Khi cọng rơm lên tiếng
Masanobu Fukuoka (1913-2008) là một triết gia, một nông dân, sinh ra và lớn lên trên đảo Shikoku của Nhật. Ông nghiên cứu bệnh lý thực vật và đã có nhiều năm làm việc với tư cách thanh tra hải quan tại Yokohama. Ở tuổi 25, một nguồn cảm hứng tìm đến đã làm thay đổi cuộc đời của Fukuoka. Ông quyết định từ bỏ công việc, trở về làng quê và hiện thực hóa ý tưởng của mình. Hơn 60 năm làm nông nghiệp, Fukuoka được xem là vị tổ sư của trường phái nông nghiệp thuận theo tự nhiên, bởi ông quan niệm làm nông là cách thức để đến gần Thượng đế và để tu dưỡng.
Ở tuổi 62, Fukuoka cho ra đời Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm. Cuốn sách nhỏ ấy không đề cập đến bất cứ cuộc cách mạng thực thể, mà là cuộc cách mạng trong nhận thức của con người. Fukuoka khẳng định, tiếp diễn hình thức canh tác dựa vào hóa chất và cơ giới sẽ dẫn đến sự suy kiệt toàn diện của hệ sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Bằng những dẫn chứng sắc bén, ông chỉ ra một số điều phi logic trong cách con người đối xử với thiên nhiên, với ruộng đồng và thực phẩm. Càng xa rời tự nhiên, con người càng mệt mỏi trong việc điều chỉnh những gì mình tự xem là phát kiến. Vòng quay này cứ lặp đi lặp lại vô tận cho đến khi không còn có thể phục hồi tài nguyên đất.
Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm không hướng dẫn người đọc nên ứng xử với sản xuất nông nghiệp như thế nào cho đúng mà chỉ cho thấy nông nghiệp hiện đại vốn phụ thuộc vào máy móc, hóa chất và ý chí chủ quan của con người sẽ không thể tăng trưởng bền vững. Bởi phân bón hóa học làm đất không tự hồi phục dinh dưỡng, cày xới chỉ làm cỏ dại nhanh chóng mọc lại, phun thuốc trừ sâu sẽ bức tử cả thiên địch có ích.
Để giải quyết vấn đề này, phương pháp của Fukuoka chỉ đơn giản là thực hiện “Bốn Không” (Không cày xới đất, Không dùng phân bón hóa học hay phân ủ sẵn, Không làm cỏ hay dùng thuốc diệt cỏ và Không phụ thuộc vào hóa chất).
Muốn vậy, người làm nông nghiệp phải nắm được chu kỳ tăng trưởng của các loại cây con, hiểu được những nguyên tắc cơ bản về vòng tuần hoàn nước và sắp đặt những hoạt động gieo trồng thu hái cho bức tranh sản xuất hoàn hảo nhất. Để công việc nhà nông thật sự nhàn hạ, Fukuoka đã mất 30 năm mới phát hiện được những nguyên tắc gieo trồng tự nhiên như cách dùng rơm và bọc đất sét bên ngoài hạt giống để tránh chim sẻ hay kết hợp trồng cỏ ba lá, phủ rơm rạ, gieo hạt ngũ cốc...
Có lẽ, chính vì điều này mà tác phẩm sớm trở thành cuốn sách bán chạy nhất thời đại, được dịch ra hơn 25 ngôn ngữ khác nhau và đưa Masanobu Fukuoka trở thành một nhân vật lớn trong phong trào nông nghiệp bền vững trên toàn thế giới.
Cuộc Cách Mạng Một Cọng Rơm mang đậm tính thiền của một người đã dành trọn cuộc đời chứng minh sự hoàn hảo của tự nhiên, về trật tự của các dạng sống trên đất và sự hiểu biết của con người về thế giới. Sách khép lại với một thông điệp đanh thép: không phải thiên nhiên không nuôi sống được con người như nó đã từng làm trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, mà chính sự tham lam và ích kỷ của con người mới đẩy ngành nông nghiệp đến tình trạng “phi tự nhiên” như ngày nay.