Các diễn giả chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Omega+

 
Minh Anh Thứ Hai | 24/07/2023 14:35

Chế độ trọng dụng nhân tài có tạo nên phân biệt đối xử?

Thực trạng phân biệt đối xử giữa người giỏi - người bình thường càng hiện rõ trong xã hội hiện đại. Liệu chúng ta có đang bị cuốn vào làn sóng này?

Bắt đầu từ câu chuyện nước Mỹ hiện đại và "giấc mơ Mỹ", cuốn sách Tính Chuyên Chế Của Chế Độ Nhân Tài: Lợi Ích Chung Sẽ Ra Sao? (tiếng Anh: The Tyranny of Merit: What's Become of the Common Good?) của Michael Sandel - Giáo sư triết học chính trị tại Đại học Harvard đã khai phá và mang đến góc nhìn mới mẻ về bất bình đẳng và phân hóa xã hội.

Phát hành tại Mỹ năm 2020, cuốn sách trở thành bài giảng tại nhiều nơi như Học viện bậc sau đại học Geneva, Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE). Tháng 6 năm nay, sách được Omega+ phát hành tại Việt Nam, do 4 dịch giả hợp tác chuyển ngữ.

Người trẻ càng giỏi càng áp lực?

Theo Giáo sư Sandel chế độ trọng dụng nhân tài “không nói được gì về khoảng cách nên là bao xa giữa các bậc trên chiếc thang thành công đó". Ông chỉ ra nhược điểm cố hữu của chế độ trọng dụng nhân tài. Các diễn ngôn chính thống ca ngợi chế độ trọng dụng nhân tài vì đem lại cho "những nhóm người kém may mắn" một cơ hội bình đẳng để vươn lên cao hơn trên thang bậc thành công và nhờ vậy, thay đổi được hoàn cảnh xuất thân bằng nỗ lực của chính bản thân họ.

Thực tế, bất bình đẳng trong giáo dục vẫn luôn tồn tại ở mọi xã hội. Những ai có khả năng tiếp cận tốt hơn với giáo dục bậc cao thường sẽ nắm giữ nhiều cơ hội hơn để chuyển hóa thành tích học tập của mình thành công việc tốt, của cải và nói chung là những cơ hội tốt đẹp hơn.

Bìa quyển sách
Bìa quyển sách.

Mặt khác, Giáo sư Sandel cho rằng chế độ nhân tài không chỉ tạo ra một cuộc chạy đua khốc liệt để đạt thành tích, mà còn tạo ra sự phân cực trong trường học và xã hội, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa. Ông viết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không hạnh phúc. Nhưng khó khăn kinh tế không phải là nguồn cơn duy nhất của nỗi phiền muộn họ gặp phải. Thời đại trọng dụng nhân tài còn gây ra những thương tổn tiềm ẩn hơn đối với tầng lớp lao động: nó làm xói mòn phẩm giá công việc”.

Là người thuộc thế hệ 8X được đào tạo từ mô hình trường chuyên lớp chọn, bà Bùi Việt Lâm, đại diện Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cảm thấy may mắn vì được học chung với những người bạn giỏi giang, có động lực rất tốt để phấn đấu. Tuy vậy, sau này khi nhìn lại quá trình học ở trường chuyên, bà có nhiều suy nghĩ khác.

“Trường chuyên được hình thành với mục đích rất tốt đẹp, nhưng khi người ta bắt đầu áp dụng những thước đo, nó lại biến thành áp lực cho các trường, thầy cô và học sinh, làm biến tướng mục tiêu của giáo dục đi rất nhiều. Tôi tin rằng trẻ con khi bước chân vào trường học đều có một niềm vui rất trong sáng, nhưng chính vì một cỗ máy sàng lọc, vì bệnh thành tích khiến cho chúng ta càng ngày càng quên mất đi niềm vui ban sơ khi bước chân vào giảng đường”, bà Lâm nói.

Sau này, khi tham gia làm công tác tuyển sinh, được nói chuyện với nhiều bạn trẻ, bà Lâm nhận ra chính các bạn trẻ cũng luôn trăn trở một điều: “Ước gì có những thước đo khác để đánh giá mình”. Theo bà Lâm, việc đánh giá một người tài giỏi không nên chỉ nhìn qua điểm số, bởi nó giống cây thước kẻ chỉ đo được đường thẳng. Nếu không có những tiêu chuẩn khác để đánh giá năng lực, tiềm năng, vẻ đẹp của các em học sinh, các em sẽ không có cơ hội được sống là chính mình, không có cơ hội để được trở nên khác biệt.

“Cuộc sống của các nhân tài trẻ ai cũng thấy được, lý do mà chúng ta phải đua tranh, là công việc tốt, thu nhập tốt, địa vị xã hội tốt và được sự tôn trọng, ngưỡng mộ từ mọi người. Nhưng nó cũng có mặt trái là những bạn trẻ ngày càng trở nên hoang mang, lạc lối bởi áp lực đồng trang lứa. Luôn sợ rằng bản thân chưa đủ tốt, sợ bị người khác đánh giá, sợ thua kém bạn bè, cuối cùng là không biết mình thật sự muốn làm gì, muốn trở thành ai”, bà Lâm phân tích.

