Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty sách Saigon Books.
Đọc sách là món ăn tinh thần ngày Tết
Những năm qua, phong trào đọc sách, tặng sách ngày Tết ngày càng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng trong cộng đồng, nhằm cổ vũ cho văn hóa đọc được phát triển. Người sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty sách Saigon Books - Nguyễn Tuấn Quỳnh, Giám đốc Công nghệ, chuyên gia chuyển đổi số Đào Trung Thành, Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy đã chia sẻ về cái Tết đọc sách đầy ý nghĩa.
*Món quà nào anh, chị thấy ý nghĩa nhất khi nhận được trong năm vừa qua?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi nghĩ đó là sức khỏe và sự bình an! Mỗi sáng thức dậy thấy còn khoẻ mạnh, xung quanh mình có những người thân yêu, phía trước có những mục tiêu để theo đuổi, tôi ngập tràn lòng biết ơn cuộc sống!
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy: Tôi thường thích được tặng sách. Sách là món quà vừa tiền người tặng mà giá trị thì vô giá với người nhận. Một cuốn sách hay có thể thay đổi cuộc sống của ta theo hướng tốt lên. Cá nhân tôi cũng thích đi tặng món quà theo nhu cầu người nhận và luôn ưu tiên chọn sách nào họ đang cần, đang thích.
Chuyên gia Đào Trung Thành: Chắc là tiền thu lao cho công sức của mình trong năm vất vả vừa qua. Nó không quá nhiều nhưng là thành quả của một năm mình phấn đấu hết mình. Bên cạnh đó là những món quà của bạn bè thể hiện sự quý mến mình. Trong năm qua, tôi nhận được khá nhiều sự hỗ trợ của các nhà sách như Saigonbooks, Nhã Nam, Alphabooks nên những cuốn sách tâm đắc có ý nghĩa lớn với bản thân mình.
*Anh, chị nghĩ sao về việc lì xì sách, tặng sách ngày Tết?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Từ nhiều năm trước, người Việt chúng ta đã có phong trào tặng sách, tặng chữ ngày Tết, đó là một nét văn hóa đẹp và thể hiện tinh thần trọng chữ của ông cha ta. Tuy nhiên, dường như có khoảng thời gian, thói quen tặng sách, tặng chữ ngày càng bị sao lãng bởi những món quà thực dụng khác. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, con người ta quan tâm đến đời sống tinh thần nhiều hơn thì những món quà như sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần đầy ý nghĩa trong đầu năm mới.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy: Lì xì sách là nét văn hóa đẹp nhiều năm nay. Tôi cũng áp dụng lì xì con cháu bạn bè sách vài năm rồi.
Tiến sĩ Phạm Thị Thuý |
Chuyên gia Đào Trung Thành: Đó là một văn hóa nên phát huy, giúp những người trẻ có cơ hội thu thập thêm tri thức trong những ngày nghỉ bên gia đình.
*Nhân năm mới Nhâm Dần 2022, anh, chị khuyên bạn đọc nên đọc những cuốn sách nào? Nhất là những người trẻ?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Đọc sách là cách nhanh nhất và cũng dễ nhất để các bạn trẻ trang bị cho mình vốn kỹ năng, hiểu biết về cuộc sống cũng như các kỹ năng nghề nghiệp. Các bạn có thể chọn hình thức đọc hoặc nghe audiobook tùy theo cách nào thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, cần phải chọn và đọc những cuốn mà bạn cảm thấy chúng cung cấp những kiến thức tác động trực tiếp lên suy nghĩ và mục tiêu của bạn. Những cuốn mang nhiều lời khuyên, các bài học thú vị cho các người trẻ tuy không phải lúc nào cũng có thể áp dụng vào thực tế nhưng lại cung cấp cho bạn một lượng thông tin mới. “Mở cửa tương lai”, “Tái tạo tổ chức”, “Giáo dục, Tương lai & Đổi mới”, “Tôi, tương lai và thế giới” là những cuốn sách tôi nghĩ sẽ trao cho bạn trẻ nhiều ý tưởng.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy: Chị muốn tặng nhiều sách của Saigon Books lắm. Tùy người nhận là ai mà chị chọn cuốn phù hợp. Ví dụ với ai đang chông chênh, stress chị sẽ chọn tặng Mất kết nối hay Chatter. Với ai làm quản lý,chị tặng cuốn Đắc nhân tâm cho nhà quản lý hay cuốn Nhà Quản lý linh hoạt, với các bạn trẻ chị tặng Mở cửa tương lai
Chuyên gia Đào Trung Thành: Cuốn đầu tiên tôi lưu ý là cuốn Thời kỳ Hậu Corona, một cuốn Best-seller của Scott Galaway. Người ta cần đọc để hiểu cách mà xã hội có thể tiến triển sau đại dịch và từ đó xác định phương hướng cho mình.
Chuyên gia Đào Trung Thành. |
Cuốn thứ hai là cuốn Chạy trong chánh niệm. Một cuốn sách mà nhiều người chạy có suy tư cần đọc để hiểu sự tác động của việc tự nhận thức trong khi chạy rất quan trọng. Khi người ta chú trọng vào từng bước chạy thì sự chạy như một điều lớn lao cần thực hiện bên cạnh những lợi ích vật chất hay thể chất đạt được
Cuốn thứ ba là về Chuyển đổi toàn diện mô hình kinh doanh. Tôi làm về chuyển đổi số (Digital Transformation) mà theo chúng tôi (DTSI) thì chuyển đổi số là quá trình áp dụng CNTT để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chuyển đổi mô hình là cứu cánh của chuyển đổi số chứ không phải là công nghệ.
*Cám ơn anh, chị và chúc anh, chị năm mới thật nhiều sức khỏe!