Các hội chợ nghệ thuật, cũng như triển lãm online mở ra phạm vi tiếp cận rộng hơn, vì mô hình này có thể tiếp cận những người yêu nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới.
Rộng cửa cho nghệ thuật kỹ thuật số
Trong suốt 3 tuần lễ đầu tiên của tháng 10/2021, người xem được chứng kiến nhiều sáng tạo nghệ thuật và các ứng dụng kỹ thuật số mới mẻ qua 2 chương trình: Triển lãm online “Sắc màu bình yên” (Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức) và Hội chợ Nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên của châu Á diễn ra ở Hồng Kông (Digital Art Fair Asia).
Xem triển lãm “Sắc màu bình yên” qua mạng xã hội, nhiều người trẻ thích thú khi thấy tượng điêu khắc Hip Hop Never Die (của nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến) tương tác với mình qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR). Từ khi giãn cách xã hội diễn ra, các buổi triển lãm tranh, tượng, đồ gốm online đã khá phổ biến, nhưng đây là lần đầu người xem được trải nghiệm quét mã QR; theo đó, thông qua camera điện thoại, tác phẩm điêu khắc xuất hiện ngay trên bàn làm việc của người dự triển lãm online - một trải nghiệm rất thú vị.
Để có thể ứng dụng công nghệ vào tác phẩm điêu khắc, nghệ sĩ phải tự trang bị đủ kiến thức về cơ khí, lập trình, Code, AR, thực tế ảo (VR)... “Những năm gần đây, bạn trẻ theo ngành điêu khắc bắt đầu sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ vào tác phẩm điêu khắc, kết hợp trình diễn”, nghệ sĩ điêu khắc Phạm Đình Tiến, giảng viên Khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật TP.HCM, cho biết.
Vài năm trở lại đây, nghệ thuật kỹ thuật số bắt đầu được nhiều nghệ sĩ trẻ theo đuổi vì cơ hội việc làm và các kênh kiếm tiền đa dạng trong thời công nghệ 4.0. Họa sĩ minh họa Hoàng Văn Tài nhìn nhận: “Sự tiện lợi của việc vẽ trên máy kể ra sẽ rất nhiều. Chỉ cần một cú click chuột, họa sĩ đã có thể lật tranh để thử độ phản chiếu, nhưng bất tiện cũng có vì quá trình sáng tạo tác phẩm phụ thuộc nhiều vào thiết bị máy tính, đòi hỏi chi phí đầu tư rất cao so với cách làm cũ. Nhưng có thể nói, càng ngày càng có nhiều công việc cho minh họa, phân khúc đa dạng”.
Trong ngành thiết kế thời trang, nghệ thuật kỹ thuật số đang được sử dụng để tạo ra những hình ảnh trực quan không cần vẽ trên giấy, cho phép một nhà thiết kế dễ dàng hơn trong việc thể hiện những ý tưởng và đưa ra mẫu thiết kế.
Hay trong công việc thiết kế nội thất các showroom, hình thức sử dụng nghệ thuật đa phương tiện (ngành học ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế sản phẩm đồ họa) đa dạng khuôn hình, sự chuyển màu sắc, chuyển độ nông sâu, sự tương phản giữa chi tiết với những góc quay rộng... góp phần làm nên sự đa dạng về tạo hình. Những sản phẩm nghệ thuật đa phương tiện đơn lẻ hay các nhóm sản phẩm khi kết hợp với nhau đều có sự cân nhắc, tính toán về nội dung, thời gian trình chiếu nhằm đảm bảo thuận tiện cho người xem trong quá trình tham quan.
Có thể nói, nghệ thuật đa phương tiện góp tiếng nói mạnh mẽ trong ngôn ngữ tạo hình và thay đổi đáng kể diện mạo không gian trưng bày. Sự thưởng ngoạn nghệ thuật không chỉ nằm ở chỗ thẩm mỹ của thị giác, mà còn được bổ sung cảm nhận của thính giác. Sự tương tác cao đối với người xem luôn là vấn đề hàng đầu của các showroom hiện đại.
Tại Digital Art Fair Asia diễn ra từ ngày 3-17/10, tại khu vực trải nghiệm nhập vai, khách tham quan sẽ thấy mình đứng dưới thác nước, đắm mình trong cánh đồng hoa, lang thang qua những cánh đồng lúa và bị thôi miên bởi những con sóng xanh được tái tạo một cách tỉ mỉ, cuồn cuộn không ngừng. Khách xem cũng có thể vẽ các sinh vật biển trước khi thả chúng tự do, tung tăng trong dải ngân hà, được nhấp một tách trà nghi lễ có thể nổ thành một chùm cánh hoa rực rỡ khi môi vừa chạm vào...
Ban tổ chức giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật được di chuyển ra khỏi phòng một cách tự do, hình thành mối liên hệ với mọi người, giao tiếp với các tác phẩm khác, tạo ảnh hưởng và đôi khi xen lẫn với nhau. Khi bạn xem một đoạn video, màn hình sẽ trở thành ranh giới ngăn cách thế giới của tác phẩm mà bạn đang xem. Với nghệ thuật trải nghiệm nhập vai, chúng tôi muốn tạo ra một cấu trúc logic mới”.
Các hội chợ nghệ thuật, cũng như triển lãm online mở ra phạm vi tiếp cận rộng hơn, vì mô hình này có thể tiếp cận những người yêu nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Bước đầu, các nhà triển lãm nổi tiếng đã cho thấy việc đầu tư vào trực tuyến thực sự mang lại hiệu quả. Ví dụ, phòng trưng bày nghệ thuật Gagosian đã báo cáo doanh số bán hàng tăng 350% sau khi phòng trực tuyến đầu tiên ra mắt.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra thế hệ millennials mới cảm thấy thoải mái hơn khi mua tác phẩm nghệ thuật trực tuyến. Theo báo cáo Thị trường nghệ thuật toàn cầu, 92% các nhà sưu tập mua tác phẩm hằng năm đã mua một tác phẩm nghệ thuật thông qua một nền tảng trực tuyến trong năm qua.