Dọn đường cho hạnh phúc
Triết học Phật giáo chỉ rõ, 5 chướng ngại ngăn trở con người trong thiền và trong cuộc sống gồm ham muốn của giác quan, sân hận, hôn trầm (lừ đừ, chán nản), trạo cử (xao lãng) và hoài nghi. Đem tư duy nhà Phật, đối chiếu vào đời sống hiện đại, theo Tiến sĩ John Izzo, những yếu tố khiến con người ngày càng khó cảm nhận được hạnh phúc gồm kiểm soát, kiêu ngạo, thèm muốn, tiêu dùng và nhàn hạ. Luận điểm mà ông dày công nghiên cứu, trình bày ở những buổi diễn thuyết quốc tế, ngay lập tức được đón nhận. Năm Kẻ Trộm Hạnh Phúc, cuốn sách phân tích và chứng minh đồng thời hướng dẫn cách thức tổ chức đời sống hướng về nguồn hạnh phúc tự bên trong của John Izzo vì vậy mà cũng được chào đón.
Theo John Izzo, hạnh phúc là trạng thái tự nhiên của mỗi người. Nhưng đời sống càng hiện đại, hạnh phúc tự thân càng nhanh chóng biến mất. Gọi 5 yếu tố khiến hạnh phúc con người bị tiêu hao là “kẻ trộm”, tác giả khẳng định, những kiểu tư duy này thường không hiện diện rõ ràng mà âm ỉ. Ông phát hiện những “tên trộm” này khi tìm kiếm nguồn hạnh phúc đích thực trong kỳ nghỉ phép dài, trên đường đi hành hương đến địa điểm tâm linh nổi tiếng thế giới cũng như rất nhiều sự kiện thú vị khác.
Sở hữu lối hành văn giản dị, John Izzo cho người đọc thấy được giá trị của thứ hạnh phúc từ bên trong, từ nhận thức và cảm nghiệm cuộc sống của chính mình. Gợi mở suy nghĩ đến việc tổ chức cuộc sống hạnh phúc bền vững, tác phẩm cũng đồng thời phản ánh một thực tế: đa phần, con người chỉ tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài. Đó là những vật chất sở hữu, là danh tiếng do người khác đánh giá, là tình yêu thương và những giây phút bình yên người khác mang đến cho mình. Bởi thực tế, rất nhiều người đều trả lời câu hỏi về hạnh phúc bằng mở đầu: “Tôi sẽ hạnh phúc khi...”.
Một trong những “kẻ trộm” hạnh phúc mà John Izzo xác định gây nhiều tranh cãi. Đó là sự nhàn hạ. Đây là yếu tố được đánh đồng với lối sống thanh nhàn, giản dị mà hầu hết các tôn giáo đều đề cao. Phân định rạch ròi giữa 2 khái niệm, John Izzo khẳng định, nhu cầu nhàn hạ có thể ru chúng ta vào nhận thức sai lầm rằng việc chúng ta làm đủ tốt trong khi thực tế thế giới đòi hỏi nhiều hơn. Nỗ lực để hoàn thành những nhiệm vụ của đời sống không rút cạn sức lực của con người mà ngược lại, sẽ tạo thêm sức mạnh cũng như động lực sống, nếu biết tổ chức công việc hợp lý cũng như chế độ sinh hoạt khoa học.
Không dừng lại ở việc định danh những nhu cầu cá nhân hình thành nên tính cách xấu là kẻ trộm hạnh phúc, cuốn sách sâu sắc và truyền cảm hứng này còn miêu tả lớp vỏ ngụy trang của những tên trộm đó, những công cụ chúng sử dụng để đột nhập vào tâm chúng ta và cách bắt giữ chúng một lần và mãi mãi. Theo Brian Tracy, đóng góp của Tiến sĩ John Izzo rất lớn bởi ông cho thấy những tên trộm này đang hủy hoại xã hội như thế nào. “Những thứ kìm hãm, không để tâm yên bình cũng là những thứ thuộc về tâm. Cuốn sách cho chúng ta thấy cách tháo bỏ những rào cản ấy một lần và mãi mãi”, vị diễn giả nổi tiếng toàn cầu nói.