4 ấn bản mới của Mario Puzo do Đông A phát hành
Những nhân dạng khác của Puzo
Phần lớn tác phẩm của Puzo đã được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam mấy thập kỷ qua. Trong những năm gần đây, Đông A đã giới thiệu trở các tác phẩm này trong diện mạo mới, sử dụng một số bản dịch cũ nổi tiếng, được bạn đọc yêu thích như: Bố Già (Ngọc Thứ Lang dịch), Luật Im Lặng (Lương Lê Giang dịch) hoặc tổ chức dịch mới.
4 ấn bản vừa được Đông A phát hành tháng 7/2022 từ lâu vắng bóng trên thị trường xuất bản, gồm: Đất Tiền Đất Bạc (bản dịch cũ của Ngọc Thứ Lang), Dại Thì Chết (Nguyễn Minh dịch mới), Đấu Trường U Ám (Thanh Hoa dịch mới), Tổng Thống K. Thứ Tư (Orkid dịch mới).
Với những trải nghiệm dày dặn từ khi tuổi đời còn rất nhỏ, Puzo để lại dấu ấn đời sống cá nhân tương đối rõ nét trong sáng tác. Trong tiểu thuyết Đất Tiền Đất Bạc - cuốn tiểu thuyết mà Puzo tự hào là “cuốn sách hay nhất và văn học nhất của tôi”, ông kể câu chuyện về cuộc sống chật vật, đầy toan tính của một gia đình nhập cư gốc Ý tại New York. Ta thấp thoáng hình bóng gia đình Puzo trong câu chuyện, với một người cha là công nhân đường sắt mù chữ một ngày nọ dứt áo ra đi để lại vợ và đàn con nheo nhóc.
Được yêu thích với bản dịch Bố già từng làm mưa làm gió trên thị trường văn học dịch Sài Gòn những năm 70 của thế kỷ trước, dịch giả Ngọc Thứ Lang tiếp tục thành công khi chuyển ngữ Đất Tiền Đất Bạc. Nói về hai tiểu thuyết này của Puzo, Ngọc Thứ Lang từng nhận xét: bạn đọc “đọc Đất Tiền Đất Bạc sẽ ngạc nhiên vì cùng một tác giả mà không thấy súng nổ loạn, chỉ thấy cám cảnh vì con người tranh ăn để sống” và “Đất Tiền Đất Bạc đã được viết trước để làm bối cảnh xã hội cho Bố Già. Phải đọc kỹ Đất Tiền Đất Bạc thì may ra mới hiểu ở Bố Già những động cơ nào đã đưa đến sự lũng đoạn của phe nhóm Bàn tay đen, dễ dàng và bất nhân như vậy.”
Đấu Trường U Ám - tiểu thuyết đầu tay của Puzo, lại mang dấu ấn những năm tháng tuổi trẻ ông tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ Hai tại châu Âu. Kể câu chuyện cuộc đời anh lính Walter Mosca, chàng cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Đức với tâm hồn vụn vỡ, những ám ảnh chiến tranh, và tình yêu với người phụ nữ Đức mà anh từng gặp tham chiến. Mario Puzo phơi bày sự khắc nghiệt của chiến tranh, những khủng hoảng trong tâm hồn người lính khi trở về thế giới im tiếng súng.
Đấu Trường U Ám được giới phê bình đánh giá cao và sớm khẳng định phần nào tài năng sáng tác của Puzo. Tạp chí The Nation của Mỹ thậm chí đã gọi tiểu thuyết này là “một trong những tác phẩm hay nhất về giai đoạn Mỹ tiến vào nước Đức”.
Cũng mang đậm dấu ấn cuộc đời của Puzo, nhưng là một phần đời rất khác, Dại Thì Chết lại lấy văn chương, điện ảnh, và cờ bạc làm đề tài chính, trên nền bối cảnh là ba kinh đô của nước Mỹ: kinh đô văn chương New York, kinh đô điện ảnh Hollywood và kinh đô cờ bạc Las Vegas. Tiểu thuyết được viết từ chính trải nghiệm thực tế của Puzo, nhiều phần có tính chất như tự truyện, với những nhân vật được lấy nguyên mẫu từ bản thân ông và những người bạn. Trong tác phẩm này, ông phơi bày tất tần tật chuyện hậu trường văn chương, điện ảnh và những mánh mung của làng đỏ đen.
Là một trong ba bản dịch mới ra mắt lần này, Dại Thì Chết sớm được bạn đọc phản hồi tích cực. Nguyễn Minh đã có kinh nghiệm dịch các ấn phẩm đa dạng lĩnh vực và chủ đề, có thể kể đến bản dịch Robinson Crusoe 2 phần đầy đủ đầu tiên tại Việt Nam (2020), bản dịch Gatsby Vĩ Đại (2022), hay các ấn phẩm thuộc chủ đề tôn giáo, khoa học trong bộ sách Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn, một số cuốn trong bộ Đây Là… giới thiệu về 8 danh họa thế giới.
Tuy thế, không phải lúc nào Puzo cũng dùng các sự kiện có thật trong đời sống làm tư liệu sáng tác. Một số tác phẩm của ông dựa trên tưởng tượng, tư liệu nghiên cứu hoặc hoàn toàn là sản phẩm hư cấu. Chẳng hạn như Tổng Thống K. Thứ Tư. Đây là tiểu thuyết chính trị giả tưởng, khi một thành viên khác của gia tộc Kennedy trở thành Tổng thống Mỹ trong thời đại nhiễu nhương, lòng tin của thế giới đối với vị thế siêu cường của Mỹ dần mờ nhạt.
Câu chuyện mở đầu bằng hai sự kiện: vụ ám sát Giáo hoàng song song với vụ bắt cóc con tin trên chuyến bay chở con gái duy nhất của tổng thống đương nhiệm. Những âm mưu khủng bố đan cài lớp lang, những thử thách trùng điệp bày ra. Washington Post nhận xét: “Cuốn sách kinh điển khiến bạn đọc không dừng được. Tổng Thống K. Thứ Tư có tất cả những gì bạn tìm kiếm ở một tác phẩm giật gân”. Tác phẩm ra mắt độc giả từ năm 1990, nhưng nội dung được đánh giá là còn giữ nguyên tính thời sự và hấp dẫn cho đến tận ngày nay.
Nếu tạm gác ấn tượng quá mạnh về Bố Già để đọc những tác phẩm khác của Puzo, người đọc sẽ nhận ra một chân dung văn học đa sắc. Có những lúc Puzo duy trì lối kể chuyện gay cấn với các tình tiết ly kỳ thu hút người đọc, có khi ông lại ngụp lặn trong cảm xúc và trải nghiệm cá nhân, để phơi bày xã hội nói chung và đời sống Mỹ nói riêng. Như đánh giá của Marton Chilton - cây bút phê bình của The Independent (UK): “Tiểu thuyết của Puzo không chỉ là những câu chuyện gangster mà còn là sự mổ xẻ đầy ấn tượng về trải nghiệm của người nhập cư và những bình luận sâu sắc về lòng tham”.