Bình Yên Thứ Ba | 24/07/2018 18:00

Lối về của Heinrich Boll

Nước Đức và Việt Nam đều có những con người đang phải từng ngày đối mặt với những thử thách nhưng không quên nuôi hy vọng.

Những ám ảnh trong Lạc Lối Về của Heinrich Böll gợi liên tưởng đến những căn phòng vài mét vuông nhưng chứa cả một gia đình hai, ba thế hệ vẫn còn đâu đó ở Việt Nam. Nước Đức thời hậu chiến hay Việt Nam trong giai đoạn nỗ lực để vươn lên hiện nay đều có những con người đang phải từng ngày đối mặt với những thử thách nhưng không quên nuôi hy vọng.

Với bạn đọc Việt Nam, Heinrich Böll là cái tên không lạ. Tên đầy đủ là Heinrich Theodor Böll (1917-1985), ông được xem là nhà văn Đức quan trọng bậc nhất sau Thế chiến thứ hai. Bạn đọc thế giới ghi nhận, Heinrich Theodor Böll là người sáng tạo nên dòng văn học hoang tàn.

Tác phẩm của ông được thể hiện sinh động bằng ngòi bút chân thực và đầy tính nhân văn về cuộc sống con người trong thế giới hoang tàn của chiến tranh. Ở đó, họ biết yêu thương, phản kháng, biết can đảm nhìn thẳng vào định mệnh để vượt qua nó. Chính điều này đã giúp ông đoạt cả giải Georg Büchner và Nobel Văn học. Nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và được độc giả đón nhận như Nàng Anna Xanh Xao, Đêm Thánh Vô Cùng, Chuyến Viễn Hành Trong Đêm, Người Bạn Có Mái Tóc Dài…

Tiểu thuyết Lạc Lối Về kể lại một ngày của Fred, một người đàn ông mà chiến tranh đã làm cho “gãy cánh”, phải rời bỏ vợ con, tìm chốn ngủ lang vạ vật ở bên ngoài vì không thể về lại gian phòng chật chội dành cho hai vợ chồng và 4 người con, chỉ cách hàng xóm một bức vách nhỏ, để chứng kiến cảnh cùng cực, thiếu thốn của gia đình.

Không gian đặc quánh ấy cùng ký ức hãi hùng của chiến tranh khiến anh ngày càng buồn chán rồi chìm trong men rượu. Ngoài những công việc hằng ngày để kiếm tiền gửi cho vợ con, anh lang thang qua các công viên hẻo lánh, các khoảng đất trống, vào nghĩa trang để trò chuyện cùng người chết. Anh hẹn với vợ trong một khách sạn như một tình nhân lén lút, đưa vợ đi ăn, chuyện trò cho thỏa những ngày xa cách.

Sử dụng thủ pháp song song, ngoài những trần tình của Fred, người đọc cũng tiếp cận với một “tôi” khác ở phía bên kia, là Kate - người vợ. Phải trực tiếp vận hành guồng máy gia đình với cơm, áo, học hành, sức khỏe của các con, cũng như chồng, Kate cũng hết sức bức bối với cái nghèo, với sự ngoan ngoãn đáng ngạc nhiên của các con, với cả những tiếng thở gấp của đôi vợ chồng hàng xóm sát bên... Cô đối mặt với thực tế và bám víu vào những nôn nao trong từng cuộc hẹn với chồng.

Chỉ với hai con người cùng vài nhân vật phụ nhưng tập sách mỏng của Heinrich Böll là bức tranh chi tiết về đời sống. Trong bức tranh ấy, tác giả phác họa rõ ràng chân dung những tâm hồn khốn khổ đang oằn người lo âu vì những áp lực cơm áo gạo tiền của đời sống. Không bức bối vì thiếu ăn, sự ngột ngạt vì thiếu không gian, thiếu ước mơ, thiếu mục tiêu để phấn đấu mới là cơn đói dai dẳng nhất mà họ phải chịu đựng.

Đêm cùng nhau trong khách sạn, cơ hội mà phải khó khăn lắm họ mới sắp xếp được, đôi vợ chồng ấy không dành thời gian cho những chung đụng về mặt thể xác. Họ buông xả những suy nghĩ của mình về nhau, về cuộc sống nhưng không có dự định nào cho tương lai. Để rồi, khi bình minh lên, họ lại chia tay. Những tưởng, cuộc chia tay ấy lại khởi đầu cho những ngày vạ vật mới của Fred, nhưng không. Sách khép lại với một thông điệp sâu sắc: Trở về vẫn là sự lựa chọn dũng cảm nhất của con người.

Chỉ gói gọn tất cả diễn biến trong một ngày đời của một con người sau chiến tranh nhưng Lạc Lối Về đủ sâu, đủ ám ảnh để được xem là tiếng nói cất lên trên hoang tàn đổ nát làm rung động lòng người. Trong bối cảnh những chật chội, ồn ã trong đời sống đô thị đã và đang tiếp tục dội xuống những cảm xúc tiêu cực cho số đông thì việc chấp nhận thực tại đổ vỡ, đối diện mất mát, kiến tạo lại từ đầu những giá trị nền tảng trong cuộc sống phải chăng chính là cách tốt nhất để chúng ta kết thúc những bước đường lang thang, lạc lối