Thiện Tâm là quỹ từ thiện ra đời cách đây 15 năm, cho mục đích đồng hành lan tỏa những điều thiện “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”.
Quỹ từ thiện doanh nghiệp Tâm & Tiền
Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có hàng trăm quỹ thiện nguyện do doanh nghiệp lập ra. Nhiều quỹ từ thiện trong số này ngày càng phát triển về quy mô và hoạt động chuyên nghiệp.
Thiện Tâm là quỹ từ thiện ra đời cách đây 15 năm, cho mục đích đồng hành lan tỏa những điều thiện “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người”. Từ đó đến nay, toàn bộ chi phí hoạt động của Quỹ do Vingroup tài trợ. Báo cáo tài chính bán niên của Vingroup cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, Vingroup đã chuyển 536 tỉ đồng cho Quỹ Thiện Tâm; năm ngoái, số tiền này là hơn 2.617 tỉ đồng.
Nhờ nguồn lực tài chính này, suốt giai đoạn 2006-2020, Quỹ Thiện Tâm đã dành 10.210 tỉ đồng để chia sẻ tới cộng đồng, thông qua hàng loạt chương trình như tặng học bổng Vingroup, hỗ trợ người nghèo khám sàng lọc và cấp thuốc miễn phí, xây trường, lớp và nhà ở bán trú. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Quỹ Thiện Tâm lại càng hoạt động tích cực.
Tương tự, Quỹ từ thiện Mái Ấm Thế Giới Di Động ra đời năm 2019 cũng là quỹ phi lợi nhuận, do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch Điều hành. “Tôi tin khi vũ trụ đặt may mắn, tiền tài... vào một người nào thì cũng đã kỳ vọng họ sẽ dùng tất cả những điều đó để mang đến thế giới này những giá trị tốt đẹp, lớn lao hơn. Thời gian tới, nỗ lực của tôi dành cho mục tiêu này”, ông Tài tâm niệm như vậy khi thành lập Quỹ từ thiện Mái Ấm Thế Giới Di Động.
Quỹ là một trong số ít quỹ thiện nguyện của doanh nghiệp công khai và cập nhật liên tục toàn bộ thông tin thu chi trên website. Mỗi năm, Quỹ sẽ được kiểm toán bởi một trong các công ty kiểm toán lớn quốc tế: E&Y, Deloitte, KPMG hoặc PwC. Theo báo cáo kiểm toán độc lập năm 2020, quỹ từ thiện này đã chi ra gần 15 tỉ đồng. Trong đó, phần lớn là chi học bổng và cho mượn sinh hoạt phí với hơn 10 tỉ đồng. Ngoài ra, Quỹ còn triển khai xây nhà tình thương và chi cho phòng chống dịch COVID-19.
Năm 2021, Quỹ tiếp tục nhận được đóng góp bằng tiền mặt và cổ phiếu MWG từ các công ty riêng của lãnh đạo Công ty là Công ty Thế Giới Bán Lẻ, Tri Tâm, Trần Huy, Sơn Ban, với giá trị tính ra gần 100 tỉ đồng. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức khác cũng đóng góp tiền mặt cho Quỹ.
Một quỹ khác cũng theo hình thức góp cổ phiếu là Quỹ từ thiện Hòa Bình của Công ty Xây dựng Hòa Bình. Năm 2017, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Bình, đã lập ra quỹ này và góp 2 triệu cổ phiếu HBC, tương đương 126 tỉ đồng theo giá cổ phiếu bấy giờ.
Hay một quỹ từ thiện bài bản khác là VinaCapital Foundation (VCF). Đây là tổ chức phi lợi nhuận ra đời năm 2006 tại Mỹ và hoạt động tại Việt Nam, do ông Don Lam làm Chủ tịch, với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế, trao quyền cho trẻ em và phụ nữ thông qua các chương trình y tế - giáo dục.
Theo báo cáo đã kiểm toán năm 2020, VCF nhận được số tiền quyên góp hơn 2 triệu USD và hầu như số tiền này đã được giải ngân cho từ thiện. VCF nổi bật với các chương trình như “Vì Nhịp thở Việt Nam” để hỗ trợ máy thở và các thiết bị chống dịch cho đội ngũ y tế tuyến đầu, chiến dịch “Siêu thị Mini 0 đồng”, “Nhịp tim Việt Nam”...
Mô hình quỹ thiện nguyện của VinaCapital, Thế Giới Di Động, Vingroup... ngày càng tiến gần với cách làm thiện nguyện của các ông chủ trên thế giới. Quy mô và tầm hoạt động của họ ngày càng có tác động tích cực tới cộng đồng.
Theo khảo sát của WealthX, 56% tỉ phú trên thế giới coi việc từ thiện là ưu tiên hàng đầu. Đây là cách các tỉ phú chia sẻ với cộng đồng và gia tăng danh tiếng, quyền lực. Góp tiền thông qua các quỹ từ thiện cũng giúp các nhà hảo tâm yên tâm và dễ phát hiện ra sai sót nếu có. Tiến đến mô hình quỹ từ thiện chuyên nghiệp là cách mà nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam mong muốn khi gia tăng hiệu quả cho hoạt động trách nhiệm xã hội.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), hoạt động từ thiện đang chuyển mình từ tự phát sang nhu cầu tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả, minh bạch, có trách nhiệm giải trình... Doanh nghiệp không chỉ tham gia từ thiện như một trách nhiệm xã hội, có thể là một việc phụ thêm đóng góp cộng đồng, mà cần nhìn nhận lại đó là chiến lược để phát triển.
Đánh giá chung cho thấy, hiện vẫn chưa nhiều quỹ thiện nguyện của doanh nghiệp tổ chức như công ty đại chúng, nghĩa là có hội đồng quản trị đủ lớn để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các thành viên hội đồng được ra quyết định độc lập trước những vấn đề có tính chiến lược. Ngoài ra, các quỹ thiện nguyện rất cần được giám sát bởi những người khác ngoài CEO, nhóm sáng lập hay thành viên gia đình.
Tính minh bạch ở các quỹ thiện nguyện vẫn luôn là câu chuyện khiến người khác bận tâm. Giải pháp đặt ra là những tổ chức từ thiện cần nộp báo cáo hoạt động hằng năm. Báo cáo của các tổ chức thiện nguyện phải tương tự như các công ty đại chúng, không những chỉ liệt kê từng khoản chi mà còn cần giải trình lý do cùng kết quả đạt được (thành công hay không thành công), bên cạnh những rủi ro có thể xảy đến.