Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Phúc Thứ Sáu | 03/01/2020 18:39

Một cuộc nhìn thấu hư vô

Đọc xong 32 tản văn tưởng như qua mấy đời người...

32 tản văn trong Hành Lý Hư Vô của Nguyễn Ngọc Tư có thể khiến người đọc chới với. Không chỉ gói ghém những câu chuyện sắc lẹm, mà còn là khoảng mênh mông để biết, mình đọc đó, hiểu đó, ngẫm đó, nhưng dường như vẫn chưa chạm đến được.

Chỉ bởi vì, cuộc đời hữu hạn thì hữu hạn và cái vô cùng thì thênh thang, bởi ở mỗi người, sẽ thấy những giá trị, những đau thương, những thất vọng... mà không ai giống ai. Nhưng điều ấy không có nghĩa là, khi đứng cạnh nỗi đau, ta không còn cảm xúc.

Bởi vậy, thứ cảm xúc khi đọc Hành Lý Hư Vô là những nỗi buồn từ cố lũy cố mãn bỗng hiện về nguyên hình nguyên dạng. Cũng không hẳn Nguyễn Ngọc Tư cố ý đi tìm nỗi buồn để viết, để tản văn của mình trở nên độc đáo. Nhưng đọc chị, thấy cái kiểu cảm thấu từ một người viết có tâm, đặt mình trở thành bè bạn với những điều tưởng là bé mọn. Thành ra, chị chắt dòng nào ra giấy cũng sắc và đắt.

 

Hành Lý Hư Vô không gói gọn những câu chuyện ở riêng miền Tây sông nước. Người đọc sẽ thấy Khờ ở đỉnh núi Trời, thấy chuyến Tây Bắc mờ bụi, thấy những cơn nắng xéo xắc tỉnh lẻ nào đó. Nhưng dù sao đi nữa, những câu chuyện trong này, lần hồi vẫn là chuyện của những người sống nương nhờ vào sông nước biển rừng, vuông tôm, đầm cá, chợ nghèo. Và đặc biệt, tình người nơi đó vẫn thổ lộ rõ một tư cách, nghĩa khí của người miền Tây. Vẫn thật thà, chất phác, tin người, hy vọng, sống hết mình và đã ráng đổi thay, nhưng dường như không khớp lắm vào cuộc đời xung quanh.

Những câu chuyện thời sự bán đất, mất rừng, biển sông ô nhiễm được kể, nhiều mất mát và đổi thay của những người từng gắn đời mình vào đó “cuộc biển bị bức tử, sông chết mòn này đâu phải bởi trời và những đám mây trên đầu, lủ khủ nhưng không ăn được”. Những giá trị phù phiếm bắt đầu len nhanh vào đời sống nông thôn: phụ nữ đã biết xăm chân mày, tắm trắng, loa kẹo kéo ầm ĩ mặc kệ đói no.

Nhưng gì thì gì, con người vẫn cần bám víu vào điều gì đó để tồn tại bởi “không phải vì tạm bợ mà người ta không khát vọng chạm tay vào vĩnh cữu” cuộc đời không vì những ê chề mà người với người từ chối sống hết lòng hết dạ với nhau.

Và Hành Lý Hư Vô là chuyến đi cuối cùng của đời người, với đôi ba thứ hành lý lỏng lẻo, bởi “phải rất lâu sau đó mới nhận ra bao nhiêu đồ đạc cũng không lấp nổi biển trong lòng”. Bến cuối rồi ai cũng đến, nhưng “ở hai bên đường một chiều đi tới miền khuất mặt, nhiều thứ đẹp lắm, chạy nhanh thở gấp thì không thấy được đâu”.

Con người nhiều khi ai cũng tự tin, mình còn lâu lắm mới chạm vào bến cuối, nên cứ “nhấm nháp những khoảng tích cóp được cho đến khi nhận ra ta đang gặm vào da thịt mình”. Chưa tới bến cuối, nên còn tồn tại ngày nào là còn muốn neo lại bóng mình và học mãi cũng không làm được chuyện “cho đi và mất trí nhớ”.

Hành Lý Hư Vô cứ vậy mà sắc lẹm, mà gây ám ảnh, đọc xong 32 tản văn, tưởng như qua mấy đời người.

►Cho nhẹ lòng nhau