Bìa cuốn sách. Ảnh: Đông A Books

 
Minh Lan Thứ Tư | 10/05/2023 12:54

Ngược dòng Mekong khám phá Đông Dương kỳ vĩ

Cuốn sách được ví như khối sa bàn chi tiết mô phỏng toàn cảnh lưu vực sông Mekong, vùng nội địa Đông Dương và Nam Trung Hoa nửa sau thế kỷ XIX.

Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương là cuốn sách đầu tiên của Francis Garnier được xuất bản tại Việt Nam, với bản dịch của Nguyễn Minh. Cuốn sách là công trình khảo cứu đồ sộ, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mekong kiến tạo nên suốt nhiều thế kỷ. Đây là đầu sách thứ 3 trong Tủ sách Đông Dương do Đông A xuất bản.

Cuốn sách là báo cáo của Đoàn thám hiểm sông Mekong suốt 2 năm 1866-1868 dưới quyền Trung tá Doudart de Lagrée, gồm 22 chương, bổ sung 309 hình khắc và phụ bản ảnh dựa theo phần lớn các tranh vẽ của L. Delaporte. Đây được xem là tác phẩm nổi bật nhất trong di sản được Francis Garnier để lại, kể về chuyến viễn du đầy gian nan ngược dòng sông Mekong hùng vĩ.

Ngôi chùa hoàng gia ở Luang Prabang (L. Delaporte)
Ngôi chùa hoàng gia ở Luang Prabang (L. Delaporte).

Với lối viết dung dị và khúc chiết, Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương có thể ví như khối sa bàn chi tiết mô phỏng toàn cảnh lưu vực sông Mekong, vùng nội địa Đông Dương và Nam Trung Hoa vào nửa sau thế kỷ XIX. Không chỉ giới hạn trong mảng khảo cứu địa lý, tác phẩm còn tóm bắt những trải nghiệm sống động của đoàn thám hiểm về đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư trong lưu vực sông Mekong, từ những hỉ nộ ái ố trong đời sống sinh hoạt thường ngày đến các lễ hội dân gian bản địa, những tệ đoan của người bản xứ.

Hàng cột ở cổng vào phía tây và toàn cảnh đền Angkor Wat (L. Delaporte)
Hàng cột ở cổng vào phía tây và toàn cảnh đền Angkor Wat (L. Delaporte).

Garnier khám phá dòng sông Mekong với đôi chân háo hức của một nhà thám hiểm cùng đôi mắt nhạy bén của một nhà nhân học. Ngoài việc chắt lọc thông tin từ trải nghiệm của bản thân và của các bạn đồng hành, Francis Garnier còn kết hợp với nền tảng kiến thức sẵn có, và tham khảo, đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn rõ nét và trong sáng nhất về tín ngưỡng, tôn giáo của người bản xứ cũng như lịch sử địa phương.

Sông Bắc Kỳ và thành Nguyên Giang (L. Delaporte)
Sông Bắc Kỳ và thành Nguyên Giang (L. Delaporte).

Trong lịch sử Việt Nam, Francis Garnier thường được biết đến là viên quan người Pháp tận tụy với mẫu quốc. Ông đã dùng vũ lực đánh chiếm thành Hà Nội vào năm 1873. Tuy nhiên, trong lĩnh vực thám hiểm, ông là người kiên cường, tài năng và có nhiều đóng góp nổi bật.

Năm 1866, Garnier tham gia trong đoàn thám hiểm dòng sông Mekong huyền bí, nhận sứ mạng tìm kiếm và khai mở tuyến đường thương mại mới giữa Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa. Sau chuyến đi này, Garnier phụ trách tổng hợp và biên soạn một bộ báo cáo về hành trình của đoàn thám hiểm. Từ năm 1870, một phần của bộ báo cáo đã được Garnier cho đăng trên Tạp chí Le Tour du Monde, nhưng phải đến năm 1873, bản báo cáo chính thức mới ra mắt dưới nhan đề Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương, do Nhà Xuất bản Hachette phát hành.

