Quỳnh Anh Thứ Tư | 14/09/2022 14:43

Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn

Mô hình đổi mới sáng tạo tiết kiệm liệu sẽ là xu hướng trong tương lai?

Khi thị trường toàn cầu có nhiều bất ổn, biến đổi do chịu ảnh hưởng nặng nề trong những năm qua thì đổi mới sáng tạo sẽ quyết định tính sống còn cũng như lộ trình phát triển của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch & CEO Tập đoàn PepsiCo. Indra K.Nooyi thì “Trong một thế giới siêu cạnh tranh và khan hiếm tài nguyên, chỉ những doanh nghiệp có thể phát triển và tiếp thị các giải pháp mới, sử dụng ít tài nguyên, tiết kiệm chi phí mà vẫn duy trì được chất lượng thì mới có thể thành công".

Vì để bắt kịp với tốc độ phát triển của một thế giới đang ngày càng số hóa nhiều hơn, các tổ chức phải đón nhận một phương pháp tiết kiệm để đổi mới sáng tạo nhằm gia tăng hiệu suất và sự nhạy bén, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy sự tăng trưởng.

Cuốn sách “Frugal Innovation – Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn” là một cuốn sách được Saigon Books ra mắt đúng thời điểm, vì nó đưa ra những hướng dẫn thực tiễn và sâu sắc cho những doanh nghiệp muốn làm tốt hơn với ít nguồn lực hơn.

Bộ đôi tác giả đã nhấn mạnh, bằng cách kết hợp sự sáng tạo tiết kiệm của những quốc gia đang phát triển với năng lực R&D cấp cao tại các nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, hợp túi tiền, bền vững và mang lại lợi ích chung cho toàn nhân loại.

“Frugal Innovation – Làm tốt hơn với nguồn lực ít hơn” gồm 9 chương:

Chương 1: Đổi mới sáng tạo tiết kiệm: chiến lược phát triển đột phá: 

Cung cấp cái nhìn tổng quan về các yếu tố kinh tế – xã hội đã tạo tiền đề cho đổi mới sáng tạo tiết kiệm tại những quốc gia phát triển, lý do người tiêu dùng phương Tây lại đón nhận lối tư duy tiết kiệm và cách họ đã làm điều này.

Chương 2: Nguyên tắc thứ nhất: Tiếp cận và lặp lại: 

Thay vì sử dụng các bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) có tư duy bảo thủ, chỉ dựa vào những phỏng đoán theo kinh nghiệm về nhu cầu của khách hàng, tiếp cận và lặp lại (E&I) bắt đầu từ chính khách hàng. 

Chương 3: Nguyên tắc thứ hai: Sử dụng tài sản linh hoạt

Giải thích về nhu cầu ngày một gia tăng của khách hàng. Họ muốn có các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế theo đúng nhu cầu. Chương này mô tả xu hướng tùy biến đại chúng, cách mà các công cụ mới (ví dụ như robot và máy in 3D) và phương pháp mới (như xã hội hóa sản xuất và chế tạo liên tục) giúp các nhà quản lý chuỗi cung ứng và quy trình vận hành sử dụng linh hoạt các dây chuyền sản xuất, logistics và dịch vụ của họ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn và ít tốn kém hơn. 

Chương 4: Nguyên tắc thứ ba: Tạo ra các giải pháp bền vững

Trình bày cách các doanh nghiệp thực hiện những giải pháp bền vững để thiết kế và sản xuất sản phẩm không có chất thải, ví dụ như phương pháp “thiết kế cái nôi” (còn gọi là “thiết kế tái sinh”, cradle-to-cradle, C2C) với các thành phần và vật liệu được tái chế nhiều lần. 

Chương 5: Nguyên tắc thứ tư: Định hình hành vi của người tiêu dùng

Phân tích cách doanh nghiệp có thể tác động đến hành vi của người tiêu dùng (ví dụ hành vi lái xe bất cẩn hoặc an toàn hơn) và khiến người tiêu dùng cảm thấy giàu có hơn trong khi tiêu thụ ít hơn. 

Chương 6: Nguyên tắc thứ năm: Đồng sáng tạo giá trị với nhà tiêu dùng

Mô tả sự chuyển hóa của người tiêu dùng – đặc biệt là người tiêu dùng thuộc thế hệ Y (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến giữa sau thập niên 1990) vốn am hiểu công nghệ – từ những cá nhân đơn lẻ, thụ động thành các cộng đồng “nhà tiêu dùng” đầy sức mạnh, cùng chung tay thiết kế, sáng tạo và chia sẻ các sản phẩm, dịch vụ mà họ mong muốn. 

Chương 7: Nguyên tắc thứ sáu: Kết giao với những người bạn sáng tạo

Cung cấp cho các giám đốc R&D và giám đốc vận hành những phương pháp để phát triển các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh tiết kiệm hiệu quả hơn bằng cách liên kết với một mạng lưới đối tác bên ngoài đa dạng (như các nhà cung cấp, trường đại học, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty khởi nghiệp) thay vì hoạt động đơn lẻ. 

Chương 8: Nuôi dưỡng văn hóa tiết kiệm

Chương này chỉ ra cách mà lãnh đạo các doanh nghiệp như Aetna, Danone, IBM, Kingfisher, Marks & Spencer, PepsiCo, Renault-Nissan, Siemens và Unilever đang thay đổi toàn diện văn hóa tổ chức của họ cũng như cách tư duy của nhân viên trong quá trình triển khai áp dụng 6 nguyên tắc đổi mới sáng tạo tiết kiệm.

Chương 9: Đổi mới sáng tạo tiết kiệm; xu hướng tất yếu

Hướng dẫn các hoạt động độc lập và phối hợp dành cho cấp quản lý của các bộ phận như R&D, chiến lược, sản xuất, tài chính, vận hành, marketing và bán hàng để xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo tiết kiệm trong doanh nghiệp.

Trong một thế giới siêu cạnh tranh và khan hiếm tài nguyên, chỉ những doanh nghiệp có thể phát triển và tiếp thị các giải pháp mới, sử dụng ít tài nguyên, tiết kiệm chi phí mà vẫn duy trì được chất lượng thì mới có thể thành công.

Thông qua các nghiên cứu tình huống được đưa ra trong cuốn sách này, tác giả Radjou và Prabhu đã chứng minh rằng đổi mới sáng tạo tiết kiệm là một trong những mô hình mới nổi quan trọng nhất để tạo ra giá trị cho cả doanh nghiệp lẫn khách hàng.