Ảnh: TL.
Quy định “đã uống rượu bia, không lái xe” giúp giảm thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm
Theo thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia thì 10 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người.
Cũng theo số liệu thống kê, các vụ tai nạn giao thông gây ra do rượu bia chiếm khoảng 70-90% số vụ, trong đó, tỷ lệ nam giới gây ra là 80-90%. Thời điểm xảy ra tai nạn liên quan đến uống rượu, bia thường vào buổi tối (18-24 giờ) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Số liệu từ VOV Giao thông chỉ ra rằng mỗi ngày tai nạn giao thông gây thiệt hại từ 350 đến 500 tỷ đồng cho nước ta.
Còn trên phạm vi thế giới, cứ mỗi 20 giây thì có một người tử vong vì tai nạn giao thông, làm thiệt hại 2% tổng GDP (khoảng 1500 tỷ USD). Nếu so sánh với các cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra lớn hơn rất nhiều.
Có thể thấy, bên cạnh tác hại về sức khỏe thì rượu bia còn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, gây nên thiệt hại về người và tài sản, để lại những hậu quả vô cùng nặng nề. Theo số liệu ước tính sơ bộ, nếu không sử dụng rượu bia, tỷ lệ tai nạn giao thông giảm xuống, bình quân mỗi ngày Việt Nam sẽ giảm thiểu tổn thất hàng trăm triệu đồng, hàng năm có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê của Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), sản lượng bia ở Việt Nam đạt 4,6 tỷ lít, tăng 10% trong năm 2019. Con số này tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2 năm qua (5%-6%) do xu hướng người trẻ tuổi ở Việt Nam ra ngoài uống bia nhiều hơn để tìm kiếm trải nghiệm mới và để giao lưu. Những đối tượng trẻ tuổi này đa phần nằm trong độ tuổi lao động, chưa kể đến tổn thất của toàn nền kinh tế, những tổn thất của mỗi gia đình khi mất đi một lao động chính vì tai nạn giao thông cũng là một con số khổng lồ.
Từ những ngày đầu năm 2020 khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe máy, ôtô, thậm chí là xe đạp cũng bị xử phạt.
So với quy định cũ, Nghị định mới này quy định mức phạt tiền khá cao, phạt tiền tới 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy có sử dụng rượu, bia; phạt tiền tới 40 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn trong máu.
Và một kết quả tích cực khi số lượng tai nạn giao thông giảm mạnh trong hơn 1 tuần thực hiện theo quy định của Nghị định mới. Cụ thể, theo chia sẻ của Bác sĩ Tôn Thanh Tùng, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Quân Y 175, những ca nhập viện nặng trong tình trạng bất tỉnh, đa chấn thương đã giảm mạnh. Từ đầu tuần đến 08/01/2020, bệnh viện chưa tiếp nhận ca nào nặng như vậy.
Bên cạnh việc giảm thiểu về tai nạn giao thông, quy định “uống rượu bia không lái xe” còn là động lực để nhiều dịch vụ khác được ra đời. Tiêu biểu như nhiều group “bạn uống tôi lái” hay “say gọi xế” đã xuất hiện nhiều hơn.
Như vậy, bên cạnh việc giảm thiểu gánh nặng của nền kinh tế hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, quy định mới của Chính phủ được kì vọng sẽ là động lực cho nhiều hình thức kinh doanh mới, đóng góp thêm cho nền kinh tế cũng như xây dựng một xã hội văn minh và lành mạnh hơn.