Phan Huyền Thứ Năm | 14/11/2019 06:40

3 cuốn sách viết về thầy cô xúc động nhất không nên bỏ qua

Khắc họa người thầy, người cô và nghề giáo qua những câu chữ vô cùng chân thật.

“Ông giáo làng trên tầng gác mái”, “Tự truyện Helen Keller – Câu chuyện đời tôi” và “Dạy học với trọn vẹn yêu thương” là 3 cuốn sách khắc họa người thầy, người cô và nghề giáo qua những câu chữ vô cùng chân thật. Các cuốn sách gây ấn tượng sâu trong tâm trí người đọc về hình ảnh những “người đưa đò” tận tụy đến vĩ đại. Vì lẽ đó, các tác phẩm này đã truyền đi nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều người.  

 

Ông giáo làng trên tầng gác mái - Người thầy mang theo thứ ánh sáng của riêng mình

Có rất nhiều những tác phẩm viết về “người thầy” nổi tiếng gây ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới như: Totto Chan - Cô bé bên cửa sổ của văn học Nhật, văn học Mỹ có Người thầy – Hồi ức của một nhà giáo Mỹ hay Chiến binh cầu vồng của Indonesia thì ở Việt Nam có Ông giáo làng trên tầng gác mái của tác giả Nguyễn Thế Vinh. Ông là một trong những người thầy đại diện cho sự nỗ lực phi thường, nhiều người quý trọng ông bởi sự lạc quan giữa nghịch cảnh, và trên hết đó là lòng kiên nhẫn, sự trách nhiệm, nghiêm khắc nhưng luôn dành trọn yêu thương cho bao thế hệ học trò.

Nguyễn Thế Vinh sinh ra ở một làng quê nghèo xứ cát tại Bắc Bình, Bình Thuận, dù là thầy giáo nhưng không hề xuất thân từ lò sư phạm, vậy mà dám mơ về một ngôi trường dành cho các em có số phận không may mắn. Ông đã một mình ngang dọc đi hết đất nước hình chữ S, đã vạn lý trường chinh đi xin giấy phép lập trường, đã lò mò đi "chiêu dụ" học trò về học tại ngôi trường mang tên của loài hoa Hướng Dương... “Ông giáo làng trên tầng gác mái” thực sự là một tác phẩm viết về một người "tay ngang" trở thành một ông thầy giáo của cả một lứa học trò mà đầu vào đều là những đứa nhóc trung bình và ham chơi. Ông từng dùng roi trong hai năm đầu để xây dựng kỷ cương nề nếp của ngôi trường, đã từng "xúi dại" học trò đòi thêm bài tập ở các thầy cô trường công, cũng đã có những quyết định mà trò đau một thì thầy đau mười...

Tưởng chừng như mọi thứ quá khó khăn với người thầy không lành lặn, nhưng không, Nguyễn Thế Vinh đã tự mình làm mọi việc, từ xây dựng trường đến việc dẫn dắt, đặt vào tay những đứa trẻ kém may mắn các cơ hội, lặng thầm nâng bước các em trên con đường chông gai cho đến khi các em đã đủ cứng cáp rời xa mái trường Hướng Dương.

Hiện nay, đa số những học trò được ông dạy đều đã vào đại học, có việc làm, tự nuôi sống bản thân, có em thành đạt, giữ vị trí cao trong công việc. Như một cái duyên, đa số học trò của thầy Nguyễn Thế Vinh dạy hồi đó đều còn giữ mối quan hệ tới giờ. Có em đi Pháp, lâu lâu về Việt Nam vẫn hỏi thăm ông. Thầy Nguyễn Thế Vinh là một người như thế, vẫn luôn dõi bước theo, cầu nguyện những điều tốt lành nhất cho học trò của mình.

Hình ảnh người thầy cụt tay Nguyễn Thế Vinh đọng lại rõ nét qua những trang sách: nhẹ nhàng, hiền lành, đôi khi lại có một chút ưu tư trong những ký ức về ngày xưa cũ. Bằng văn phong rất đỗi đơn giản, dung dị như chính con người của ông, cuốn sách Ông giáo làng trên tầng gác mái qua lời tự sự của Nguyễn Thế Vinh đã làm lay động lòng người, người ta hâm mộ và kính nể người đàn ông nhỏ nhắn, có nụ cười dễ mến nhưng lại chứa đựng tinh thần lạc quan trước những nghịch cảnh cuộc đời. Cuốn tự truyện này - như lời chia sẻ của Nguyễn Thế Vinh, không có yếu tố giật gân nào, mà nó là những chuyến tàu ký ức, mỗi người đọc có thể dừng lại ở bất cứ nhà ga nào mà bạn muốn.

