Superfan sẵn sàng chi hơn 500.000 đồng/tháng để đăng ký gói trên các nền tảng nghe nhạc kỹ thuật số. Ảnh: TL

 
Hồng Thu Thứ Ba | 04/02/2025 07:30

Quyền uy của người hâm mộ

Cộng đồng người hâm mộ đang có ảnh hưởng lớn đối với thành công của nghệ sĩ cũng là chỉ dấu văn hóa tại thị trường nghệ thuật của Việt Nam.

Giữa năm 2024, nhân dịp sinh nhật 31 tuổi của thần tượng Chi Pu, cộng đồng người hâm mộ của Chi Pu tại Trung Quốc và Việt Nam đã cùng nhau tạo nên những dự án chúc mừng gây kinh ngạc về độ chịu chi. Họ phủ sóng hình ảnh của nữ ca sĩ bằng màn hình LED khổng lồ tại các thành phố lớn ở 2 đất nước, quảng bá ca khúc mới Finding You của Chi Pu, thực hiện chương trình thiện nguyện quy mô, thiết kế chiếc mic dành riêng cho nữ ca sĩ có phần chữ khắc tên cô được mạ vàng bên trên... 

Tương tự, những người hâm mộ của Soobin Hoàng Sơn không chỉ đông đảo mà còn nổi tiếng với độ chịu chi và lòng tận tụy hết mình cho thần tượng. Tại concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, họ đã gây ấn tượng mạnh với những dự án quy mô: hàng dài người xếp hàng tại điểm mua vé cùng sự xuất hiện của mascot “hoàng tử” Soobin, 3 xe buýt 2 tầng quảng bá hình ảnh Soobin chạy vòng quanh thành phố và các màn hình LED hoành tráng tại các địa điểm nổi tiếng như Vincom Phạm Ngọc Thạch, Takashimaya và SkyLED Thủ Thiêm - bảng LED lớn nhất Đông Nam Á. Trước đó, họ cũng lập chiến lược vote bài bản cùng hàng trăm triệu đồng để Soobin thắng hạng mục Anh tài được yêu thích nhất tại chương trình.

Hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật, Trang Pháp xây dựng một cộng đồng người hâm mộ (fandom) FC Kandee đầy sức ảnh hưởng. Theo Buzzmetrics, Trang Pháp liên tục nằm trong Top 3 nữ nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội suốt 4 tháng đầu năm 2024 hậu Chị Đẹp Đạp Gió Rẽ Sóng. Tại cuộc gặp gỡ người hâm mộ vào giữa năm 2024, nhóm này thể hiện sự ủng hộ nhiệt thành qua các hoạt động độc đáo như tặng xe tải đồ ăn cho đoàn nhân viên và thuê màn hình LED quảng bá. Đáng chú ý, cổng bán vé sự kiện đã “sập” chỉ trong phút đầu tiên với 150.000 lượt truy cập. FC Kandee còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như quyên góp hơn 50 triệu đồng hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi hay thực hiện các dự án thiện nguyện như Nuôi Em, One Body Village và Bụng No 0 Đồng, lan tỏa tinh thần nhân văn của thần tượng. Sự ủng hộ mạnh mẽ từ một fandom văn minh và có trách nhiệm đã giúp Trang Pháp không chỉ khẳng định vị thế nghệ sĩ hàng đầu mà còn tạo giá trị xã hội tích cực.

Những ví dụ thực tế như trên cho thấy người hâm mộ nhiệt thành (superfan) đóng vai trò hết sức quan trọng trong thành công của nghệ sĩ. Trong khi người nghe bình thường nghe nhạc ngẫu nhiên do các nền tảng đề xuất thì superfan tích cực ủng hộ nghệ sĩ bằng cách mua album, tham gia các chương trình biểu diễn, cũng như dành thời gian và tiền bạc để theo chân các nghệ sĩ.

