Ảnh: autocar.co.uk
Porsche: Nhỏ nhưng có võ
Sức hấp dẫn của Porsche với người mua xe đến từ tiếng gầm gừ, gào thét đầy phong cách của động cơ đốt trong của nó. Đó là lý do vì sao hãng xe này quyết định không phát triển chiếc Taycan, một mẫu xe mới hoàn toàn chạy điện, tại một địa điểm mới có diện tích rộng rãi, mà chen chúc vào một mảnh đất nhỏ tại trụ sở của Công ty ở Stuttgart (Đức), bị che kín bít bùng tứ phía bởi những ngôi nhà. Oliver Blume, ông chủ của Porsche, giải thích việc phát triển chiếc Taycan kế bên chiếc Porsche 911 như một lời đảm bảo với khách hàng rằng chiếc xe mới sẽ mang một phong cách thể thao có thể so sánh với mẫu xe đã khiến cho Porsche trở nên nổi tiếng.
Làm nên sự thành công của chiếc xe chạy điện Taycan mang ý nghĩa sống còn đối với Porsche cũng như với công ty mẹ của Porsche là Volkswagen, vốn đã tung ra ID.3, chiếc xe đầu tiên của dòng xe điện, tại triển lãm ô tô Frankfurt khai mạc vào ngày 10.9.2019.
Ở một vài phương diện nào đó, Porsche chỉ là một bánh răng nhỏ xíu trong động cơ bề thế của Volkswagen. Porsche đã sản xuất 253.000 chiếc xe vào năm 2018, trong tổng số 10,9 triệu chiếc tại Volkswagen. Và Porsche sẽ bán ra 20.000 chiếc Taycan mỗi năm, so với hàng triệu chiếc ID. Dù lượng bán ra không đáng kể so với tổng số xe tại Volkswagen, nhưng Porsche lại mang về khoản lợi nhuận quá lớn cho Volkswagen đến nỗi một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đề nghị chỉ có chia tách Porsche mới có thể nhận ra được giá trị thực sự của nhãn xe này.
Thực vậy, Porsche có thể ví như động cơ tăng áp của Volkswagen. Năm 2018, Porsche chiếm tới 10% doanh thu Tập đoàn và chiếm đến 30% lợi nhuận, xấp xỉ con số mà Audi, nhãn xe hạng sang của Volkswagen, kiếm được từ 1,5 triệu chiếc xe. Trong một ngành mà biên lợi nhuận hoạt động thường chỉ ở mức 1 con số, thì tại Porsche, con số này vượt 18% với mức lợi nhuận trung bình mỗi chiếc xe lên tới 16.250 euro (17.900USD) so với 3.200 euro của Audi và 960 euro của nhãn hàng đại chúng VW.
Volkswagen đã mua lại Porsche với giá chỉ hơn 8 tỉ USD cách đây 1 thập niên, sau nỗ lực thất bại của Porsche trong việc thâu tóm hãng xe lớn hơn này. Volkswagen từng thuộc sở hữu của Porsche vào năm 2008 khi Porsche mua lại 51% cổ phần. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính đã làm thay đổi tất cả, đẩy Porsche đến bờ vực phá sản. Để cứu lấy mình, Porsche đã phải bán 49,9% cổ phần cho Volkswagen. Đến năm 2012, Volkswagen đã thâu tóm số cổ phần còn lại và đưa Porsche về dưới trướng của mình. Những động thái trên cũng đưa 2 gia tộc Piëch và Porsche, hậu duệ của Ferdinand Porsche, trở thành các cổ đông lớn nhất.
Porsche bắt đầu bùng nổ khi Hãng nhận ra rằng logo với biểu tượng chú ngựa và gạc nai được nhiều người yêu thích của mình có thể giúp gia tăng sức hấp dẫn cho một loạt mẫu xe ít mang tính thể thao hơn. Porsche đã bán ra 55.000 chiếc xe thể thao vào năm 2002 khi Hãng tung ra Cayenne, một chiếc SUV bệ vệ. Chiếc Cayenne này cùng với chiếc SUV nhỏ hơn là Macan hiện chiếm tới 64% sản xuất của Porsche. Theo tính toán của Giáo sư Ferdinand Dudenhöffer, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, những chiếc ô tô chạy điện có thể giúp Porsche tăng gấp đôi lượng xe bán ra trong vòng 5 năm.
Hiện một số cổ đông nhỏ hơn của Volkswagen cho rằng đã đến lúc đưa Porsche trở thành một công ty hoạt động độc lập. Họ chỉ ra những giá trị được “phá củi sổ lồng” nhờ chia tách Ferrari khỏi Fiat Chrysler vào năm 2015. Lấy hãng xe Ý này làm chuẩn, Porsche có thể trị giá tới 150 tỉ euro, theo hãng nghiên cứu Evercore ISI, trong khi tổng vốn hóa thị trường của Volkswagen hiện chỉ bằng phân nửa con số này. Vì thế, Herbert Diess, ông chủ của Volkswagen, đã hứa hẹn sẽ đánh giá lại những bộ phận nào của Tập đoàn thực sự là cốt lõi đối với tương lai của Volkswagen. Việc phát hành cổ phiếu gần đây của Traton, chi nhánh sản xuất xe tải của Volkswagen, là dấu hiệu cho thấy Diess sẵn sàng buông tay đối với một số tài sản.
Nhưng Porsche có thể không phải nằm trong số tài sản mà Diess muốn buông. Đợt phát hành IPO gần đây của Aston Martin là lời khuyến cáo rằng không phải nhãn hàng xa xỉ nào cũng có thể lao nhanh về phía trước. Cổ phiếu của Aston Martin đã giảm khoảng 70% kể từ khi lên sàn vào cuối tháng 10 vừa qua, khi các nhà đầu tư nghi ngờ nhãn hàng Anh này không phải là Ferrari thứ 2.
Mặt khác, mức sinh lời béo bở của Porsche một phần là nhờ việc chia sẻ chi phí phát triển các mẫu xe mới trên khắp Tập đoàn. Chẳng hạn, khung gầm xe của Cayenne giống với chiếc Touareg của Volkswagen và Q7 của Audi. Porsche và Audi cũng có kế hoạch chia sẻ khung gầm xe trong nhiều mẫu xe chạy pin mới. Philippe Houchois thuộc ngân hàng Jefferies cho biết lợi thế kinh tế nhờ quy mô như vậy là yếu tố quá quan trọng không thể bỏ qua. Đây là một trong những lý do khiến Porsche khó lòng chia tách khỏi Tập đoàn.
Một vấn đề khác đang chắn ngang con đường chia tách Porsche là cơ cấu quản trị của Volkswagen. Thông qua việc nắm giữ số cổ phần mang đến 20% quyền biểu quyết, bang Lower Saxony có thể ngăn cản bất kỳ một động thái mang tính chiến lược nào. Tương tự, các công đoàn đầy quyền lực của Volkswagen cũng thế, nhờ vào tư cách là đại diện ban giám sát của Tập đoàn.
Cũng không nhiều người trong Tập đoàn ủng hộ việc chia tách Porsche vì sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của họ đối với cỗ máy hái ra tiền Porsche. Và cũng không rõ liệu các gia tộc Porsche và Piëch có muốn chia tách hãng xe này. Với quá nhiều lý do, ít nhất trong tương lai gần, Volkswagen sẽ không tính đến chuyện chia tách Porsche.
Nguồn The Economist