3 nhà khoa học, chủ biên Tủ sách Khoa học & Khám phá phối hợp thực hiện cùng NXB Trẻ. Từ trái qua: Nguyễn Công Liễn, Phạm Văn Thiều, Vũ Công Lập. Ảnh: Minh Lan
15 năm Tủ sách Khoa học & Khám phá
Tình bạn lớn của 3 nhà khoa học
Gặp nhau ở giảng đường đại học, 3 người bạn Phạm Văn Thiều, Nguyễn Văn Liễn và Vũ Công Lập gắn bó với nhau từ đời sống, sinh hoạt hằng ngày đến niềm đam mê lớn dành cho khoa học và văn chương. 60 năm sau, dù mỗi người hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, họ vẫn đồng hành trong niềm đam mê lan tỏa tri thức khoa học thế giới đến với độc giả Việt qua Tủ sách Khoa học & Khám phá được thành lập vào năm 2008, hợp tác cùng Nhà Xuất bản Trẻ.
Tủ sách tập hợp những tác phẩm khoa học thường thức nổi tiếng trên thế giới, cập nhật những phát kiến khoa học mới nhất, lật lại những vấn đề lịch sử, đào sâu vào cuộc đời của các nhà khoa học nổi tiếng hay lịch sử của những phát minh thay đổi thế giới. Mỗi quyển sách đều là một công trình công phu từ khâu mua tác quyền, dịch thuật, biên tập, sản xuất, cho đến việc giới thiệu sách đến đông đảo bạn đọc.
Tại buổi giao lưu, các dịch giả chia sẻ nhiều câu chuyện trên con đường 15 năm gắn bó với Tủ sách. Cuốn sách đầu tiên cả 3 cùng chọn dịch chung, mở đầu cho Tủ sách là Thế Giới Lượng Tử Kỳ Bí của một "thần đồng" người Đức đang học lớp 11. Hai cuốn sách tiếp theo là Bảy Nàng Con Gái Của Eva, Mật Mã: Từ Cổ Điển Đến Lượng Tử.
Trong 15 năm, tủ sách đã có 45 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như toán học (Định Lý Cuối Cùng Của Fermat, 5 Phương Trình Làm Thay Đổi Thế Giới, Chúa Trời Có Phải Là Nhà Toán Học, Thiên Tài Kỳ Dị…), vật lý (Cuộc Chiến Lỗ Đen, Feynman Chuyện Thật Như Đùa, Bản Thiết Kế Vĩ Đại, Giáo Hoàng Vật Lý…), thiên văn học (Nguồn Gốc, Giai Điệu Bí Ẩn, Những Con Đường Ánh Sáng…), tin học, sinh học (Bạn Mãi Trẻ, Bảy Nàng Con Gái Của Eva, Dòng Sông Trôi Khuất Địa Đàng, Câu Chuyện Cơ Thể Người…), công nghệ thông tin (Dữ Liệu Lớn, Liệu It Đã Hết Thời, Lồng Kính: Tự Động Hóa Và Chúng Ta…) và nhiều đầu sách về các đề tài rộng hơn như Mật Mã, Những Bí Ẩn Của Tay Phải Và Tay Trái, Thực Tại Không Như Ta Tưởng, Sinh Vào Ngày Xanh…
Một số tựa sách trong Tủ sách Khoa học & Khám phá. |
“Chúng tôi có một giấc mơ, đó là một Tủ sách được trình bày đồng bộ, cùng format để khi nhìn vào ai cũng có thể nhận ra. Đó là động lực để chúng tôi chung tay kéo dài đến 15 năm” - dịch giả Phạm Văn Thiều nhớ lại những ngày đầu của tủ sách. “Hồi ấy vớ được một cuốn sách về những nhà toán học Nga, chúng tôi ngồi lẩm cẩm dịch ra rồi truyền tay nhau đọc. Quyển sách đó không bao giờ được in, nhưng đó là bản thảo đầu tiên mà chúng tôi thực hiện”, ông kể lại.
“Tiêu chí của chúng tôi là phổ biến kiến thức và truyền cảm hứng, đam mê cho bạn đọc yêu khoa học. Ban đầu giới hạn trong lĩnh vực vật lý, vật lý thiên văn và toán học rồi mở rộng dần sang các lĩnh vực khác như sinh học, công nghệ thông tin. Một yêu cầu quan trọng của Tủ sách là phải chọn các tác phẩm tinh hoa nổi tiếng thế giới do các nhà khoa học hàng đầu đang tham gia nghiên cứu ở tuyến trước. Họ không chỉ uyên bác về mặt khoa học mà còn phải có tài năng văn học, các tác phẩm của họ không chỉ sâu sắc, chính xác về mặt khoa học mà còn phải giàu chất văn học” dịch giả Phạm Văn Thiều chia sẻ.
Trái ngọt
Lúc mới bắt tay vào dịch, các dịch giả xác định đây là loại sách kén người đọc, không mang lại giá trị lợi nhuận nhưng bằng tình yêu với khoa học và khát khao phổ biến tri thức, cả 3 vẫn quyết tâm. Thành quả mang lại vượt mong đợi của những người làm sách. Từ những cuốn ban đầu chỉ có 1.000 bản in đến những cuốn sau, số lượng bản in tăng gấp đôi. Các tựa sách trong Tủ có được chỗ đứng nhất định và đều đặn tái bản qua các năm, cũng như nhiều tựa mới chuẩn bị ra mắt bạn đọc trong thời gian sắp tới. Một số cuốn đặc biệt như Lược Sử Thời Gian hay Vũ Trụ Trong Vỏ Hạt Dẻ đã lần lượt tái bản đến lần thứ 31 và 28.
