Giấc Mơ Việt Nam Tôi: Tấm lòng nhiệt huyết của một người Việt
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một trong những người tiên phong hợp tác học thuật Bỉ – Việt. Sớm sang Bỉ từ tháng 12 năm 1960, ông đã đạt thành quả rất tốt khi theo học ngành kỹ sư vật lý, rồi cấp bậc tiến sĩ tại Đại học Liège.
Ông thực thi sự nghiệp giáo dục đại học từ năm 1966 cho đến năm 2006 qua nhiều chức vị: nghiên cứu sinh, trợ lý, phó giáo sư rồi trở thành giáo sư thực thụ về ngành Cơ học Chất rắn. Ông cũng là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế về ngành khoa học mũi nhọn này.
Vì những thành quả đó, GS nhiều lần được vinh danh, nhiều lần được tặng thưởng từ hai phía Bỉ và Việt Nam. Ông còn được các cơ quan ngôn luận Bỉ đề cao là một trong những công dân Bỉ gốc nước ngoài có cống hiến cho việc thay đổi nước Bỉ. Đặc biệt, ông cũng là người đề xướng và điều phối các chương trình Cao học Bỉ - Việt EMMC và MCMC.
Mặc dù đạt nhiều thành tựu trên xứ người nhưng GS chưa từng nguôi ngoai về giấc mơ Việt Nam. Ông luôn mong mỏi góp sức cho sự nghiệp giáo dục, khoa học Việt Nam.
Trong Tập 1: Đi Xa Về Gần, GS Hưng đã tập hợp những bài viết, bài phỏng vấn của ông nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, những kỷ niệm về việc hợp tác đại học giữa Bỉ và Việt Nam. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến chương trình đào tạo cao học giữa các trường đại học Bỉ và các trường đại học bách khoa Việt Nam. Đây là những chương trình do Giáo sư Hưng điều phối, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn từ năm 1995 đến năm 2006.
GS Hưng chính là người đã nghĩ ra hệ thống “du học tại chỗ” (Phần 1: Trái đắng và Quả ngọt - Học ở Việt Nam vẫn lấy được bằng thạc sĩ châu Âu), vừa là công cuộc đào tạo rộng rãi và cũng vừa là cách để tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Để làm công việc quá mới mẻ này, ông đã không ngần ngại chiến đấu can trường trong nhiều năm với nhiều nền giáo dục, đẩy lui những định kiến và vượt qua những thái độ bảo thủ.
Những nhận xét sâu sắc và những kiến nghị vô cùng tích cực của GS trong cuốn sách chắc chắn sẽ là nguồn tài liệu tham khảo quý giá như những ai đang mong muốn phát triển nền giáo dục nước nhà.
Tập 2 của bộ sách - Còn Mãi Hương Xa - vẫn giấc mơ ấy, vẫn những trăn trở ấy, nhưng khi rõ ràng trên câu chữ, thông qua những cảm nghiệm trên con đường làm khoa học, làm giáo dục vì Việt Nam của GS Hưng; khi lại ẩn hiện qua những tản mạn về văn hóa-xã hội-đời sống những nơi đã qua, những con người ông đã gặp, đã gắn bó, thuộc nhiều nước trên thế giới; về nhiều con người tài hoa, có đức có tài đóng góp cho Việt Nam.
Dù là sách bút ký, nhưng Giấc Mơ Việt Nam Tôi luôn toát lên tinh thần phục vụ, xây dựng, tạo sự tiến bộ không ngừng để phát triển nền giáo dục Việt Nam.
Sự nghiệp của GS Hưng đã và đang là tấm gương mẫu mực cho hàng ngàn sinh viên Việt Nam. Nhiều học trò của ông giờ đây là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… đang lan tỏa những điều tốt đẹp đóng góp cho đất nước. Qua từng bài viết trong tập sách này, bạn đọc sẽ không khỏi khâm phục, xúc động, và kính nể con người nhiệt huyết ấy…