Khắc Bình Thứ Ba | 26/03/2024 17:00

Khát khao cây cỏ

Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên từ góc nhìn thực vật.

Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên từ góc nhìn thực vật.

Dưới ngòi bút cô đọng, trang nhã của Michael Pollan, tác phẩm Khát khao cây cỏ (Phương Nam Book, Nhà xuất bản Thế Giới) đã trình bày nhiều kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành sống động. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là: con người và thiên nhiên luôn gắn liền với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên. 

Tác phẩm Khát khao cây cỏ mang tầm nhìn bao quát, nêu bật quá trình đồng tiến hóa của chúng ta đã len lỏi vào thiên nhiên. 4 ham muốn của con người thể hiện qua 4 loài thực vật, đó là: vị ngọt trong câu chuyện về cây táo, tình yêu cái đẹp dành cho hoa tulip, ham muốn sự say sưa (thoát tục) ẩn chứa trong cây cần sa, khả năng kiểm soát thông qua cây khoai tây. Đọc những lời văn của Michael Pollan, bạn sẽ nhận thấy rằng cây cối không chỉ là giống loài của rừng rậm hoang sơ, mà còn là sinh vật gần gũi, có thể điều khiển cảm xúc con người. 

Mối quan hệ tương hỗ giữa con người và thiên nhiên từ góc nhìn thực vật

Từ xưa đến nay, cây cối và con người luôn học cách tương hỗ nhau: Mỗi bên thực hiện cho bên còn lại những điều tự thân không thể làm, và quá trình thương thảo ấy đã biến đổi cũng như cải thiện số mệnh chung của cả hai. Mở đầu chương 1, Michael Pollan ngược dòng ngược thời gian và chia sẻ với độc giả câu chuyện về người nông dân huyền thoại nước Mỹ – John Chapman, ông đã gieo trồng những cây táo – loài thực vật đại diện cho vị ngọt trong quần thể cây cối. 

John Chapman sống từ cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, là một nhà cách mạng và đồng thời cũng là một người làm vườn. Ông được ca ngợi vì có nhiều đức tính tốt, và niềm đam mê bất tận với nhiều chủng loại táo khác nhau. Được mệnh danh là người nông dân tiên phong gieo trồng táo, những năm 1830, John Chapman đã đi chu du và vận hành một chuỗi vườn ươm hạt táo trải dài khắp các bang nước Mỹ từ Bắc Pennsylvania, qua miền Trung Ohio, đến tận Indiana. Ông già chân đất với bộ trang phục vải bố đã qua đời vào năm 1845, để lại khối tài sản kếch xù.

Từ câu chuyện về nhân vật huyền thoại John Chapman, tác giả Michael Pollan đã diễn tả đậm nét những đặc điểm sinh học tiến hóa của cây táo – vị ngọt. Ông có đoạn viết: “Bằng cách bao bọc hạt trong lớp thịt quả ngọt ngào giàu dinh dưỡng, những cây ăn trái như cây táo đã khéo léo lợi dụng việc mê vị ngọt của các loài thú có vú để đổi lấy đường trong quả. Các loài thú đã vận chuyển hạt đi xa, giúp mở rộng biên độ lãnh thổ của cây táo. Sự hợp tác trong cuộc thương thảo lớn nhằm cùng nhau tiến hóa, các loài thú mê ăn ngọt và những loài cây cho ra quả to, ngọt đã sánh vai nhau nhân giống, phát triển, tiến hóa thành những giống loài như ngày nay, trong đó có cả loài người chúng ta”. 

Trong tác phẩm Khát khao cây cỏ của Michael Pollan, cây cối và con người được đặt trong mối quan hệ phụ thuộc đôi bên. Trước khi đưa ra kết luận này, tác giả chỉ ra rằng, chúng ta thường chia thế giới thành chủ thể và mục tiêu. Và trong khu vườn, cũng như tự nhiên nói chung, loài người thường giữ vai trò chủ thể. Ngay cả trong ngôn ngữ mà chúng ta dùng để miêu ta mối quan hệ này cũng rất rõ ràng: tôi chọn cây, tôi nhổ cỏ, tôi thu hoạch. Nhưng theo Michael Pollan, con người cũng như các loài động vật khác, khi xét trong mối quan hệ đối với cây cối thì đều có tính chất đồng tiến hóa, tương hỗ lẫn nhau.