 

Tự truyện Helen Keller – Câu chuyện đời tôi – “Không một tài năng, một khát vọng hay một niềm vui nào trong tôi mà không được đánh thức bởi cái chạm đầy tình thương mến của cô

Helen Keller là một trong người phụ nữ vĩ đại nhất của thế giới, được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 nhân vật tiêu biểu của thế kỷ 20. Bị mù và điếc lúc 19 tháng tuổi, kể từ đó, Helen Keller hoàn toàn chìm trong bóng tối và sự im lặng. Thế nhưng cuộc đời bà là những nỗ lực không ngừng để làm bất cứ điều gì người khác có thể làm và làm tốt tương đương. Bà tốt nghiệp năm 24 tuổi và trở thành người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên tốt nghiệp đại học.

Helen Keller cũng là nhà văn và nhà hoạt động xã hội, dù bị tước đi ánh sáng và không thể nghe được nhưng bà đã phấn đấu cả đời để đem ánh sáng văn hóa, văn minh đến cho thế giới và mãi mãi về sau.

 “Tự truyện Helen Keller - Câu chuyện đời tôi” (The story of my life) là quyển tự truyện do chính Helen Keller viết năm bà 22 tuổi và được xem là cuốn tự truyện có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều người trên thế giới. Với lối viết chân thật, mạch lạc, cứ thế câu chuyện lớn về cuộc đời của Helen Keller hiện lên chân thật nhất qua mắt người đọc. Khi đọc cuốn sách này, độc giả đã phải cúi đầu tri ân và ngưỡng mộ hai người phụ nữ: Helen Keller và cô giáo Sullivan.

Sullivan là giáo viên người Mỹ gốc Ireland, bà là một cái tên vĩ đại trong lịch sử ngành giáo dục của thế giới. Cuộc đời của Helen Keller được chia ra làm hai phần, một là trước khi có sự hiện diện của cô Sullivan; khi Helen đã dần quen với bóng tối và sự thinh lặng, hai là khi cô Sullivan đến và giải thoát cho linh hồn của bà khỏi bức màn sương mờ ảo.

Ngay từ khi bắt đầu dạy dỗ Helen từ năm 7 tuổi, cô Sullivan đã thực hành nói chuyện với học trò như với bất kỳ đứa trẻ nghe bình thường nào khác; điều khác biệt duy nhất là cô viết những câu nói đó vào tay Helen thay vì nói ra miệng. Vào giây phút khi dòng nước mát lạnh rưới vào lòng bàn tay của cô bé, cô Sullivan đã viết vào tay của học trò từ “nước”, chính điều đó đã giúp Helen mơ hồ cảm nhận được một ý niệm như thể một điều gì đó đã bị lãng quên nay bất thần quay trở lại; và theo cách nào đó, bí mật của ngôn ngữ đã hé lộ với Helen Keller.

Sullivan cũng là người đầu tiên dạy Helen về tình yêu khi cô bé chẳng thể nào hiểu được định nghĩa của nó: “Em biết đấy, em không thể chạm vào những đám mây, nhưng em có thể cảm nhận được mưa và biết hoa lá và mặt đất đang khát vui mừng thế nào khi trời mưa xuống sau một ngày nắng nóng. Em cũng không thể chạm vào tình yêu, nhưng em có thể cảm thấy sự ngọt ngào rót lên mọi thứ. Không có tình yêu, em sẽ không cảm thấy hạnh phúc hay muốn chơi đùa nữa”.

Cô Sullivan đã hy sinh cả cuộc đời để nhào nặn nên nhân tài Helen Keller, có lẽ do quá trình gắn bó lâu dài với người mù trước đó mà Sullivan kết nối được với Helen – người vốn ban đầu hay cáu gắt thất thường, hoặc chỉ đơn giản là do sự kiên trì, tấm lòng nhân hậu của bà đã giúp Helen Keller mở lòng ra với thế giới.

Đối với Helen Keller, cô Sullivan là người gắn bó với bà nhất trong đời. Bà quý trọng và yêu thương cô giáo của mình đến nỗi nhắc rất nhiều trong tự truyện: “Cô giáo gần gũi với tôi đến nỗi tôi sợ phải nghĩ tới việc xa cách cô. Tôi không bao giờ có thể nói được niềm vui thú của tôi đối với tất cả những gì xinh đẹp có bao nhiêu phần mang tính bẩm sinh và bao nhiêu phần là do ảnh hưởng của cô. Tôi cảm thấy con người cô không thể tách rời con người tôi và những bước chân cuộc đời tôi nằm trong những bước chân của cô. Tất cả những gì tốt đẹp trong tôi đều thuộc về cô – không một tài năng, một khát vọng hay một niềm vui nào trong tôi mà không được đánh thức bởi cái chạm đầy tình thương mến của cô.