Lễ hội ở chùa Nongkay (L. Delaporte)
Lễ hội ở chùa Nongkay (L. Delaporte).

Những ghi chép của Garnier trong quyển sách này có giá trị tham khảo không chỉ cho các nhà nghiên cứu, viết sử thời đó mà còn bổ khuyết cho nguồn tư liệu về Đông Dương và Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống hiện nay. Một công trình khảo cứu đồ sộ, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mekong kiến tạo nên suốt nhiều thế kỷ, bao quát nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, thủy đạo, nhân chủng, dân tộc, chính trị, tôn giáo, văn minh…

Chia sẻ về vai trò của quyển sách trong thời đại ngày nay, ông Đỗ Quốc Đạt Nhân, biên tập viên của Đông A nhấn mạnh: “Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương cung cấp cho bạn đọc kiến thức về lịch sử, phong tục, tập quán nói chung của người dân dọc theo dòng Mekong. Dù chỉ có 2 năm, mài mòn sức khỏe, thậm chí cướp đi tính mạng của một thành viên nhưng chuyến đi này của đoàn thám hiểm với sự góp mặt của nhà địa chất, nhà côn trùng học… đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá ở nhiều lĩnh vực.

Đây là nguồn sử liệu quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XIX. Những quyển sách mà người Pháp để lại là những cánh cửa để chúng ta biết về dân tộc mình. Có những người Việt gần như vô danh, nhờ quyển sách này mà chúng ta biết đến sự hiện hữu của họ. Qua quyển sách này, chúng tôi muốn giới thiệu cho bạn đọc những tư liệu ban đầu trước khi biết đến những bộ sử của người Việt viết cho người Việt. Từ đó tìm được kết nối tốt hơn với tổ tiên và lịch sử dân tộc".

Trang phục của người An Nam, người Campuchia và người Xiêm (L. Delaporte)
Trang phục của người An Nam, người Campuchia và người Xiêm (L. Delaporte).

Ấn bản Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương do Đông A phát hành được thực hiện theo nội dung đăng trên Tạp chí Le Tour du Monde, ngoài ra còn tham khảo ấn bản 1885 do Léon Garnier thực hiện, với 309 bức hình khắc kèm thêm phụ bản ảnh. Cuối sách, Đông A thực hiện phần chỉ mục dựa theo bản in năm 1873, có bổ sung thêm một số mục từ có liên hệ đến Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu. Một số mục từ sẽ được ghi kèm tên phiên âm Hán - Việt hoặc tên thông dụng hiện nay, bên cạnh tên theo bản tiếng Pháp. 

Sách tặng kèm Bản đồ toàn cảnh Đông Dương, theo kết quả khảo sát của đoàn thám hiểm Pháp, được lập bởi Francis Garnier năm 1873, kích thước 40x63 cm.

Kỳ thi võ ở Tự Châu phủ (L. Delaporte)
Kỳ thi võ ở Tự Châu phủ (L. Delaporte).

Trong buổi giới thiệu sách tại Ngày sách và Văn hóa đọc lần 2, Đông A cũng đã chọn ra 8 bức tranh và tiến hành phục dựng để người xem có thể cảm hơn về hành trình gian khổ của đoàn thám hiểm và những nơi chủ chốt đoàn thám hiểm đi qua. Ông Nhân nhấn mạnh rằng, trăn trở của ekip biên tập sách sử là làm sao để sách trở nên sinh động và đỡ nhàm chán khi tiếp cận. Việc đưa vào sách nhiều hình ảnh, bản đồ để độc giả đọc đến đâu, có thể dò theo đến đấy như bước vào một cuộc thám hiểm thực sự. Cách làm này cũng hợp với thị hiếu độc giả trẻ ngày nay. Ông cũng bày tỏ hy vọng, ngày nay nhiều người trẻ mê xê dịch, ông hy vọng rằng một ngày không xa sẽ được đón nhận những tác phẩm có giá trị tương tự.

Thời gian tới, ngoài bản bìa cứng, Hành Trình Thám Hiểm Đông Dương sẽ có ấn bản giới hạn S100 để phục vụ nhu cầu sưu tầm.