Song Quy Thứ Ba | 20/11/2018 09:04

Chiến Binh Cầu Vồng

Chiến Binh Cầu Vồng là cuộc chiến không mệt mỏi chống lại cái nghèo, cái dốt và những thách thức của số phận.

Chiến Binh Cầu Vồng là câu chuyện ghi lại thời thơ ấu của chính tác giả Andrea Hirata và cũng là tác phẩm đầu tay của ông, được xuất bản vào năm 2005. Ngay khi xuất bản, cuốn sách đã thành công vang dội, trở thành hiện tượng tại Indonesia. Sách được dịch ra 26 thứ tiếng, bán trên 500 triệu bản, khiến Andrea Hirata thành một trong những đại diện xuất sắc nhất của văn học Indonesia hiện đại.

Không dừng ở văn học, tập sách được chuyển thể thành nhạc kịch, phim điện ảnh và phim truyền hình. Bộ phim Chiến Binh Cầu Vồng cũng đạt doanh thu cao kỷ lục ở Indonesia và giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Chien Binh Cau Vong
 

Quyển sách nói về đảo Belitong, nơi mà giáo dục trở thành nỗ lực vô ích. Ở đó, có ngôi trường tiểu học 120 năm Muhammadiyah, bốn bề siêu vẹo có thể đổ sập bất cứ lúc nào; có thầy hiệu trưởng già Harfan sinh ra là để đứng trên bục giảng vì lòng yêu nghề, thương trò; có cô giáo Mus 15 tuổi, ngày đầu tiên lên lớp truyền giảng kiến thức; có người cha trải qua 4 đời trong dòng họ mới đưa được đứa con của mình đi học và có rất nhiều những đứa trẻ có gia cảnh nghèo rớt mồng tơi...

Theo chỉ thị của cấp trên, nếu không đủ 10 học sinh, ngôi trường phải đóng cửa. Vào ngày khai giảng, đã 11 giờ trưa mà chỉ có 9 học sinh, thầy hiệu trưởng chuẩn bị tuyên bố đóng cửa trường thì Harun, cậu bé bị thiểu năng trí tuệ, học sinh thứ 10 của trường đã xuất hiện trong niềm hân hoan của thầy cô, phụ huynh và của 9 đứa trẻ khác. Từ lúc này, năm học mới bắt đầu, mang theo biết bao buồn vui.

Belitong, hòn đảo được ghi dấu trong các quyển sách địa lý, không chỉ nổi tiếng ở Indonesia mà còn ở trên thế giới nhờ những mỏ thiếc. Đáng tiếc, những cư dân bản xứ lại như bầy chuột đói trong cái kho đầy thóc. Vậy mà, chính cuộc sống khó khăn đã biến thành động lực để bọn trẻ đến trường.

Chứng kiến nỗ lực của bọn trẻ, Mus, cô giáo mới, đã tự hào gọi chúng là những chiến binh cầu vồng. Bởi với cô, đám học sinh nghèo thường trèo lên những cái cây cao để ngắm cầu vồng sau mưa chính là những “chiến binh” thực sự. Chúng chiến đấu không mệt mỏi với cái nghèo, cái dốt và những thách thức của số phận.

Băng qua một vùng ký ức, Chiến Binh Cầu Vồng không chỉ có những mảng màu u tối, đói nghèo và khốn khó. Trong những khắc nghiệt của cuộc sống, đâu đó phảng phất những mảng màu của tình yêu, tình bạn, tình người và khao khát về một tương lai tốt đẹp hơn. 10 đứa trẻ 10 số phận nhưng đều xứng đáng với danh hiệu “chiến binh”.

Còn với những người gieo chữ nơi này, họ hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tận tụy và đầy trách nhiệm mà không được nhận một đồng lương nào. Cái họ nhận được là giá trị vô hình, nhưng lại góp phần nuôi dưỡng những trái tim đầy nhiệt huyết.

Sau bao nỗ lực chiến đấu, những Chiến Binh Cầu Vồng đã chiến thắng tất cả nhưng cầu vồng đời thực đã không xuất hiện sau cơn mưa. Hy vọng đổi đời của những “chiến binh” vẫn xa vời... Nhưng cái kết ấy không làm độc giả hụt hẫng. Bởi niềm tin, hy vọng mà tập sách gieo vào đã kịp nảy mầm, vươn xanh màu lá.