A.I đánh cắp cảm xúc
“AI đánh cắp cảm xúc” và hành động của truyền thông! Con người đừng cố tính nhanh hơn, nhớ lâu hơn mà thay vào đó, chúng ta hãy tập trung vào những gì thực sự mà con người sáng tạo, đồng cảm, thấu cảm thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị phụ thuộc vào chúng.
Trong một khảo sát, kéo dài gần 2 năm, lần lượt trò chuyện với các chuyên gia làm việc trong các lĩnh vực: công nghệ, báo chí, truyền thông, marketing, xuất bản… phần lớn họ đều bày tỏ hào hứng về triển vọng ứng dụng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ứng dụng Chat GPT nói riêng trong tương lai. Song song đó, họ đều nhấn mạnh cần có biện pháp kiểm soát để các công cụ AI phục vụ công việc, cuộc sống của chúng ta thay vì phụ thuộc vào chúng.
Chia sẻ về việc ứng dụng AI, cụ thể là công cụ ChatGPT, trong hoạt động vận hành doanh nghiệp, nhiều chuyên gia cho biết, việc sử dụng công nghệ AI nói chung và chat GPT nói riêng để tạo các nội dung truyền thông, marketing cá nhân hóa, xây dựng chatbot tư vấn bán hàng và hỗ trợ khách hàng…
Cùng với đó là đưa ra gợi ý kế hoạch chăm sóc khách hàng giúp gia tăng năng suất, chất lượng; nhập liệu tự động bằng giọng nói, xây dựng trợ lý ảo AI thực hiện các nhiệm vụ như phân tích và trả lời số liệu báo cáo về thị hiếu bạn đọc, người tiêu dùng hỗ trợ trong việc hoạch định chiến lược truyền thông, marketing, bán hàng, tài chính, cũng như phân tích tối ưu chi phí, tối ưu hóa quy trình…
AI đang là chủ đề được đề cập đến tại nhiều diễn đàn công nghệ trong thời gian gần đây, đặc biệt là ứng dụng chatbot tích hợp AI, Chat GPT…Khách quan nhìn nhận những giá trị bổ ích mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung và ứng dụng Chat GPT nói riêng mang lại là không thể phủ nhận, song vẫn còn nhiều mối lo ngại về tác động tiêu cực mà chúng có thể gây ra cho xã hội.
Đây cũng là những nội dung mà “AI đánh cắp cảm xúc?” sẽ mang lại cho bạn một góc nhìn, một lát cắt về xu hướng Truyền thông trong kỷ nguyên AI. Với 68 đề mục, cuốn sách đặt ra những vấn đề đang nóng của truyền thông và cũng đề xuất những biện pháp để thực hiện, xử lý, giải quyết. Đó là những vấn đề: Vì sao cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân; Các yếu tố tạo nên thương hiệu cá nhân; Xu hướng truyền thông cá nhân hóa trên nền tảng công nghệ; Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thay thế con người trong việc sáng tạo nội dung truyền thông hay không? Những ích lợi và rủi ro của việc sử dụng AI trong sáng tạo truyền thông; Làm thế nào để nhận diện tin giả (fake news); Cần cung cấp bộ quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng xã hội…
Cuốn sách cũng dành nhiều trang để nói về sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, LinkedIn… và tác động của chúng đối với cuộc sống cũng như cơ hội nghề nghiệp, thương hiệu cá nhân của con người. Do vậy, đây không chỉ là đơn thuần là một cuốn sách dành cho những người đang học, đang làm việc trong ngành truyền thông báo chí hay trong lĩnh vực truyền thông marketing, mà còn có thể dành cho những ai có mối quan tâm, cần tìm hiểu về những vấn đề này.
Những thông tin mà cuốn sách “AI đánh cắp cảm xúc” đưa ra không chỉ cung cấp những kiến thức hay tư liệu mới, mà còn mang tính định hướng rõ rệt về một nền báo chí trong tương lai trên không gian số, về một môi trường truyền thông đa dạng, phong phú, chấp nhận mọi sáng tạo, nhưng vẫn phải đảm bảo được những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, cũng như coi trọng chuyên môn cá nhân.
Tác giả Phạm Sông Thu cũng đưa ra một kết luận dự báo có tính xác đáng: cho dù khoa học kỹ thuật và công nghệ có ngày càng tiến bộ, trí tuệ nhân tạo có thể ngày càng thông minh hơn, nhưng chúng vẫn không thể thay thế được cho con người. Bởi lẽ đơn giản là con người không chỉ có tư duy, mà quan trọng nhất là con người có cảm xúc, có nhận thức đúng sai dựa trên những phẩm chất, tính cách của cá nhân và họ sử dụng tất cả những điều đó vào trong công việc.