Ảnh: Quý Hòa.
Dấu chân trên cát
Những bài học về ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa cái chết được gói ghém trong cuộc đời của một danh y người Ai Cập, từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành.
Mika Waltari (1908-1979) là một nhà soạn kịch Phần Lan nổi tiếng. Ông được xem là một trong những nhà văn viết nhiều nhất trong thời đại của mình, với hơn 80 kịch bản cho sân khấu Broadway.
Trong một chuyến du lịch Hy Lạp, được nghe kể một giai thoại vô cùng hấp dẫn lưu truyền trong dân gian xứ này về danh y Sinuhe, Mika Waltari quyết định ở lại, tìm hiểu, tiếp xúc với các bô lão để thu thập chi tiết về nhân vật lạ lùng này. Ông thêm vào đó một vài tình tiết với ý định sẽ dựng lên một vở kịch lớn nhưng nửa chừng, lại chuyển thể thành tiểu thuyết The Egyptian. Tác phẩm nhanh chóng trở thành dấu son lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Xuất bản năm 1945, The Egyptian (tạm dịch: Dấu Chân Trên Cát) là một trong những cuốn sách có số lượng phát hành rất lớn trên thế giới và liên tục được tái bản. Tại Việt Nam, Dấu Chân Trên Cát phổ biến dưới bản phóng tác của Nguyên Phong, một dịch giả nổi tiếng với loạt sách về văn hóa, tâm linh phương Đông. Bằng cảm nhận sâu sắc và kiến thức uyên thâm về văn hóa, vị chuyên gia cao cấp của Boeing đam mê văn học này đã mang đến độc giả trong nước một bản dịch giàu cảm xúc.
Trên nền của câu chuyện dân gian xưa, Dấu Chân Trên Cát tái hiện cuộc đời của Sinuhe, danh y thành Thebes. Sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, lại thông tuệ từ nhỏ nhưng cuộc đời của Sinuhe không mang đến cho người đọc những bài học đạo đức mà ngược lại, là những sai lầm.
Thậm chí, vì yêu, con người được xem là danh y ưu tú của Pharaoh còn bỏ cả sự nghiệp, bán cả nhà hương hỏa và mọi y cụ để đổi lấy một đêm với người trong mộng. Nhưng từ những sai lầm ấy, người đọc nhận được cái nhìn ở phía bên kia của mỗi người. Dẫu được giáo dục chu đáo, dẫu bản lĩnh, dẫu hiểu biết nhiều về đời sống thế nào, thì vẫn tồn tại sự yếu đuối. “Cuộc đời là một trường học vĩ đại mà trong đó phần lớn con người chỉ học được những bài học cần thiết qua đau khổ”, bài học mà cha Sinuhe gửi gắm con trước khi lên đường, bước chân ra thế giới đầy triết lý. Đây cũng là kim chỉ nam giúp chàng trai này tỉnh thức. Sa ngã rồi đứng lên, hay đi từ sai lầm này tiếp nối sai lầm khác, là lựa chọn của mỗi người.
Bên cạnh Sinuhe, tuyến nhân vật phụ cũng hết sức đặc biệt. Đó là vị Pharaoh Akhenaten giàu lòng nhân hậu, trị quốc bằng thuyết nhân sinh, là Ombo, vị trưởng lão phụ trách trường khoa học về sự chết, là sĩ quan Horemheb chuyên dùng bạo lực để xử lý mọi việc...
Cũng như những vết chân trên cát chỉ tồn tại một thoáng giây rồi phai mờ, huyền thoại về một người Ai Cập lưu lạc đến Hy Lạp, mở trường dạy học, đào tạo nên thế hệ triết gia xuất chúng như Plato, Aristotle, Socrates, Epictetus... vẫn mơ hồ trong một tiểu thuyết hư cấu. Tuy nhiên, tác giả đã bám rất chắc những cứ liệu từ truyền thuyết, lại dụng công khảo cứu thông tin nên tác phẩm có giá trị khá lớn trên địa hạt sử liệu và khảo cổ. Với văn học, đây xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường cho những người còn đang suy tư về giá trị cuộc sống, giá trị của danh vọng cũng như cái chết.
►The Rosie Project: Cuốn sách mà Bill Gates rất tâm đắc và tặng nó cho 50 người bạn