Cần xác lập lại niềm tin đạo đức cho “người tài”

Chế độ nhân tài nhấn mạnh địa vị xã hội, "phản ánh chính xác nỗ lực và tài năng mỗi người". Hệ quả là: "Khi cho rằng hệ thống luôn tự động đãi ngộ những ai có tài năng và nỗ lực phấn đấu, những người thành đạt sẽ xem thành công của mình đến từ thực lực vốn có, là thước đó chuẩn mực cho những đức tính mà họ sở hữu - vì vậy họ sẽ xem thường những ai kém may mắn hơn mình". Giáo sư Sandel đặt câu hỏi: "Tại sao người tài xứng đáng những đãi ngộ lớn mà các xã hội theo định hướng kinh tế thị trường chọn tưởng thưởng cho cá nhân thành đạt hơn những người cũng nỗ lực không kém?".

G. S. Michael Sandel. Ảnh: Harvard University
Giáo sư Michael Sandel. Ảnh: Harvard University.

Chủ nghĩa nhân tài chuyên chế cũng dung túng cho lòng tự cao, "khuynh hướng chìm đắm trong thành công" của những người giỏi giang. Những người tôn vinh chế độ này ngó lơ các vấn đề đạo đức, còn người bị xem là thất bại có thể nung nấu cảm giác "nhục nhã và oán giận", dấy nên phong trào dân túy chống lại giới tinh hoa. Từ đó, chế độ nhân tài rơi vào lối mòn chuyên chế, áp đặt những bất công lên xã hội và tầng lớp yếu thế.

Tiến sĩ Nguyễn Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (Trường Đại học Fulbright Việt Nam) nhận định, giáo dục cùng với sự chăm chỉ, trách nhiệm có thể giúp con người đi lên bằng con đường học thức và đạt được thành công, tuy vậy vẫn có những hạn chế nhất định. Ông cho rằng vẫn có sự phân biệt rất tế nhị giữa trường đại học danh giá và trường đại học nói chung ở trên thế giới giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ông chỉ ra trên thực tế, số lượng học sinh nghèo ở Harvard chỉ khoảng 1,8% trong khi ở Princeton là 1,3%.

“Chìa khóa dẫn đến thành công chỉ có giá trị tương đối. Chúng ta sẵn sàng công nhận trong xã hội vẫn có sự bất bình đẳng. Nhưng cần phải giáo dục cho các em biết rằng họ may mắn có được những điều này và họ có trách nhiệm đóng góp lại cho cộng đồng. Đây là điều chúng ta đang thiếu khi tôn vinh chế độ nhân tài. Những nhân tài cần biết được rằng họ đang ở đâu và từ đâu họ có vị trí này, rằng một mình họ không thể trở nên tài giỏi nếu không có gia đình, cộng đồng và xã hội hỗ trợ. Đây là câu chuyện về giáo dục đạo đức và xác lập lại niềm tin đạo đức”, ông Nam khẳng định.

Để vượt qua khủng hoảng đang làm đảo lộn thế giới, Giáo sư Sandel cho rằng con người phải suy nghĩ lại về thái độ đối với thành công - thất bại, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và tình trạng bất bình đẳng gia tăng. Ông cũng hy vọng tác phẩm lý giải nguyên nhân các mối quan hệ xã hội dần thiếu kết nối và gợi ý con người hướng đến sự khiêm tốn, thấu hiểu nhau dù ở bất kỳ tầng lớp, hoàn cảnh gia đình nào.

Với câu chuyện nhân tài ở Mỹ và câu chuyện giáo dục ở Việt Nam, những người làm sách kỳ vọng Tính Chuyên Chế Của Chế Độ Nhân Tài sẽ khơi ra nhiều vấn đề để thảo luận và gợi mở giải pháp về giáo dục và việc trọng dụng người tài trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức hay xã hội, cũng như giúp mỗi cá nhân tìm được điểm cân bằng vượt lên những thiên kiến về thành công.

Giáo sư Michael Sandel là một triết gia chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với các bài giảng về Công lý với hàng ngàn sinh viên đăng ký lớp học mỗi học kỳ. Theo The Guardian, ông được miêu tả là "triết gia nổi tiếng như ngôi sao nhạc rock". Ông có series The Public Philosopher trên BBC Radio 4 và chiếu nhiều bài giảng miễn phí trên kênh YouTube của trường.

Một số quyển sách nổi tiếng của ông từng xuất bản ở Việt Nam, được đông đảo độc giả đón đọc gồm: Phải, Trái, Đúng, Sai và Tiền Không Mua Được Gì? Sở trường của Sandel là diễn giải các vấn đề hàn lâm, phức tạp theo cách những người không chuyên có thể hiểu được. Các tác phẩm của ông thường xới lại những nhận thức chung tưởng như đã mặc định hiển nhiên đúng và mang đến những góc nhìn đa chiều về các vấn đề xã hội.