Trong 15 năm tồn tại, nhóm chủ biên phối hợp cùng nhà xuất bản đã tổ chức nhiều buổi trò chuyện sách và giao lưu với tác giả, dịch giả tại các trung tâm và trường đại học lớn như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Trung tâm Idecaf. Sau một thời gian kiên trì hoạt động, tủ sách đã tạo được uy tín và đạt được chỗ đứng nhất định trong lòng độc giả, góp phần đưa những kiến thức khoa học đến với đông đảo bạn đọc.
Nhiều độc giả đọc sách từ khi còn theo học phổ thông đến khi đã ngoài 40 tuổi vẫn dõi theo Tủ sách. Điển hình là một độc giả đến từ Tây Ninh đã đi xe máy từ 3 giờ sáng để đến kịp buổi giao lưu và gặp gỡ các dịch giả. Anh cho biết, tủ sách đã khơi lên trong anh niềm vui khám phá và tò mò về khoa học từ những ngày còn là học sinh cấp 3. Đây chính là niềm vui lớn nhất của những người làm sách.
Sân chơi "Khoa học vui" dành cho thiếu nhi, một hoạt động khuyến khích sáng tạo và tình yêu khoa học nhân dịp kỷ niệm 15 năm tủ sách Khoa học & Khám phá. Ảnh: Thanh Trần |
Không dừng lại ở đó, phía sau mỗi câu chuyện của mỗi đầu sách, các dịch giả cho biết họ còn học được nhiều bài học về cách sống, cách nghĩ và tình yêu vô bờ bến với tri thức từ các nhà khoa học. Nếu như dịch giả Vũ Công Lập học được ở Stephen Hawking tính giản dị, không đòi hỏi đặc quyền ưu tiên thì dịch giả Nguyễn Văn Liễn học được ở Feyman sự tôn trọng văn hóa bản địa khi đi đến đâu ông cũng đều cố gắng học tiếng bản địa để sống hòa mình cùng người địa phương và tinh thần làm việc không mệt mỏi.
“Thời các nhà khoa học như Feynman, Faraday... các ông làm với sự đam mê và trung thực đến tận gốc rễ. Điều mà các ông ấy nhận được khi làm khoa học chính là niềm vui khám phá, mỗi khi khám phá ra được một bí mật của tự nhiên. Tôi học hỏi được nhiều về cách từ quá trình thực hiện tủ sách này, rằng khoa học không phải là phần thưởng, khoa học là niềm vui”, dịch giả Nguyễn Văn Liễn chia sẻ.
Còn đó những trăn trở
Gắn bó với tủ sách từ những ngày đầu thành lập, 3 dịch giả luôn có ý định dần dần sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác như hóa học, trí tuệ nhân tạo (A.I) hay vật lý trong y học, y sinh, dinh dưỡng... Nhưng hiện có 2 khó khăn lớn: Tìm được sách hay và người dịch. Nhiều sách hay tìm được nhưng Nhà Xuất bản Trẻ chưa kịp mua, bản quyền đã thuộc về đơn vị khác.
“Chúng tôi hiện đã ở tuổi U80 rồi, lại ở trong nước, nên không theo dõi hết các sách phổ biến khoa học tinh hoa trên thế giới, nhất là hằng năm, số lượng loại sách này xuất bản khá lớn. Khó khăn thứ 2 là người dịch. Mặc dù luôn cố gắng vận động một số nghiên cứu sinh ở nước ngoài và trong nước tham gia, nhưng rồi vì bận chuyên môn, sự nghiệp và cuộc sống mà số người này cứ ít dần. Hiện tại chủ yếu vẫn là chúng tôi. Đây là điều chúng tôi lo ngại nhất”, nhà khoa học Phạm Văn Thiều tâm tư.
“Quá trình đưa những kiến thức chuyên sâu từ sách đến độc giả đại chúng là thách thức rất lớn. Dịch giả không những phải là chuyên gia của lĩnh vực đó, mà còn cần có sự am hiểu tiếng Việt”, dịch giả Vũ Công Lập nhấn mạnh.
Thực tế, thù lao dịch sách vốn ít ỏi, dịch sách khoa học lại càng khó hơn, không đảm bảo đủ kinh tế cho người dịch. Cho nên, không ít người là những nhà khoa học trẻ sau khi thực hiện xong một tác phẩm đã chọn rời đi. Chính vì thế, ý định thành lập một cộng đồng dịch giả trẻ và nhà khoa học của nhóm chủ biên đến nay vẫn dang dở.
Mong mỏi và cũng là trăn trở lớn nhất của nhóm chủ biên là Tủ sách sẽ đạt được 100 đầu sách khoa học trên nhiều lĩnh vực nên ba nhà khoa học kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nguồn lực, vật lực chung tay, góp sức của các dịch giả trẻ và nhà khoa học trẻ trên cả nước.