hà Lan, còn những người lớn như bố mẹ, thân phận người trong làng thì tác phẩm chỉ lướt qua thôi. Ở Mùa Hè Không Tên, tôi muốn dựng lên một cái làng đúng như cái làng mình cảm nhận thời bé, với nhiều mảnh đời, nhiều tình tiết, nhiều thân phận. Trẻ con chơi với nhau thì sao, bố mẹ của trẻ con thì có hoàn cảnh như thế nào, và họ ứng xử với hoàn cảnh ra sao. Tất nhiên là trên cơ sở tình người với nhau. Cuốn sách này như khám phá lại, khai quật các vỉa tầng khác của ký ức, mở rộng thêm chiều kích của không gian đó để gửi đi những thông điệp tôi muốn chuyển tải. Có thể nói qua cuốn này, tôi muốn thêu lên một bức tranh về làng quê thời nhỏ của mình mà mỗi nhân vật, mỗi số phận trong đó là một sợi chỉ màu của bức tranh thêu.
* Vì sao lại có thêm phần phụ lục nối dài?
Nhân vật chia tay ngôi làng ấu thơ để ra đi, không biết số phận sẽ đưa mình đi xa tuổi thơ, xa bạn bè, xa ngôi làng của mình ngoài sức tưởng tượng. Thời cuộc và cuộc đời đã đưa nhân vật đi rất xa. Nên tôi nghĩ là sẽ kết thúc ở đó. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy có nhiều điều muốn nói thêm. Giống như sau này lớn lên, tôi có dịp tỏ tình với người con gái tôi yêu; lời yêu đã nói nhưng tôi luôn có cảm tưởng vẫn chưa trọn vẹn. Có sự thôi thúc nào đó buộc tôi nói tiếp câu thứ hai, câu thứ ba… bất chấp những lời tỏ tình về sau có thể làm hỏng cảm xúc tuyệt vời của lời tỏ tình đầu tiên.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi giới thiệu sách |
* Ông có cân nhắc đến cảm nhận của độc giả khi quyết định cái kết?
Khi viết một cuốn sách, tôi không biết cái kết sẽ như thế nào. Chỉ lo viết thôi, nghĩa là theo dòng cảm xúc. Chuyện tới đâu là do tình huống, tính cách nhân vật quyết định. Tôi không bao giờ nghĩ kết thế này bạn đọc sẽ thích, kết thế này thì bạn đọc sẽ vui, thế kia bạn đọc sẽ buồn. Tôi nghĩ các nhà văn khác cũng vậy. Bởi vì khi anh sáng tạo mà bị cái gì chi phối ngoài văn chương thì khó mà viết cho hay lắm.
Đôi lúc nhân vật muốn kết buồn, tác giả muốn kết vui cũng không được. Các nhân vật trong truyện không phải là robot hay những con rối mà tác giả muốn giật dây thế nào cũng được. Tác giả phải theo phát triển tâm lý logic của nhân vật. Tôi viết truyện cũng ít khi có một cái khung chỉn chu, chỉ phác thảo một số nhân vật, một số tình huống, thông điệp, và cái sườn chung. Còn truyện phát triển tới đâu thì tùy theo sự xung đột của các tình huống, nó sẽ dẫn dắt câu chuyện đi theo hướng mà nhân vật trong truyện thấy hợp lý nhất.
Mà hình như cái kết buồn để lại ám ảnh cho bạn đọc nhiều hơn. Kết trọn vẹn làm bạn đọc thỏa mãn, mà thỏa mãn xong rồi thì thôi. Cái gì nó ám ảnh, day dứt mà các bạn thấy không hài lòng thì các bạn cứ đào bới lại, sắp xếp lại tình tiết theo cách mà mình thấy hợp lý nhất, thích nhất.
* Ông có thể chia sẻ về tác phẩm tiếp theo?
Câu này tôi không trả lời được. Ý tưởng trong đầu nhà văn giống như trái cây, trái nào chín trước thì rụng trước. Trái nào sắp chín, trái nào chín trước và cuốn sách sắp tới là gì, người viết cũng không biết trước được. Mặc dù bây giờ trong máy tính tôi đang viết dở ba bốn truyện khác nhau, nhưng truyện nào kết thúc sớm nhất, hoàn thành đầu tiên thì rất khó nói. Nó chịu tác động nhiều yếu tố như cảm hứng, thời gian, và nhiều cái thuộc về bí mật của người viết.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!