Hình ảnh bộ sách được in lần thứ 10 do Đông A và NXB Hội Nhà Văn liên kết ấn hành. Ảnh: Đông A Books
Giá trị vượt thời gian của Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam
Đã 65 năm kể từ khi in tập I và II, cho đến nay, Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn luôn được sự đón nhận của đông đảo bạn đọc. Với nhiều thế hệ độc giả, bộ sách đã trở thành sách gối đầu giường. Nhiều truyện cổ tích được kể lại trong bộ sách đã thành những câu chuyện kinh điển, thậm chí được chuyển thể thành phim như: Tấm Cám, Thánh Gióng, Sự Tích Con Muỗi, Đồng Tiền Vạn Lịch…
GS Nguyễn Đổng Chi là người đầu tiên xâu chuỗi các motif truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích của nhiều nước. Tác phẩm Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam của ông được đánh giá là “công trình nghiên cứu folklore đã trở thành cổ điển”, phổ biến với bạn đọc và giới nghiên cứu.
Box set trọn bộ in lần thứ 10 |
Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam được công bố lần lượt trong vòng 25 năm: từ năm 1958 in tập I và II; năm 1960 in tập III; năm 1975 ra mắt tập IV và đến năm 1982 xuất bản tập X. Từ đó đến nay, bộ sách liên tục được tái bản dưới hai phiên bản: ấn bản chỉ có các truyện cổ tích được sưu tầm và ấn bản trọn bộ bao gồm 201 truyện chính, kèm phần Nghiên Cứu và Khảo Dị.
Lần in trọn bộ gần đây nhất vào năm 2015, NXB Trẻ in nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh tác giả. Trước đó, bản in trọn bộ lần thứ 8 do NXB Giáo dục phát hành năm 2000.
Lần in trọn bộ thứ 10 do Đông A Books và NXB Hội nhà văn liên kết ấn hành. Bộ sách được chính con trai G.S. Nguyễn Đổng Chi hiệu chỉnh đầy đủ, kỹ lưỡng theo bản thảo gốc. Bản in lần này đã chuyển phần tên riêng nước ngoài về tên nguyên gốc. Với các ngôn ngữ không dùng chữ Latin thì thay bằng chuyển tự Latin. Đồng thời, sách được bổ sung minh họa của hai họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn và Phạm Ngọc Tân.
Ngoài bộ 5 tập bìa mềm, đóng hộp, khổ 14,5 x 20,5cm đã phát hành và nhận được sự đón nhận tích cực từ độc giả, bộ sách sẽ có thêm phiên bản bìa cứng phổ thông, bản giới hạn và bản đặc biệt cùng khổ 18,5 x 26,5cm, chia thành 2 quyển, dự kiến ra mắt trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu sưu tầm, chơi sách.
Minh họa truyện Tấm Cám. Phạm Ngọc Tuấn vẽ |
Sách gồm 3 phần chính. Phần thứ nhất (in đầu tập I) Nghiên Cứu Truyện Cổ Tích Nói Chung Và Truyện Cổ Tích Việt Nam, trong đó tìm hiểu bản chất, lai lịch và lịch sử phát triển của truyện cổ nói chung và cổ tích nói riêng.
Phần thứ hai Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam, gồm 201 truyện đã được tuyển chọn và sắp xếp thành các chủ đề: Nguồn gốc sự vật; Sự tích đất nước Việt; Sự tích các câu ví; Thông minh tài trí và sức khỏe; Sự tích anh hùng nông dân; Truyện phân xử; Truyện thần tiên, ma quỷ và phù phép; Truyện đền ơn trả oán; Tình bạn, tình yêu và nghĩa vụ; Truyện vui tươi dí dỏm. Đây đều là những truyện tiêu biểu nhất, được chọn lọc và ổn định qua thời gian, nổi lên như dòng chủ lưu trong đời sống truyện kể luôn luôn biến hóa sinh động của văn học dân gian qua nhiều thế kỷ.
