Kết quả giải Sách hay 2022. Ảnh: IRED
Kinh Tế Nhật Bản đoạt giải Sách hay 2022
Năm nay, G.S. Trần Văn Thọ đoạt giải ở 2 hạng mục “Nghiên cứu” và “Kinh tế”, gồm: Nghiên cứu với tác phẩm Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai (đồng chủ biên Nguyễn Xuân Xanh) và Kinh tế với tác phẩm Kinh Tế Nhật Bản: Giai Đoạn Phát Triển Thần Kỳ 1955 - 1973.
Giải Sách hay lần thứ 11 do dự án "Khuyến đọc sách hay", Viện giáo dục IRED và Sáng kiến OpenEdu phối hợp tổ chức.
Theo nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, trải qua 15 năm kể từ khi thành lập, giải thưởng vẫn giữ nguyên vẹn giá trị, mục đích ban đầu gồm: “Thứ nhất, lựa chọn, quảng bá và khuyến đọc sách hay. Thứ hai, gợi mở những xu hướng đọc sách, viết sách, dịch sách và làm sách tiến bộ. Và cuối cùng là thông qua những cuốn sách đoạt giải, giải thưởng gửi lời tri ân gián tiếp đến những người làm sách, dịch sách hiệu đính, biên tập đã thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa đọc”.
Ông Giản Tư Trung chia sẻ tại Giải Sách Hay 2022 |
Sau 5 tháng xem xét và bình chọn, 30 chuyên gia trong các lĩnh vực đã bình chọn ra 14 tựa và bộ sách thuộc 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới để giới thiệu đến độc giả. Mỗi hạng mục gồm hai tiểu mục là tác phẩm (sách viết) và dịch phẩm (sách dịch).
Ở hạng mục Quản trị, tác phẩm Việt Nam Thời Chuyển Đổi Số (Nhóm Thinktank Vinasa), dịch phẩm Tư Duy Lại Lợi Thế Cạnh Tranh: 6 Quy Tắc Mới Cho Thời Đại Số (Ram Charan & Geri Willigan, dịch giả Mai Chí Trung).
Với quan niệm "không viết sử mà kể sử", bộ đôi tác phẩm Giáo dục Việt Nam Dưới Thời Thuộc Địa và Trường Pháp Ở Việt Nam 1945 - 1975 của nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Phương đã đoạt giải trong hạng mục Phát hiện mới.
Cùng đoạt giải trong hạng mục này là bộ 3 tác phẩm của nhà văn Lưu Vĩ Lân, gồm: Mật Đạo, Ngẫu Tượng và Nghiệp Chướng. Tác phẩm này từng được trao giải Hội Nhà văn 2021, giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Ở hạng mục Thiếu nhi, cậu bé Phạm Hữu Thiên Ân xuất sắc vượt qua nhiều cây bút người lớn để đoạt Giải Sách hay năm 2022, đồng thời là tác giả nhỏ tuổi nhất đoạt Giải Sách hay trong suốt nhiều năm qua. Cuốn Sách gồm những bài thơ/những câu chuyện thật ngắn viết về cảnh vật, thiên nhiên muôn màu và tràn đầy tình yêu thương trong thế giới tuổi thơ. Khi xuất bản Cuốn Sách Đầu Tiên Của Ku Hay, Phạm Hữu Thiên Ân chỉ hơn 8 tuổi.
Nhà văn Võ Diệu Thanh nhận định đây là khám phá sáng tạo bất ngờ với những góc nhìn mà người lớn không có được. Trẻ em có quyền viết ra bất cứ điều gì mình thấy được từ cuộc sống xung quanh mà không cần những điều quá cao siêu.
Gợi mở về con đường tiếp theo, ông Giản Tư Trung cho rằng Giải Sách hay phấn đấu để giữ vững sứ mệnh "gạn đục khơi trong" như lúc ban đầu nhưng sẽ bổ sung thêm nhiều nhân tố mới bên cạnh những con người đã quen thuộc.
Hai quyển sách đoạt giải ở hạng mục "Văn học" |
Danh sách các tác phẩm đoạt giải:
- Hạng mục Nghiên cứu: Việt Nam Hôm Nay Và Ngày Mai (chủ biên Trần Văn Thọ - Nguyễn Xuân Xanh), dịch phẩm Giữa Quá Khứ Và Tương Lai: Tám Bài Tập Tư Duy Chính Trị (Hannah Arendt, dịch giả Nguyễn Thị Minh).
- Hạng mục Giáo dục: Nghề thầy (Hoàng Đạo Thúy), dịch phẩm Chân, Thiện, Mỹ Trong Tầm Nhìn Đương Đại (Howard Gardner, dịch giả Hiếu Tân).
- Hạng mục Kinh tế: Kinh Tế Nhật Bản: Giai Đoạn Phát Triển Thần Kỳ 1955 - 1973 Trần Văn Thọ), dịch phẩm Tư Bản Thế Kỷ 21 (Thomas Piketty, dịch giả Trần Thị Kim Chi, Hoàng Thạch Quân).
- Hạng mục Quản trị: Việt Nam Thời Chuyển Đổi Số (Nhóm Thinktank Vinasa), dịch phẩm Tư Duy Lại Lợi Thế Cạnh Tranh: 6 Quy Tắc Mới Cho Thời Đại Số (Ram Charan & Geri Willigan, dịch giả Mai Chí Trung).
- Hạng mục Văn học: Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn (Trần Dần); dịch phẩm Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian (Ocean Vuong, dịch giả Khánh Nguyên).
- Hạng mục Thiếu nhi: Cuốn Sách Đầu Tiên Của Ku Hay (Phạm Hữu Thiên Ân), dịch phẩm Chuyến Phiêu Lưu Diệu Kỳ Của Edward Tulane (Kate DiCamillo, dịch giả Phương Huyên)
- Hạng mục Phát hiện mới: Bộ 3 tác phẩm truyện Mật Đạo, Ngẫu Tượng và Nghiệp Chướng (Lưu Vĩ Lân), bộ đôi tác phẩm Giáo Dục Việt Nam Dưới Thời Thuộc Địa và Trường Pháp Ở Việt Nam 1945 - 1975 (Nguyễn Thụy Phương).