Cuộc tái sinh của chim phượng hoàng
Ở Loan, người đọc tìm thấy thứ ánh sáng kỳ diệu của hy vọng và hơn hết là tinh thần đấu tranh không ngừng với số phận.
Loan, Aus Dem Leben Eines Phönix (Loan, Từ Cuộc Đời Của Một Con Chim Phượng Hoàng) đã lọt vào top 5 chung kết giải Kindle Storyteller Award năm 2015, một giải thưởng của Đức, thu hút hơn 1.000 bản thảo tham gia tranh tài. Loan được đánh giá cao vì đặc biệt ở chỗ ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả là tiếng Pháp, nhưng lại viết Loan bằng tiếng Đức. Tác phẩm này cũng từng đạt danh hiệu Bestseller Award trên hệ thống phát hành của Amazon. Điều gì khiến Loan, tự truyện của một phụ nữ An Nam, qua ngòi bút của nhà văn Tây Âu, hấp dẫn đến vậy?
Đầu tiên, Loan - Aus Dem Leben Eines Phönix, gây ấn tượng bởi đó chính là câu chuyện cuộc đời của mẹ tác giả: bà Đậu Thị Cúc. Sinh ra tại một làng quê nhỏ gần thị xã Hà Tĩnh, dưới thời nửa phong kiến, nửa thuộc địa, bà Cúc là đại diện của hầu hết phụ nữ An Nam ngày đó: bị xếp vào tầng lớp cuối cùng, bị coi khinh, ngược đãi và không có quyền làm chủ chính thân thể và cuộc đời mình. Nhưng bà Cúc không bao giờ chấp nhận điều đó. Sự nổi loạn của bà chính là sức hút khiến người đọc dõi theo hành trình của người phụ nữ nhỏ bé ấy.
Xuyên suốt con đường của bà Cúc, từ lúc bỏ nhà đi để tránh cuộc hôn nhân đổi chác giữa cô dâu và một mảnh ruộng, hai con lợn, đến khi gầy dựng lại cuộc đời trên đất Pháp, người đọc dễ nghẹt thở trước những bất trắc của cuộc đời, của cuộc chiến.
Bùng lên trong những rối ren của thời cuộc là hy vọng. Đó cũng là chiếc phao cứu sinh của người phụ nữ nhỏ bé kia, trên hành trình đi tìm cuộc sống cho chính mình.
Theo tác giả, bà viết lại hành trình của mẹ thông qua lời mẹ kể. Vậy mà cả một xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn được Isabelle Müller tái hiện sống động. Đó không hẳn là cái nhìn của người trong cuộc mà đã qua lăng kính của người đứng từ bên ngoài nhìn vào. Có lẽ, đây chính là điểm khiến Loan hoàn toàn khác biệt với các tác phẩm có cùng bối cảnh xã hội.
Sinh năm 1964 tại Tours, Pháp, tác giả Isabelle Müller làm nghề phiên dịch, biên dịch và viết văn. Nhiều tiểu thuyết của bà đã được xuất bản, phát hành ở Đức, qua cả hệ thống sách của Amazon. Năm 2003 bà mới bắt đầu viết sách và cuộc đời người mẹ và quê ngoại xa xôi chính là một trong những nguồn cảm hứng lớn của bà. Vào những năm 1990, bà cùng mẹ quay trở lại Đông Nam Á để tìm hiểu nguồn gốc dòng máu Việt của mình. Sau khi Loan đạt danh hiệu Bestseller Award trên hệ thống Amazon, Isabelle Müller đau đáu muốn làm điều gì đó cho quê mẹ.
Năm 2016, Müller đi khảo sát các trường ở vùng cao biên giới và chọn giúp ở những nơi mà các nhà từ thiện khác không đến do ngại đường xa, núi cao là Cao Bằng và Hà Giang. Để có nhiều nguồn tài trợ khác ngoài đóng góp của cá nhân và gia đình, bà đã cùng những người bạn thành lập Quỹ LOAN. Sau hơn 1 năm hoạt động, Quỹ đã góp phần xây dựng nhiều nhà ở, bếp, khu vệ sinh cho học sinh miền núi. Quỹ còn cấp học bổng hằng tháng cho những trẻ em nghèo hiếu học ở những nơi này...
Tất tả ngược xuôi đi lại giữa Việt Nam và Đức, niềm vui của Isabelle Müller bây giờ là những nụ cười mà bà bắt gặp trên hành trình của mình, hành trình mang lại hơi ấm và tri thức cho những trẻ em Việt Nam