Cái nắm tay của thiền sư
Đi qua sinh - diệt, tìm thấy những điều đẹp đẽ của sự sống, Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh là lời nhắn gửi về buông bỏ. Buông để có thể sống an yên trong từng ngày.
“Trong các nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn ở Tây phương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được xếp vào vị trí thứ 2, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma”, tờ New York Times đánh giá như thế về thiền sư nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay. Xuất gia từ năm 16 tuổi, tốt nghiệp Phật học Viện Báo Quốc, Huế và tu học thiền theo trường phái Đại Thừa của Phật giáo, Thích Nhất Hạnh chính thức trở thành nhà sư vào năm 1949. Ông đến Mỹ nhiều lần để diễn thuyết và giảng dạy về Phật giáo tại các Viện Đại học danh tiếng như Princeton, Cornell, Columbia...
Không chỉ đóng góp cho đời sống tôn giáo, với hơn 100 đầu sách, gần phân nửa viết bằng tiếng Anh, những đóng góp mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh mang đến cộng đồng là khá lớn. Tác phẩm của ông, được công chúng đón nhận nhiệt tình vì một lý do lớn: bằng sự minh triết của mình, Thiền sư luôn mang đến cho người đọc những cái nhìn rất khác về cuộc sống.
Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi là một trong những tác phẩm đầu tiên của Thiền sư. Nó mang đến người đọc những khái niệm cơ bản như Niết bàn là gì, Niết bàn ở đâu? Tích môn là gì? Bản môn là gì?... Tựa như một cái nắm tay, tác phẩm đưa người đọc tiếp cận với những ý niệm đầu tiên trong triết lý Phật giáo, qua lăng kính của người đã ngộ đạo. Rồi từ đó, chạm vào những suy tư sâu sắc về cuộc sống. Ta từ đâu tới? Ta ở đâu trước khi ra đời? Ta đi về đâu?
“Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cùng không còn lại gì hết. Chúng ta lo lắng sẽ trở thành hư vô. Bụt hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết là khái niệm không có thực. Coi đó là sự thực, chính là nguyên nhân gây cho chúng ta khổ não”, Thiền sư chia sẻ. Xuyên suốt tác phẩm, nhiều câu chuyện, nhiều viện dẫn được mang đến nhưng cái đích cuối cùng vẫn là một chữ không. Không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô... Khi đủ nhân duyên, một con người xuất hiện và khi nhân duyên không còn đủ dầy thì họ biến sang hình thái khác. Sóng là sóng và sóng cũng là nước. Người đọc chợt nhận ra lẽ vô thường của đời sống bởi cái đích cuối cùng vẫn là một chữ không.
Bằng lối viết gần gũi, Thiền sư khuyên người đọc thực tập nhìn sâu để hiểu được và tự mình nếm được sự tự do của con đường chính giữa, không bị kẹt vào cả hai ý niệm của vĩnh cửu và hư không. Khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống cũng là lúc Thiền sư nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng, cho người đọc biết rằng nỗi lo về cái chết xuất phát từ chính các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình. Thông điệp được truyền tải nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: Bạn chính là điều bạn đi tìm. Bạn chính là thứ bạn đang muốn trở thành. Vậy thì, ta sẽ gắng gượng đến mệt mỏi để trở nên chính ta hay buông bỏ để chiêm ngưỡng chính những đẹp đẽ vốn có trong bản thân mình?
Khúc chiết, kiệm lời nhưng hết sức tinh tế, những câu chữ của người tu đưa độc giả đến với cái nhìn mới, về một thế giới nhẹ nhàng mà bất cứ ai cũng có thể tìm kiếm nơi an trú: chính mình. Như lời nhà thiền định và triết học đạo Sikh, Pritam Singh, tri kiến về sống, chết của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng. Bởi vì, lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim mỗi người