Ai sẽ khóc khi bạn lìa xa
“Cuộc sống trôi qua thật quá nhanh. Và không có gì làm trái tim bạn đau hơn là khi đã đi đến cuối cuộc đời và nhận ra đã quên mất điều gì là quan trọng nhất, bởi bản thân bạn luôn quá bận rộn”. Chỉ trong vài mươi chữ, cách đặt vấn đề của Robin Sharma, tác giả của cuốn sách, khiến người đọc không thể rời mắt khỏi tác phẩm Ai Sẽ Khóc Khi Bạn Lìa Xa (Who Will Cry When You Die).
Là chủ nhân của hơn 12 đầu sách nổi tiếng trên thế giới, Robin Sharma được xem là người đã tạo nên hiện tượng toàn cầu với những câu chuyện đầy triết lý sâu sắc về những giá trị cuộc sống với bộ The Monk Who Sold His Ferrari. Ở Việt Nam, bộ sách được biết đến với những tựa: Tìm Về Sức Mạnh Vô Biên, Đời Ngắn Đừng Ngủ Dài, Điều Vĩ Đại Đời Thường hay Nhà Lãnh Đạo Không Chức Danh...
Ai Sẽ Khóc Khi Bạn Lìa Xa là cuốn sách thứ 3 trong series The Monk Who Sold His Ferrari. Có thể nói đây là cuốn cẩm nang để sống hạnh phúc bằng những điều giản đơn mà cho dù người đọc là ai đều có thể áp dụng được mỗi ngày.
Khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, khi kinh doanh là một chuỗi của những toan tính, khi thương trường là chiến trường và khi chúng ta đuổi theo những danh vọng, những hấp lực của tiền bạc và địa vị, thì cũng là lúc chính chúng ta quên mất những điều hạnh phúc giản đơn từ bên trong chúng ta.
Đó đơn giản là “mỗi ngày, hãy tử tế với một người không quen”, thực hành lòng bao dung hay giữ lời hứa với những người xung quanh một cách trung thực. Đó cũng là những gợi ý để hình thành và tạo nên những thói quen tốt cho bản thân như “dậy sớm cùng mặt trời”, cười nhiều hơn, uống nước hoa quả tươi, đọc thêm vài cuốn sách, trồng vài cây xanh, xem vài bộ phim hài hước, dành những khoảng thời gian tĩnh lặng hay nghe những bản nhạc hay. Đó cũng là cách chúng ta bỏ bớt vì khi bỏ bớt thì tâm trí chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn như “dành ra một ngày không màng đến thời gian”, bớt đọc tin tức, bớt chỉ trích và phàn nàn, bớt nghe điện thoại, học cách từ chối, bớt lo lắng về những thứ mà chúng ta không thể thay đổi.
Cuốn sách giúp người đọc tìm ra được những điều mà có lẽ rất lâu, với guồng quay của cuộc sống quá nhanh đến mức chúng ta quên mất chúng ta được sinh ra để “sống trọn vẹn để ra đi hạnh phúc”, chứ không phải đang tồn tại. Như lời tác giả, chúng ta sống trong một thời kỳ đã chinh phục những đỉnh núi cao nhất, nhưng lại chưa làm chủ được bản thân. Chúng ta xây những tòa nhà cao hơn nhưng tính khí lại thấp hơn, có nhiều tài sản hơn nhưng ít hạnh phúc hơn, một tâm trí bận rộn nhưng cuộc sống trống rỗng.
Mượn triết lý của nhà soạn kịch người Anh gốc Ireland đạt giải Nobel Văn học năm 1925 George Bernard Shaw, tác giả kết lại tác phẩm của mình bằng một lời nhắn ấn tượng: Cuộc đời với tôi không là một cây nến ngắn ngủi. Nó là một ngọn đuốc rực rỡ mà tôi cầm trong thời khắc này và tôi muốn nó bùng cháy nhất có thể trước khi chuyển nó sang cho thế hệ tương lai