Sau mỗi truyện chính, tác giả đều bổ sung các dị bản trong phần Khảo Dị, nhằm so sánh điểm dị biệt giữa các truyện chính với hàng trăm truyện cổ dân gian Đông Tây khác. Điều này mang đến góc nhìn tổng quan về hệ thống truyện cổ dân gian vô cùng phong phú của nhân loại. Phần Khảo Dị đã góp phần tạo nên giá trị đặc biệt cho bộ sách, vượt xa tất cả những tuyển tập sưu tầm khác, bởi trước Nguyễn Đổng Chi, chưa có nhà nghiên cứu nào hệ thống, xâu chuỗi truyện cổ tích trong tương quan đối sánh với hàng loạt cốt truyện đồng dạng của nhiều dân tộc.
Minh họa truyện Đồng Tiền Vạn Lịch. Phạm Ngọc Tuấn vẽ |
GS. TS Nguyễn Thị Huế khẳng định, bao nhiêu vốn liếng cổ tích do người Việt chắt chiu, sáng tạo, gom góp từ nhiều đời đã được bảo lưu, được chọn lọc, sắp xếp và trình bày dưới dạng tinh kết trong phần 2. 201 truyện được tuyển chọn và kể lại từ các nguồn sử liệu; các tác phẩm trong lịch sử văn học nước nhà cho tới sách báo tiếng Việt và tiếng Pháp sau này; các bản thần tích, thần phả, đạo sắc phong thần… Đặc biệt, ngoài tư liệu đã thành văn, cần kể đến công phu sưu tầm, điền dã của GS Nguyễn Đổng Chi trong vòng 50 năm, giúp ông tìm thêm những nguồn tư liệu sống động từ dân gian, không có trong sách vở, hoặc bổ sung cho sách vở. Nhờ đó, những truyện cổ tích mà ông kể lại có không khí sinh động, hứng khởi, gần gũi của người kể chuyện dân gian, bên cạnh ngòi bút biến hóa, linh hoạt của một nhà văn có tài.
Phần thứ ba là Nhận Định Tổng Quát Về Truyện Cổ Tích Việt Nam (in cuối tập V) nêu rõ đặc điểm và nguồn gốc của thể loại này. Trong phần này, học giả Nguyễn Đổng Chi nêu ra 4 đặc điểm bao quát nội dung, tư tưởng lẫn phương thức tư duy nghệ thuật, cấu trúc và hình tượng của truyện cổ tích Việt Nam.
Minh họa truyện Bà Chúa Ong. Phạm Ngọc Tân vẽ |
Thứ nhất, yếu tố tưởng tượng của người Việt Nam trong sáng tác cổ tích gần như ít xa lạ với nhân tính. Truyện thần kỳ nói chung khá lý thú, là kết quả của sự phối hợp khéo léo giữa hai nhân tố thực và ảo, nhưng số lượng lại không nhiều. Thứ 2, truyện cổ tích Việt Nam thường bắt rễ từ môi trường sinh hoạt của một xã hội quân chủ kiểu phương Đông, lấy làng xã làm nền tảng. Nó thường toát lên vẻ đẹp cân bằng, cái hiền hòa, cái nhân đạo. Thứ 3, nhân vật tích cực trong cổ tích Việt Nam thường tỏ ra không bằng lòng với hiện thực; luôn luôn hướng tới một thế giới mới, với những hệ giá trị mới, công bằng hơn, hợp lý hơn. Thứ 4, nhiều truyện đề cập đến vai trò năng động của người phụ nữ, và thường phản ánh khát vọng tình yêu và hôn nhân tự do.
Minh họa truyện Quan Âm Thị Kính. Phạm Ngọc Tân vẽ |
Như vậy, Kho Tàng Truyện Cổ Tích Việt Nam không đơn thuần là tác phẩm sưu tầm, ghi chép lại những chuyện kể trong dân gian mà còn là công trình nghiên cứu chuyên sâu, có giá trị. Điều này thể hiện rõ từ phần truyện chính kèm các dị bản liên quan, đến phần tổng luận với các luận điểm khoa học, những nhận định tổng quát, những kết luận có ý nghĩa học thuật về thể loại truyện cổ tích.
Trong xã hội hiện đại, xuất hiện nhiều tranh luận, phản biện có nên cho trẻ đọc truyện cổ tích thì bộ sách này đã phần nào trả lời được băn khoăn đó. Đọc truyện cổ không chỉ là nghe kể về những chuyện xưa tích cũ đã phổ biến trong đời sống mà còn khơi dậy sự tò mò và tiếp thêm tình yêu với văn hóa dân gian. Đó chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn Việt từ những ngày thơ ấu.