Khánh Hà Thứ Năm | 14/05/2020 14:08

Mọi thứ đều có thể thay đổi

Cuốn sách cung cấp cho người đọc nhận thức và phương pháp để phát triển và thay đổi bản thân.

Phó Giáo sư  - Tiến sĩ J. Stuart Ablon là nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về thấu hiểu và giúp những người trưởng thành có hành vi sai lệch. Ông đảm nhận chức vụ Giám đốc của tổ chức Think:Kids thuộc Khoa Tâm thần, Bệnh viện đa khoa Massachusetts.

Nghiên cứu sâu và ứng dụng Phương pháp Giải quyết vấn đề thông qua hợp tác (Collaborative Problem Solving - CPS) vào đời sống, Tiến sĩ Ablon dành hết thời gian của mình để hướng dẫn các bậc cha mẹ, các chuyên gia giáo dục, bác sĩ lâm sàng, nhà quản lý, nhà lãnh đạo... về cải thiện hành vi. Các kết quả tích cực từ việc áp dụng CPS vào đời sống chính là động lực để ông dành thời gian thực hiện cuốn sách Mọi Thứ Đều Có Thể Thay Đổi (tựa gốc Change.able).

Sẽ không quá lời khi nhận xét, Mọi Thứ Đều Có Thể Thay Đổi là cuốn sách có thể khiến người đọc phải giật mình, nhìn lại thói quen và cách hành xử của bản thân. Theo Tiến sĩ Y khoa Bruce D. Perry, thành viên cấp cao của The Child Trauma Academy, giá trị lớn nhất của quyển sách là đưa ra giải pháp cho vấn đề nhiều thách thức nhất trong quá trình tương tác của con người. Đó là cách giữ mối quan hệ gắn kết với người khác để giúp họ thay đổi một cách tích cực. 

Sách đưa ra cách tư duy mới về kỷ luật, xung đột, các mối quan hệ, cách giải quyết vấn đề cũng như cung cấp các công cụ đã được khoa học kiểm chứng để giải quyết xung đột trong cuộc sống. Cách thức xử lý hành vi xấu mà tác giả đưa ra đôi khi gây nghi ngại. Bởi lẽ, số đông vẫn cho rằng kỷ luật buộc người có hành vi xấu phải chịu trách nhiệm với sai lầm của mình chính là giải pháp tốt. Đâu biết rằng, lắng nghe để thấu hiểu cũng như khuyến khích ai đó làm điều tốt chính là ngoại lực mạnh mẽ giúp người đó có động lực để hành xử tốt hơn. 

Những câu chuyện trong sách đều là thật. Quá trình trị liệu, tiếp cận với đối tượng giúp tác giả có được những tư liệu quý giá để chia sẻ với bạn đọc từng cảnh đời trước và sau khi cải th iện hành vi. Dù tên nhân vật đã được thay đổi nhưng nguồn tư liệu đầy chất thực tế, ghi nhận từ các trường học, trại giam, sở cảnh sát hay các cơ sở trị liệu... mà người viết mang đến hoàn toàn chinh phục độc giả. 

Với những người đang canh cánh trong lòng nỗi lo dạy dỗ con cái thế nào, đây sẽ là tác phẩm cực kỳ hữu ích. “Những người đã gây rối khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về tinh thần kỷ luật, thúc đẩy chúng ta hành xử nhân văn hơn, thấu hiểu hơn”, Tiến sĩ Ablon nhận định. 

“Để phát huy trọn vẹn tiềm năng, chúng ta phải cởi mở đón nhận sự thay đổi, ngay cả khi việc đó đáng sợ, có vẻ bất khả thi hoặc khiến ta khó chịu. Những ý tưởng trong tập sách này giúp người đọc nhận ra khó khăn trên con đường đó và cách vượt qua chúng”, nhà tâm lý học Susan David nói.

Khi mỗi người có thể thay đổi theo hướng tích cực, sẽ tạo nên đổi thay cho cuộc sống của chính họ và cả môi trường xung quanh. Cùng với việc thay đổi nhận thức về cách hành xử với người khác, người đọc cũng có dịp nhìn vào bên trong, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến các hành động chưa tốt của bản thân. Hiểu được hạn chế của mình cũng chính là nền tảng cho những thay đổi và hoàn thiện.