Ở Khát khao cây cỏ, tác giả Michael Pollan đã so sánh mối quan hệ đồng hưởng lợi giữa con người và các loài thực vật cũng có phần tương tự như mối quan hệ giữa con ong và loài hoa. Ong thu phấn hoa để làm mật, cùng lúc đó gieo rắc phấn đến các nơi khác, giúp cây mẹ duy trì nòi giống. Bắt nguồn từ ý tưởng này, tác giả kết nối các nhu cầu, cũng là ham muốn chính yếu của con người: vị ngọt, cái đẹp, say sưa và kiểm soát – với những loài cây có thể thỏa mãn các nhu cầu ấy: cây táo, hoa tulip, cây cần sa và cây khoai tây. 

Bằng cách kể câu chuyện về 4 loài thực vật này, Michael Pollan cho thấy cây cối đã cố gắng tiến hóa như thế nào để đáp ứng các nhu cầu căn cốt của con người. Về phía con người, nhờ được hưởng lợi từ cây mà càng ra sức nhân giống, giúp cây phát triển thuận lợi. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, trong mối quan hệ giữa người và cây – ai mới là kẻ nắm giữ vai trò chủ chốt, và ai đã thực sự thuần hóa ai?

Đáp án của Michael Pollan là: “Tôi nhận ra rằng vấn đề giữa tôi và củ khoai đang trồng cũng chẳng khác là bao nhiêu. Cả 2 đều là cộng sự trong mối quan hệ đồng tiến hóa, và vẫn luôn như thế kể từ buổi bình minh của nền nông nghiệp từ 10.000 năm về trước”.

Xuyên suốt quyển sách, Michael Pollan gợi ý những phương thức để con người có thể bày tỏ lòng quý trọng với tự nhiên. Vì chỉ có như thế, ta mới đủ rung động để cảm nhận được những thanh âm, sắc màu, hương vị đẹp đẽ muôn hình vạn trạng của cuộc đời. Sức sống của cây cối, những kết nối tuyệt diệu, giúp chúng ta biết cách sinh tồn trong nhịp điệu hài hòa giữa các mối quan hệ bắt nguồn từ bản chất cốt lõi và vẻ đẹp của cuộc đời.

Con người có thể kiểm soát thiên nhiên hoang dã, nhưng tính hoang dã thì không

Trong chương 4 có tiêu đề là Ham muốn kiểm soát, Michael Pollan đã chỉ ra mặt trái của nông nghiệp biến đổi gene. Tác giả dẫn chứng rằng, hơn 20 triệu héc-ta đất nông nghiệp ở Mỹ đã được dùng để trồng hoa màu biến đổi gene, chủ yếu là bắp (ngô), đậu nành, bông và khoai tây. Tất cả đều được biến đổi để gene để sản sinh ra chất diệt côn trùng, kháng thuốc diệt cỏ. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy giống khoai tây được biến đổi gene để hút ít dầu mỡ hơn khi rán, giống ngô chịu hạn, giống cỏ phủ vườn không cần cắt xén, giống gạo vàng giàu vitamin A, giống chuối và khoai tạo ra nguồn vaccine…

Khi con người tiến đến mục tiêu ham muốn kiểm soát trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, họ đã tạo nên một sự hỗn loạn mới. Thiên nhiên hoang dã có thể kiểm soát nhưng tính hoang dã thì không. Mỗi lớp đất cày xới lại nảy sinh một loài cỏ dại mới, mỗi loại thuốc trừ sâu lại kích thích sự kháng cự của sâu bệnh. “Nông nghiệp về bản chất là sự tinh giản đến thô bạo, thâu vén thiên nhiên hỗn tạp thành thứ nằm trong tầm kiểm soát; bắt đầu từ việc lọc ra một số ít giống cây để trồng thành luống đều đặn”, tác giả Khát khao cây cỏ viết. 

Tự nhiên có tiếng nói đầy quyền năng. Và tự nhiên không tồn tại riêng lẻ. Cây, cỏ, đất, nước, không khí, hệ sinh vật, phân bón, chất mùn, nấm… và con người nói chung lẫn người làm vườn nói riêng đã liên kết lại với nhau một cách tinh tế và kỳ diệu để tạo nên những bông hoa tinh khôi, những luống rau xanh tươi, các loại hoa quả ngọt… Và từ đó, mỗi chúng ta vừa làm vườn, vừa quan sát lắng nghe để góp vào một đôi tay hỗ trợ phục hồi hệ sinh thái bền vững. 

