Fukuzawa Yukichi bàn về sự học
Kiên quyết không tham dự vào chính trị, toàn ý tập trung vào khai hóa văn minh, nâng cao dân trí, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi là một trong những người có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật thời cận đại. Ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ, có giá trị, ảnh hưởng sâu sắc, góp phần làm nên cái gọi là tinh thần người Nhật. Trong đó, Khuyến Học được xem là một tác phẩm quan trọng.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng lỗi lạc. Ông sinh năm 1834 trong một gia đình võ sĩ cấp thấp ở Nakatsu, nay thuộc tỉnh Oita, Kyushu. Cha mất sớm, gia đình lâm vào khốn quẫn, ngay từ khi lên 4, Fukuzawa Yukichi đã cảm nhận sâu sắc nỗi tủi cực do chế độ đẳng cấp và tình cảnh ly tán của gia đình. 14 tuổi ông mới bắt đầu được đi học nhưng nhanh chóng nhận thấy Hán học, Nho giáo là thứ mị dân và cội nguồn của bất bình đẳng.
Lớn hơn một chút, ông quyết tâm tự học tiếng Anh. Nhờ ngoại ngữ này, Fukuzawa Yukichi tiếp xúc với những nền văn minh phương Tây, mở ra trong ông một chân trời tư tưởng mới. Với nguồn sáng tạo dồi dào, ông đã viết hàng loạt tác phẩm truyền tải dòng tư tưởng rộng mở đó, gây được sức ảnh hưởng sâu sắc, to lớn với lịch sử nước Nhật trong thời kỳ chuyển mình từ cuối thời Mạc phủ sang thời đại Minh Trị.
Trong hơn 15 tác phẩm nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi, Khuyến Học không phải là tác phẩm đồ sộ nhất nhưng lại là có ảnh hưởng rộng nhất đến công chúng Nhật. Khi mới in lần đầu, cuốn sách này có một số lượng ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu bản, trong khi dân số Nhật thời đó chỉ khoảng 35 triệu người, trở thành cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân. Kể từ năm 1942 đến năm 2000, riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản đến 76 lần. Cuốn sách nhanh chóng bước ra thế giới và trở thành tác phẩm có ảnh hưởng lớn, nhất là với những quốc gia khu vực châu Á.
Trong Khuyến Học, Fukuzawa Yukichi khẳng định mọi người sinh ra đều bình đẳng và nếu có khác biệt là do trình độ học vấn. Đó là tinh thần cơ bản của con người và mục đích thực thụ của học vấn. Fukuzawa Yukichi viết: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Tuyên ngôn của ông đã gây kinh ngạc và bàng hoàng cho đa số người Nhật, vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp, thân phận, quen phục tùng phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ.
Đi sâu vào phương pháp học, Fukuzawa Yukichi phê phán lối học lý thuyết, học thuật theo kiểu vẹt và nhấn mạnh con người phải xây dựng nền học vấn dựa trên thực tế, phải gắn liền với cuộc sống hằng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập và tính thực dụng.
Không phải ngẫu nhiên, Fukuzawa Yukichi được tôn vinh hình ảnh trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật. Là một nhà Tây học nhưng Fukuzawa Yukichi cũng là người đề xuất tiếp thu văn minh phương Tây chọn lọc. Ông đề cao quan điểm bảo vệ những giá trị cốt lõi và tinh hoa của dân tộc bên cạnh việc học hỏi sự tiến bộ của Tây Âu để tạo ra những bước phát triển bền vững cho dân tộc.
Tinh thần của Fukuzawa Yukichi cũng là cách làm mà các dân tộc châu Á ứng dụng trong qua trình tiếp kiến văn hóa, khoa học, giáo dục phương Tây.
Gần 150 năm, tính từ lần xuất bản đầu tiên (năm 1872), Khuyến Học vẫn là tác phẩm đậm chất thời sự và giàu tính ứng dụng. Xuất bản ở Việt Nam, Khuyến Học do dịch giả Phạm Hữu Lợi chuyển ngữ, Nhã Nam, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Sách vẫn đang là tác phẩm bán chạy sau nhiều năm có mặt