Chiếm 13% người hâm mộ âm nhạc ở Việt Nam, superfan sẵn sàng chi hơn 500.000 đồng/tháng để đăng ký gói trên các nền tảng nghe nhạc kỹ thuật số, các kênh phát sóng của nghệ sĩ và câu lạc bộ người hâm mộ trên các mạng xã hội, cũng như để mua album, đĩa đơn, đĩa cứng, quà lưu niệm độc quyền và các sản phẩm hợp tác thương hiệu.

Sự phát triển mạnh mẽ của superfan tạo điều kiện cho thương hiệu có chiến lược hợp tác phù hợp với nghệ sĩ và các fanclub với mức chi trả và sản phẩm yêu thích khác nhau. Ví dụ, thương hiệu có thể nhắm đến superfan với các sự kiện độc quyền, sản phẩm đặc biệt liên quan đến nghệ sĩ để tăng cường kết nối với thương hiệu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cộng đồng người hâm mộ văn minh thông qua việc hỗ trợ các sự kiện âm nhạc an toàn, xây dựng bộ quy tắc ứng xử và tạo môi trường lành mạnh cho người yêu thích âm nhạc trở thành superfan âm nhạc, từ đó nhân rộng sự phát triển của thị trường âm nhạc Việt Nam.

Hoạt động sôi nổi của người hâm mộ tác động đáng kể đến ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm qua, ngành nghệ thuật biểu diễn có nhiều lợi thế, nhất là các concert gần đây có sức hút rất lớn.  Ông Hoàng Huy Thịnh, nhà sáng lập chuyên trang âm nhạc Cổ Động, cho rằng fan Việt - idol Việt tạo ra những giá trị rất hay, khơi dậy bản sắc dân tộc, giống như chuyện người Việt dùng hàng Việt.

Chiếm phần lớn lượng tiêu thụ âm nhạc, superfan, đặc biệt là Gen Z, đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ trong nước. Họ tích cực quảng bá sản phẩm âm nhạc cho thần tượng, mua vé các buổi hòa nhạc và đưa nghệ sĩ lên hàng Top của các nền tảng như YouTube và Spotify.  Họ còn mua vé sự kiện, concert, sản phẩm độc quyền (merchandise), tham gia trải nghiệm độc quyền như giao lưu với fan (fan meeting), mang lại cơ hội tài trợ hấp dẫn cho thương hiệu và nhiều mô hình sự kiện mới cho các nhà sản xuất chương trình.

Lấy cảm hứng từ văn hóa K-pop, mô hình này thường mang lại thành công nhờ tương tác mạnh mẽ trên mạng xã hội và tham gia sự kiện. “Người hâm mộ không chỉ nghe nhạc mà còn tương tác và ủng hộ nghệ sĩ mạnh mẽ trên mạng xã hội, giúp nâng cao sự hiện diện của nghệ sĩ. Các sự kiện âm nhạc quốc tế diễn ra thời gian gần đây cho thấy họ sẵn sàng chi tiêu để có những trải nghiệm độc đáo và ủng hộ nâng tầm thần tượng trên sân khấu trong nước lẫn toàn cầu”, ông Hiển Bùi, nhà sáng lập và CEO C Mazor Entertainment, cho biết.

Tuy nhiên, superfan có thể quay lưng nếu kỳ vọng không được đáp ứng. Điều này đặt ra thách thức trong việc quản lý hình ảnh công chúng của nghệ sĩ. Trường hợp Hùng Huỳnh, nam ca sĩ Việt đang bị tẩy chay mạnh mẽ đến tận những ngày cuối năm 2024 là một điển hình ứng xử của superfan đối với thần tượng một khi kỳ vọng của họ không được đáp ứng.

Văn hóa thần tượng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống, góp phần định hình phong cách và gu thẩm mỹ âm nhạc của nhiều người. Đây cũng là chỉ dấu cho ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Do đó, nghệ sĩ, các đối tác kinh doanh và cộng đồng người hâm mộ phải cùng nhau xây dựng mối quan hệ đôi bên, vừa thúc đẩy thành công thương mại, vừa cùng nhau xây dựng thị trường nghệ thuật phát triển bền vững và văn minh.