Michael Pollan cũng chia sẻ những năng lượng tích cực từ việc tự trồng khoai tây tại vườn nhà của mình rằng: “Tôi yêu phút giây đầu tiên khi vừa xới đất, trông thấy những củ khoai màu nâu sáng lăn mình khỏi lớp đất đen. Sau khi đã nhặt hết những củ dễ thu hoạch nằm ở lớp đất trên, bạn nên để xẻng qua một bên. Nếu đào không cẩn thận bạn sẽ xắn xẻng và làm nát những củ mọc sâu bên dưới. Hãy đào lên bằng tay, thọc những ngón tay vào sâu trong thớ đất mịn, cảm nhận những hình khối ngủ yên trong lòng đất. Việc ngửi một củ khoai tây sống cũng chính là cách ta đánh dấu đường biên giữa tính thuần hóa và tính hoang dã”. 

Sự sinh tồn của cây cỏ là thứ ngọt ngào nhất, đẹp đẽ nhất, hay gây say mê nhất – một sự cho và nhận giữa ham muốn của con người và các cá thể trong vũ trụ thực vật. Quá trình này đòi hỏi cả hai bên cùng tham gia, mặc dù vô thức hay ý thức, con người và thiên nhiên luôn “cùng hội cùng thuyền”, gắn bó với nhau trong sự tiến hóa chung của dòng chảy lịch sử tự nhiên. Michael Pollan tâm sự: “Tôi hy vọng rằng, khi gấp cuốn sách này, bạn sẽ nhìn những thứ ngoài kia theo cách khác đi, cụ thể, khi bạn nhìn thấy một cây táo bên đường hay một bông hoa tulip trên bàn, chúng sẽ không còn xa lạ hay tách biệt nữa. Việc nhìn chúng như đồng đội sẵn lòng cùng nhau phát triển đồng nghĩa với việc ta tự nhìn mình khác đi: Con người cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng của những ham muốn và dự định của loài khác…”.

Đánh giá về sách

“Dưới ngòi bút cô đọng, trang nhã của Pollan, các kiến thức khoa học chuyên sâu và những tham khảo đa ngành trở nên sống động hơn bao giờ hết. Tất cả đều góp phần soi sáng quan điểm cốt lõi của ông, đó là con người và thiên nhiên "mãi luôn cùng hội cùng thuyền".

 – Publishers Weekly

“... Vốn tri thức sâu rộng, tài nắm bắt nhanh nhạy về sinh học tiến hóa và thêm chút cá tính nổi loạn đã thúc đẩy Pollan ‘đào bới’ những quan điểm đầy mâu thuẫn. Ông cũng có lối viết thật lung linh, sắc bén và biệt tài tìm kiếm lời trích dẫn hoàn hảo tại nhiều nơi chốn lạ lùng…”.

–  The New York Times Book Review

“Pollan là người làm vườn và nhà văn tài hoa. Ông trình bày quan điểm từ góc nhìn của cây cối, đồng thời thách thức một số giả định căn bản nhất của tôi về việc làm vườn, đặc biệt là việc liệu tôi kiểm soát cây hoa ly mình trồng hay ngược lại. Pollan đã giúp tôi thoát khỏi sự ngu muội của chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm”.

– The Wall Street Journal

“Một quyển sách bạn chẳng thể đặt xuống, sẽ tháo gỡ những vướng mắc về tác động của chính trị xã hội, kinh tế và lịch sử đến quá trình trồng 4 loại cây. Pollan thật sự là bậc thầy khám phá mối quan hệ, có thể tìm thấy điểm liên hệ giữa các khía cạnh riêng biệt trong công việc làm vườn phức tạp, kể cả chúng thuộc lĩnh vực chính trị, văn học, kinh tế xã hội, thậm chí là tính dục”.

– Chicago Tribune 

Về tác giả

Michael Pollan là tác giả của 7 đầu sách nổi tiếng bao gồm Cooked, Food Rules, In Defense of Food, The Omnivore’s Dilemma và The Botany of Desire… hầu hết đều lọt vào danh sách bán chạy nhất của Tạp chí New York Times. Ngoài vai trò cộng tác viên lâu năm của New York Times, ông còn dạy viết văn tại Đại học Harvard và Đại học California, Berkeley.

Năm 2010, Tạp chí Time đã vinh danh ông là 1 trong 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới.