Mai Hà Chủ Nhật | 19/07/2020 10:15

Cẩm nang giành chiến thắng trong truyền thông

Một cuốn cẩm nang được ghi nhận từ góc nhìn đa chiều của vô số sự kiện liên quan tới hoạt động truyền thông tại Việt Nam.

Câu chuyện khủng hoảng truyền thông đã xảy ra khá lâu ở một tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực hạ tầng các khu công nghiệp nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về bài học cho công tác quản trị truyền thông. Ông chủ của tập đoàn này từng là một người giàu nhất nhì trên sàn chứng khoán Việt Nam vậy mà giờ đây, mỗi lần nhắc đến doanh nghiệp này, giới truyền thông tỏ ra rất cẩn trọng trong việc thiết lập quan hệ, hợp tác trao đổi thông tin… Nguyên nhân bắt nguồn từ năng lực của người quản trị truyền thông. 

Chuyện kể trên chỉ là một “tai nạn nghề nghiệp” của nhà báo này và “những người bạn” từng có mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với người đại diện truyền thông của tập đoàn kinh tế này. Nắm được một số thông tin bất lợi về siêu dự án do tập đoàn này làm chủ đầu tư, nhà báo này cùng “những người bạn” tổ chức “tổng tiến công” bằng loạt bài “đánh hội đồng” và gây áp lực, đặt điều kiện để mua “sự bình yên” cho doanh nghiệp. Kết cục là “cái bẫy” được người đại diện truyền thông của tập đoàn này giăng ra đã đưa nhà báo này vào vòng lao lý với mức án 7 năm tù giam cho hành vi tống tiền! 

Sau sự kiện này, giới truyền thông cảm thấy đau lòng, vì một “con sâu làm rầu nồi canh”, và đã tỏ ra lạnh nhạt với các hoạt động liên quan đến thương hiệu của tập đoàn này. Đây là một trong rất nhiều bài học cho những người làm công tác truyền thông mà chưa thấy có giảng đường đại học nào đưa vào giáo trình để giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành truyền thông. 

Mặt trái và góc khuất của sự kiện này cũng một lần nữa cho thấy tầm quan trọng và sự phức tạp trong hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nghề truyền thông nhiều năm trước được coi là thời thượng khi gắn với những công việc quyền lực trong các tập đoàn lớn, có cơ hội giao lưu rộng rãi với giới truyền thông. Người làm truyền thông được yêu cầu phải “tài ba như CEO” khi mọi chuyện lớn nhỏ trong doanh nghiệp đều phải tham gia, từ chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu, ra mắt sản phẩm mới hay phát hành cổ phiếu… 

Người làm truyền thông từ việc phân tích xu hướng, khảo sát thị hiếu, dự báo thị trường, dự báo và phòng ngừa khủng hoảng, đến việc đưa ra các giải pháp đề xuất cho lãnh đạo và thực hiện các chương trình hành động nhằm phục vụ quyền lợi doanh nghiệp đều cần có tài nghệ phối hợp một cách khoa học và nghệ thuật.

Nhưng trên hết, vai trò của họ thường gắn với với một “đội phản ứng nhanh” nhưng cũng như “đội dọn dẹp” khi phải tham gia giải quyết những sự cố, khủng hoảng của doanh nghiệp trước áp lực của dư luận. Từ sản phẩm bị lỗi, dịch vụ không làm hài lòng khách hàng, câu phát biểu hớ hênh của chủ doanh nghiệp đến cả những chuyện… không liên quan. Làn sóng mạng xã hội "khuyếch đại" mọi sự kiện dù tốt xấu đang đặt ra hàng loạt thách thức mới cho người làm truyền thông Việt Nam.

 

Vì thế, vai trò của đội ngũ làm truyền thông trong doanh nghiệp ngày càng trở nên quan trọng, thậm chí liên quan đến nguy cơ sống còn của doanh nghiệp. Bởi vì, cùng với sự bùng nổ của truyền thông, mạng xã hội, đáng chú ý là "dark social", "fake news"... cũng là nguy cơ khủng hoảng xảy ra với doanh nghiệp bất cứ lúc nào và bất cứ lý do nào, đặc biệt, trong môi trường truyền thông không lành mạnh và thiếu các chế tài quản lý như hiện nay.

“Truyền thông theo phong cách Win-Win” là như một cuốn cẩm nang hướng dẫn dưới góc nhìn của người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề truyền thông và báo chí. Sự nổi bật của cuốn sách là góc nhìn đa chiều từ vô số các sự kiện nổi bật và những thông tin “hậu trường” của giới doanh nghiệp/truyền thông tại Việt Nam không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận, qua đó đưa ra những giải thích, đánh giá sát với bản chất của sự việc hơn cả những gì từng diễn ra trên mặt báo hoặc tin đồn trên mạng xã hội.

Qua đó, tác giả hệ thống hoá thành lý thuyết hoặc bài học đúc kết những kinh nghiệm trải rất rộng trên nhiều lĩnh vực của người làm truyền thông, trong đó nhấn mạnh tới các kinh nghiệm về: Truyền thông khủng hoảng, Truyền thông thương hiệu, Truyền thông mạng xã hội, Truyền thông chính sách, Xây dựng mối quan hệ với báo chí… cùng một số kỹ năng mềm của người làm truyền thông.

Từ các bạn trẻ đang học nghề truyền thông đến những người làm truyền thông chuyên nghiệp tại Việt Nam đều có thể tìm thấy những thông tin và bài học giá trị trong cuốn sách. Chẳng hạn, từ các kinh nghiệm trải nghiệm từ thực tế này, người làm truyền thông có thể rút ra câu trả lời khó của giới truyền thông lâu nay: đâu là ngưỡng "khủng hoảng" để chủ động xử lý khi bắt đầu sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu các tác nhân lan truyền; hoặc doanh nghiệp nên quan tâm tới việc xử lý hậu quả sau khủng hoảng hay cố gắng giải quyết khủng hoảng; những phương pháp nào để khôi phục hình ảnh thương hiệu sau khủng hoảng: phủ nhận; trốn tránh trách nhiệm; bồi thường; sửa sai hay hối lỗi...

Trên hết, những bài học từ thực tế giúp doanh nghệp có cái nhìn tổng quan hơn trong chiến lược xây dựng một đội ngũ, hệ thống truyền thông hiệu quả và chuyên nghiệp để chiến thắng trong kinh doanh, phát triển bền vững.

Sách do Công ty Cổ phần Sách Thái Hà phát hành, đang được bổ sung thêm nội dung rất thực tiễn "Quản trị cảm xúc lãnh đạo" để được in nối bản.

Tác giả Phạm Sông Thu với các bút danh Thu Giang, Phạm Tấn. Ông từng công tác cho các báo Người Lao động, Sài Gòn Giải Phóng, Khám Phá…; đảm nhiệm vị trí Thư ký tòa soạn Tạp chí Gold & Life…; đồng sáng lập Tuần báo Nguồn Việc; chủ biên Tập san Golf & Resort; đã xuất bản các ấn phẩm Golf & VIP; Golf & Travel.