Ảnh: KA.
Quý tử của các tỉ phú Việt Nam giàu cỡ nào?
Ông bà ta vẫn thường có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”. Đối với nhiều doanh nghiệp, con cái và những người có liên quan đến nội bộ công ty, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng Quản trị thì đều sở hữu một lượng cổ phiếu nội bộ nhất định. Như vậy, với số lượng cổ phiếu được thừa hưởng, con trai của các tỉ phú giàu Việt Nam đang sở hữu khối tài sản khủng thế nào trên thị trường chứng khoán Việt Nam?
Người đầu tiên phải kể đến đó là con trai của ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB).
Theo số liệu được thể hiện trên Báo cáo quản trị năm 2019 của Techcombank, ông Hồ Hùng Anh đang sở hữu hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương ứng với tỉ lệ 1,12% vốn cổ phần tại đây. Cùng với một lượng lớn cổ phiếu của Tập đoàn Masan (HOSE: MSN), ông Hùng Anh đang là 1 trong 5 tỉ phú Việt Nam góp mặt trên bảng xếp hạng các tỉ phú giàu nhất thế giới được Forbes cập nhật liên tục.
Con trai ông Hùng Anh là ông Hồ Anh Minh, đang sở hữu gần 138 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỉ lệ sở hữu hơn 3,94%. Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch 27.7, ông Anh Minh đang sở hữu khối tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam trị giá hơn 2.504 tỉ đồng.
So với những chiến binh kỳ cựu thì TCB được xem là tân binh của thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2018, Techcombank chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và chính thức được giao dịch trên HOSE với mã chứng khoán TCB.
Vào thời điểm lên sàn, TCB được giao dịch quanh mức giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường nên thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu TCB chỉ ở quanh mức 18-19.000 đồng/cổ phiếu.
Con trai của Chủ tịch “vua thép” Trần Đình Long với khối tài sản ngàn tỉ
Theo số liệu trên Báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG), ông Trần Vũ Minh, con trai ông Trần Đình Long đang sở hữu 40 triệu cổ phiếu HPG, tương đương với tỉ lệ sở hữu 1,45%.
Tính theo giá đóng cửa phiên giao dịch 27.7, ông Minh đang sở hữu khối tài sản trên sàn chứng khoán Việt Nam trị giá 1.038 tỉ đồng. Theo thông tin được công bố về những giao dịch nội bộ của cổ phiếu HPG, ông Minh bắt đầu mua vào cổ phiếu của “nhà mình” từ hồi tháng 3.2020, được chia làm 2 đợt, mỗi đợt mua vào 20 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, theo tài liệu được công bố thì công ty mà ông Minh đang là Giám đốc là Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Đại Phong cũng đang sở hữu 1,3 triệu cổ phiếu HPG.
Diễn biến của cổ phiếu HPG kể từ khi lên sàn hồi tháng 11.2007. Có thể nói HPG là một cổ phiếu tăng trưởng. Ảnh: KA. |
Trong năm 2020, lần đầu tiên ông Minh đăng ký mua cổ phiếu HPG là thời điểm giữa tháng 3.2020, khi ấy thị trường chứng khoán dường như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19. Thị trường chứng khoán chứng kiến đợt sụt giảm mạnh nhất lịch sử, và có lúc chỉ số VN-Index chỉ xuống còn 649 điểm, cổ phiếu HPG khi đó cũng xuống tới 15.250 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát đi những tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị trường bắt đầu bước vào nhịp hồi phục mạnh mẽ, và dường như “mua là thắng” trong 2 tháng 4,5.
Đến nay, giá cổ phiếu HPG đã hồi phục đáng kể từ vùng đáy. Kết thúc phiên giao dịch 28.7, HPG đóng cửa ở mức giá 27.350 đồng/cổ phiếu.
Con trai của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) cũng sở hữu khối tài sản đáng mơ ước.
Ông Đỗ Minh Đức, con trai ông Phú đang sở hữu gần 10,7 triệu cổ phiếu TPB, tương đương với tỉ lệ sở hữu 1,25%. Như vậy, tính theo giá đóng cửa phiên 27.7 của cổ phiếu TPB, ông Đức đang sở hữu khối tài sản trị giá 208 tỉ đồng.
Diễn biến của cổ phiếu TPB dường như đồng thuận với thị trường chung. Ảnh: KA. |
Tương tự như Techcombank, trong chặng đường 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam thì TPBank cũng được xem là tân binh.
TPBank chính thức được niêm yết và giao dịch trên HOSE vào hồi tháng 4.2018. Trải qua những thăng trầm của thị trường chứng khoán, mức giá hiện tại của TPB có phần giảm so với mức giá chào sàn của cổ phiếu này. Cụ thể, cuối phiên ngày 28.7, giá cổ phiếu TPB đóng cửa ở mức 20.850 đồng/cổ phiếu, trong khi mức giá chào sàn của cổ phiếu ở mức 27.000 đồng/cổ phiếu.
* Có thể bạn quan tâm
►Các tỉ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc đã “chốt lời” khi thị trường ở đỉnh cao