22 nguyên tắc cơ bản của marketing thương hiệu
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang chia sẻ Mô hình Marketing tại Buổi giao lưu và ra mắt sách “22 nguyên tắc cơ bản của marketing thương hiệu”. Theo tác giả, thương hiệu là sản phẩm, chứ không phải nhãn hiệu và để sản phẩm được nhiều người biết đến thì phải sử dụng các công cụ marketing.
Mô hình Marketing 7P dựa trên nền tảng marketing 4P căn bản: Product - Price - Place - Promotion, có phát triển thêm 3 yếu tố: People - Process - Philosophy.
Mô hình này chính là việc ứng dụng chữ P thứ 7 - Philosophy (triết lý thương hiệu) vào việc xây dựng và marketing thương hiệu. Vậy mô hình này có khác gì so với Marketing mix 4P truyền thống? Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết: “Đây là mô hình marketing toàn diện, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và thương hiệu. Với Marketing 7P, chúng ta sẽ biết được cách để nâng cao vai trò và sứ mệnh của marketing, biến marketing từ một công cụ quản trị thành một hệ thống tư tưởng và thay đổi tư duy, qua đó nắm bắt những hình thức kinh tế mới như kinh tế sáng tạo, kinh tế giá trị mềm và kinh tế thương hiệu”.
Mục tiêu kinh doanh thường là lợi nhuận nhưng càng ngày chúng ta càng thấy những mục tiêu mang tính chất ‘phi lợi nhuận’ (nói theo cách cũ) xuất hiện trong các tôn chỉ hành động của nhiều doanh nghiệp hay chí ít tất cả những thương hiệu, doanh nghiệp thành công đều quan tâm đến vấn đề chia sẻ quyền lợi (kể cả lợi nhuận) và trách nhiệm cộng đồng. Điển hình là sự thành công của các thương hiệu lớn tại Việt Nam (như Vinamilk, Viettel, FPT…) cũng như trên thế giới (Apple, Samsung, Microsoft, Amazon…) chính là nhờ giá trị bản sắc thương hiệu của họ đã được “triết lý hóa”, được thấu hiểu và lan tỏa.
“Như vậy, kinh doanh ngày nay không thuần túy mang tính lợi nhuận. Hiểu theo ngôn ngữ sứ mệnh thương hiệu thì kinh doanh ngày nay sử dụng tư duy marketing nhằm xây dựng thương hiệu mạnh, nhưng kết quả là doanh số và lợi nhuận vẫn sẽ đi cùng với sự hình thành thương hiệu mạnh đó”, tác giả Võ Văn Quang cho biết.
Trước câu hỏi: Liệu Mô hình Marketing 7P chỉ áp dụng được cho các công ty, tập đoàn lớn; mô hình này có thể áp dụng được cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay không? Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết: “Tất cả mọi doanh nghiệp trong nước cũng như trên thế giới đều bắt đầu từ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cái quan trọng không phải quy mô doanh nghiệp nhỏ hay lớn mà quan trọng là suy nghĩ, tư duy của chủ doanh nghiệp đó lớn hay nhỏ. Chính tầm nhìn, tư duy sẽ quyết định quy mô của doanh nghiệp”.
Câu chuyện xây dựng thương hiệu được tác giả Võ Văn Quang liên hệ với tình hình thực tế, từ những thương hiệu đang được quan tâm hiện nay như Vinasun, Mai Linh, Grab, Uber, Khaisilk… Theo tác giả Võ Văn Quang, thương hiệu doanh nghiệp cũng là hạt giống cơ bản cho thương hiệu một quốc gia, cần phải có sự chuyển đổi, thích nghi, chăm chút để có thể lớn mạnh. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang bắt đầu thay đổi để bắt kịp xu hướng thời đại, đó chính là việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào.
“Để xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ thì không chỉ doanh nghiệp mà cả chế độ quản lý nhà nước cũng như người tiêu dùng cũng cần tham gia, có trách nhiệm”, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhấn mạnh.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang là tác giả của các thương hiệu mới và thương hiệu nâng cấp như: Vinasun, Vina café, Đạm Cà Mau, Vissan, Gạo Sông Hậu… Đồng thời, ông cũng là tác giả của mười mô hình marketing thương hiệu như: mô hình Marketing 7P, mô hình phẫu hình ảnh thương hiệu, đánh giá thương hiệu (audit), mô hình NIP, mô hình thương hiệu chuỗi, mô hình song hành Marketing Innovation… |