Alain nói về hạnh phúc
Alain nói về hạnh phúc là tập hợp những đoản luận của Émile Chartier, một triết gia nổi tiếng và quan trọng của Pháp. Tất cả những bài viết này đều hướng về một trong những câu hỏi lớn nhất của nhân loại: hạnh phúc là gì?
Không chỉ là một triết gia, Émile Chartier (1868-1951) còn là nhà giáo kiêm nhà báo người Pháp. Ông dạy triết học ở trường trung học và những bài giảng của ông đã để lại dấu ấn sâu sắc lên một lớp tri thức Pháp. Alain không được biết nhiều lắm bên ngoài nước Pháp, nhưng vào thời của mình, ông là một trong những triết gia nổi tiếng nhất, đặc biệt có nhiều học sinh danh tiếng, trong đó có Jean-Paul Sartre.
Ông được xem là người phát minh ra thể loại văn chương của riêng mình, gọi là “propos”, nghĩa là trao đổi. Các bài trao đổi của ông ngắn, xúc tích và lấy cảm xúc từ chính đời sống thường nhật, ký tên là Alain và được đăng trên nhật báo Pháp. Tập hợp những bài viết có chủ đề về hạnh phúc và bất hạnh, Émile Chartier cho ra đời tác phẩm Propos sur le bonheur (bản tiếng Việt là Alain Nói Về Hạnh Phúc).
Xuất bản từ đầu thế kỷ XX, cho đến bây giờ, Alain Nói Về Hạnh Phúc vẫn là tác phẩm nổi tiếng nhất của Émile Chartier và là tác phẩm được nhiều người tìm đọc. Xuất bản tại Việt Nam từ năm 2013, do Hồ Thanh Vân, Cao Việt Dũng, Nguyễn Ỉ Long dịch, đây là cuốn sách liên tục được tái bản. Không nặng tính triết lý, từ Con Ngựa Bucéphale, Kích Ứng, Marie Sầu Thương... cho đến Chứng Phiền Muộn, Alain chỉ đơn giản là người kể chuyện, nhưng kể với tư cách là một người đang quan sát từ bên ngoài, tỉnh táo và thấu đáo. Nhờ vậy, người đọc, từ những quan sát của ông, tự tìm thấy góc nhìn cho mình và điều chỉnh hành vi.
Nỗi buồn, niềm vui là 2 trạng thái được đề cập nhiều nhất trong tác phẩm này. Trong quan sát của Alain, đây là 2 xúc cảm điều khiển hành động con người. Nếu tỉnh táo quan sát 2 trạng thái đó và tìm được căn nguyên tác động, con người hoàn toàn có thể chế ngự những cảm xúc tiêu cực, cũng như không quá đà khi xúc cảm tích cực lên ngôi. Lối hành văn mạch lạc, không chút bóng bẩy đặc trưng của văn chương Pháp của ông đưa người đọc vào một cuộc bàn luận mà đối tượng cùng bàn luận với mình, không chỉ có Alain mà còn là cái tôi của mình trong quá khứ.
Đề cao hạnh phúc, cái nhìn trân trọng của Alain mang đến độc giả niềm tin vào việc bản thân có thể giải quyết chính những phiền hà đang đeo bám tâm trí mình. Đó cũng là lý do, trong thời đại của ông, Alain được mệnh danh là “kẻ lạc quan vô phương cứu chữa”. Tuy nhiên, chính những tư tưởng lạc quan của ông, lại có khả năng cứu chữa cảm xúc cho rất nhiều người, gieo vào họ niềm tin, hy vọng và hướng đến những giá trị tốt đẹp. Số bạn đọc tìm đến tác phẩm của ông, số lần xuất bản trên khắp các quốc gia trên toàn thế giới... vẫn tăng đều đặn bất chấp thời gian chứng minh điều này. Chẳng phải, biết nghĩ tốt đẹp, cũng là cách mở cửa cho những điều tốt đẹp ấy đến với cuộc đời mình?
Sách khép lại không với bất kỳ lời khẳng định nào mà là một cánh cửa rộng mở. Như lời giới thiệu của Giáo sư Ngô Bảo Châu, đây không phải là cẩm nang dạy cho ta kỹ năng để làm sao nhặt được hết mọi hạnh phúc trên những nẻo đường của cuộc đời và tránh hết mọi bất hạnh. Alain quan tâm nhiều hơn đến thái độ của mỗi người đối với hạnh phúc và bất hạnh, phân tích tại sao người ta không biết hạnh phúc của mình và tự làm cho sự bất hạnh nhân lên nhiều lần. Như vậy, quyển sách này thực sự là một cẩm nang theo nghĩa là nhờ vào nó mà bạn có thể học được cách hạnh phúc thực sự với những hạnh phúc mà cuộc đời mang đến. Và không tự làm mình bất hạnh hơn những bất hạnh mà cuộc đời bắt chúng ta phải chịu.