Tác phẩm Tự truyện Helen Keller – Câu chuyện đời tôi là một dòng sưới tươi mát len lỏi vào trong lòng chúng ta một giá trị tinh thần đầy nhân văn. Đây là một cuốn tự truyện khiến bạn thổn thức, cảm phục trước nghị lực sống phi thường của Helen Keller, sẽ ca ngợi sự hy sinh, lòng nhân ái của cô giáo vĩ đại nhất thế giới – Sullivan, và chắc chắn; quyển sách này sẽ khích lệ ý chí vươn lên cùng tình yêu cuộc sống mạnh mẽ của bất kì ai.

 

Nếu như Ông giáo làng trên tầng gác mái Tự truyện Helen Keller – Câu chuyện đời tôi là những dòng hồi ức cảm động về người thầy, người cô tràn đầy sự hy sinh và tấm lòng nhân hậu thì Dạy học với trọn vẹn yêu thương sẽ giúp người đọc hiểu thêm về nghề giáo bằng cái nhìn sâu sắc hơn.  

Tác giả Patricia A. Jennings đã trải qua thời thơ ấu với một loạt biến cố đau thương, bà đã mồ côi năm 15 tuổi. Trong suốt thời gian chấn động tâm lý và bị u uất, Jennings đã được cô giáo Curtis động viên và hỗ trợ. Cô Curtis bày cho Jennings cách an toàn để bộc lộ nỗi buồn và tuyệt vọng bằng việc trân trọng những gì mình đã trải qua và giúp tác giả chuyển hóa những trải nghiệm kinh khủng bằng nghệ thuật. Cô giáo Curtis đã truyền nguồn cảm hứng cho Jennings bước vào nghề giáo sau này; và nhờ vào sự động viên của cô, Jennings đã phát hiện ra sức mạnh tự chữa lành của sự tỉnh thức.

Có hơn 40 năm kinh nghiệm làm người thực hành sự tỉnh thức nhà giáo dục và nhà khoa học, tác giả viết cuốn sách Dạy học với trọn vẹn yêu thương này cho tất cả những ai quan tâm đến việc chuyển hóa trường học thành môi trường thúc đẩy sự phát triển con người và trở thành nơi trẻ em và thanh thiếu niên có thể phát huy được hết tiềm năng của mình.

Cuốn sách nên là “Đắc nhân tâm” cho những người đang làm giáo dục nói chung, và dành riêng cho ba mẹ và giáo viên. Hãy chọn nó làm sách gối đầu giường để mỗi khi có vấn đề khó khăn với trẻ lại mở ra, và bất cứ trang nào bạn cũng có thể tìm được một giải pháp, một cách thấu hiểu và một hướng mở rộng trái tim của mình cho mọi người, đặc biệt là cho con trẻ.” Một độc giả chia sẻ khi đọc Dạy học với trọn vẹn yêu thương.

Nhìn vào thực tế, có rất nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy kiệt sức và đôi khi cảm thấy việc lên lớp là một trách nhiệm nặng nề buộc phải hoàn thành. Tình trạng này dẫn đến việc nhiều giáo viên đã bỏ nghề. Với nội dung 7 chương được dịch mạch lạc, dễ đọc, quyển sách Dạy học với trọn vẹn với yêu thương không chỉ chỉ ra cách trở thành thầy cô, cha mẹ mẫu mực mà còn có ích cho những người mong muốn chuyển hóa cảm xúc của chính mình. Patricia A. Jennings cung cấp nhiều bài tập thực hành để những thầy cô có thể giữ được năng lượng thức tỉnh trong việc giảng dạy và củng cố sức lực trong cuộc sống.

Nếu ứng dụng các kỹ thuật dạy trẻ được hướng dẫn cụ thể trong sách để mỗi lần đọc lại một đoạn hay một chương sách, bạn sẽ lại khai phá thêm một tầng nhận thức mới trong chính mình. Đồng thời những câu chuyện dung dị ta thường gặp ngoài cuộc sống sẽ được tái hiện sinh động trong từng trang sách. Đây là một quyển sách mà chắc hẳn mà tự bản thân mỗi người nên đọc và tự chiêm nghiệm để thấu hiểu thêm về nghề giáo.

“Một thầy giáo tốt như một ngọn nến, ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác.” -Mustafa Kemal Ataturk. Đằng sau sự thành công của mỗi người không chỉ là công lao của cha mẹ, sự giúp đỡ của bạn bè, mà đó còn là công ơn của những người “đưa đò” đã chèo lái đưa bạn cập bến thành công. Hy vọng thông qua 3 tác phẩm sâu sắc và cảm động nhất về “người thầy” này, bạn sẽ có thêm một khoảnh khắc tri ân về những người thầy, người cô đặc biệt trong cuộc đời mỗi người.