Cuộc đào thoát vĩ đại
Khi Angus Deaton, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2015 bắt tay viết Cuộc Đào Thoát Vĩ Đại, cảm hứng trong ông là nội dung của một bộ phim cùng tên. Nhân vật chính trong bộ phim ấy cố gắng trốn thoát khỏi một trại tù binh trong Thế chiến thứ hai. Nhưng điều mà ông hướng đến là giải thoát người đọc khỏi nếp nghĩ rằng sự thịnh vượng sẽ mang đến những tiến bộ nhân văn.
Angus Stewart Deaton là một nhà kinh tế học vi mô, gốc Scotland nhưng mang quốc tịch Anh và Mỹ. Ông là giáo sư giảng dạy kinh tế và các vấn đề quốc tế tại Đại học Princeton (Mỹ) từ năm 1983. Hiện ông đang nghiên cứu về y tế, phúc lợi xã hội và sự phát triển kinh tế. Năm 2015, ông được trao giải Nobel kinh tế cho những nghiên cứu của ông về tiêu dùng, nghèo đói và phúc lợi xã hội.
Trong những tác phẩm “nặng ký” của ông, Cuộc Đào Thoát Vĩ Đại được đánh giá cao vì hàm lượng thông tin gây sốc nhưng không thể chối cãi của nó. Nói cách khác, bằng những phân tích vô cùng thấu đáo của mình, Angus Stewart Deaton phác thảo một cách rõ ràng những quan hệ chồng chéo mà đôi khi người ta vẫn gọi đó là mâu thuẫn “con gà - quả trứng” của những yếu tố quyết định trong đời sống nhân loại, bao gồm tài chính, sức khỏe, nhân văn, hạnh phúc…
Theo Deaton, một xã hội giàu có hơn không bao giờ mang lại phúc lợi đồng đều cho các thành viên của mình. Do đó, hố sâu ngăn cách giữa những con người sẽ tăng lên nhanh chóng và kết cục là, xét về tổng thể, không đảm bảo được sức khỏe bình quân sẽ được cải thiện.
Con đường mà Deaton hướng đến không phải là của cải ngày một nhiều hơn, mà những phát minh và khám phá trong khoa học và y tế mới giúp con người cải thiện chất lượng sống. Đây mới đúng thực là “cuộc đào thoát vĩ đại” mà con người làm được trong hơn 2 thế kỷ qua: thoát khỏi bệnh tật, yếu ớt và nhờ đó, thoát khỏi đói nghèo.
Đúc kết của Deaton có giá trị rất lớn trong thời đại ngày nay. Bởi thịnh vượng là điều hầu như tất cả các quốc gia đều hướng đến nhưng “đính kèm” với nó là bất bình đẳng, là tương quan sức khỏe của người dân. Nó đặt ra đòi hỏi gắt gao với những nhà điều hành đất nước.
Thông qua Deaton, qua những phân tích của ông trong từng mô hình kinh tế của các quốc gia, từ Ấn Độ đến Trung Quốc, từ những ngày săn bắn hái lượm của con người đến thời đại sản xuất hàng loạt hiện nay… người đọc nhận ra bản chất thực sự của các khoản viện trợ xã hội mà các cường quốc dành cho những quốc gia đói nghèo. Liệu những khoản viện trợ ấy thực sự như mục đích mà người ta tuyên truyền về nó hay đây chính là chiếc cùm, giam cầm thêm quốc gia đó trong cùng quẫn.
Phân tích kinh tế, xã hội, chính trị nhưng Deaton chứng tỏ mình là bậc thầy kể chuyện. Từ những điều trong ký ức tuổi thơ, từ hiện thực ông đang sống từng ngày, tác giả mang đến cho người đọc một câu chuyện không nhàm chán mà ngược lại, đầy sống động với những số liệu khiến người đọc phải giật mình. Bởi đó là những con số phản ánh chất lượng cuộc sống. Thông qua các biểu đồ của mình, ông cho người đọc biết được quốc gia mình đang sống đang có chất lượng sống thế nào. Rồi bất ngờ, cũng với biểu đồ đó, ông chọn cách nhìn khác và cho ra kết quả hoàn toàn khác…
Đi theo từng con chữ của Deaton, người đọc sẽ bị cuốn vào một vũ điệu bất tận của sự phát triển và bất bình đẳng của đời sống. Chúng ta biết được, sự bất bình đẳng được tạo ra thế nào, của cải được tạo ra thế nào… Nhưng trên tất cả, là phần trả lời cho câu hỏi: Tiền, vật chất có quan trọng không? Với Deaton, tiền quả thực là trung tâm của câu chuyện nhưng có những thứ còn quan trọng hơn. Đó là sức khỏe tốt hơn và khả năng sống đủ lâu để có cơ hội thành công.