Các mẫu áo dài của Hà được lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa bản địa. “Với tôi, thời trang phụ thuộc vào không gian văn hóa bản địa mình sinh sống. Ảnh: TL.
“Phù thủy” áo dài
T iếp nối những tà áo được làm từ sợi gai, lanh hay tơ tằm thô, Vũ Việt Hà giới thiệu đến người yêu thời trang những chiếc áo được dệt từ tơ sen và gần đây nhất là tơ chuối. Chất liệu tơ sen hay tơ chuối là không mới nhưng chính cách mày mò xử lý đầy sáng tạo của Hà đã biến khuyết điểm của chất liệu thành ưu điểm. Chẳng hạn, việc kéo sợi từ thân chuối đòi hỏi sự khéo léo, bởi sợi không đều, giòn, mỏng, dễ gãy và khó nối, nhưng Hà cho biết chính điểm yếu này giúp cho vải tơ chuối có bề mặt lạ và hấp dẫn. Chính sự biến tấu đầy sáng tạo đã giúp chiếc Áo Dài thăng hoa dưới bàn tay của Hà và mang về cho anh biệt danh “phù thủy” Áo Dài.
“Phù phép” chất liệu
Dệt vải từ tơ chuối đòi hỏi sự dụng công và kiên trì. Ban đầu, người thợ sơ chế thân cây chuối đã bỏ đi, bóc tách vỏ chuối, làm sạch, phơi khô dưới nắng và nấu sôi. Sau khi kéo được những mét tơ chuối đầu tiên, nghệ nhân bắt đầu nhuộm và dệt bằng khung dệt thủ công với khổ nhỏ. Một chiếc áo dài bằng tơ chuối tốn vải gấp 4 lần so với áo dài thông thường.
Đôi tay khéo léo của người thợ thủ công kết hợp cùng đôi mắt tinh tường và kinh nghiệm nhiều năm xử lý các loại sợi tự nhiên của Vũ Việt Hà đã tạo ra những vuông vải uyển chuyển, độ giòn của tơ chuối đan xen với độ dai, mướt của tơ tằm. Với những chiếc áo bằng lụa tơ tằm, Hà chọn loại tơ thô, còn nguyên chất thải của tằm đem xử lý hòng giữ lại chất mộc của tơ. Nhờ sự kỳ công đó nên trên mỗi chiếc áo còn lưu lại mùi thơm tự nhiên của tơ ươm.
Mỗi tà áo cần ít nhất vài tuần đến vài tháng để hoàn thành, từ khâu se sợi, dệt sợi, phối sợi đến nhuộm, thêu họa tiết hay đính kết. Tất cả đều được làm thủ công và hoàn toàn bằng nguyên vật liệu tự nhiên. Để có được một chiếc áo thành phẩm mỹ miều, trước đó, Hà đã phải tìm đến các bản làng thiểu số tận Cao Bằng hay những làng nghề dệt truyền thống lâu đời. Anh cũng rất “gian nan” mới thuyết phục được các nghệ nhân lâu năm tại đây dệt theo kiểu mới. Và để có được một thước vải như ý muốn, rất nhiều đoạn vải lỗi đã được bỏ đi, dệt lại rồi bỏ đi và tiếp tục dệt.
“Một thiết kế thành công, 90% nhờ vào chất liệu”, Hà khẳng định. Chính vì luôn tự đặt yêu cầu làm mới mình trong mỗi lần xuất hiện, Hà nói theo đuổi cái mới mà vẫn phù hợp với phong cách cá nhân là một loại áp lực. “Nếu không tạo ra được điều gì mới mẻ nữa, tức là mình đang đi lùi”. Song cũng chính cái áp lực kiêu hãnh đó đã tạo cho Hà động lực mỗi ngày. “Tôi nghĩ mình đang ở độ chín với nghề”, Hà nói.
Điều thú vị là ở tuổi 18, Hà từng dự kiến theo học hội họa. Do thiếu chỉ tiêu, hồ sơ của Hà được chuyển đến khoa thiết kế. Ngành này khi đó được nhà thiết kế tài danh của nước Nhật - ông Kansai Yamamoto - tài trợ. Hà nói, đó là một cơ duyên, một sự sắp đặt tình cờ của việc nghề chọn người. 10 năm sau, Hà được gặp lại ông Yamamoto ở Nhật trong chương trình của đài NHK. Biết được các khóa trước và sau Hà không còn ai theo nghề, ông Yamamoto đã không giấu được nỗi ngạc nhiên khi biết Hà vẫn chọn theo thời trang, chuyên nghiệp và bài bản.
Gói truyền thống vào hiện đại
Nói về cách tân áo dài, đã có biết bao thử nghiệm, từ dáng áo, thân áo, cầu vai, cổ áo cho đến chiếc quần mặc kèm. Thôi thúc cách tân đôi khi khiến nhiều nhà thiết kế sa đà và đánh mất hồn của chiếc áo dài cũng như phong cách của họ. Hà chọn cách tân áo dài từ chất liệu, còn phom áo vẫn giữ dáng suông, rộng mang hơi hướng thập niên 1930 - thiết kế đặc trưng của Hà từ thuở mới vào nghề đến nay.
Cửa hàng duy nhất của Hà đặt tại Hà Nội, cộng với thợ thầy khoảng chục người. 80% thiết kế trong cửa hàng là áo dài, 20% còn lại là các trang phục khác, song tất cả đều được làm hoàn toàn từ nguyên vật liệu thủ công. Một chiếc áo dài tơ tằm thông thường có giá khoảng 8 triệu đồng, những chiếc kỳ công từ dệt, sợi, thêu, đính kết có thể lên đến 50 triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Hà nói, anh may mắn khi nhận được sự đồng cảm của khách hàng, thể hiện qua sự trân quý của họ đối với tài hoa của người thợ thủ công, sự lao động miệt mài của nhà thiết kế. Nhiều khách hàng mua áo chỉ mặc đôi lần rồi mang áo ra trưng bày tại nhà, ngắm nghía như một tác phẩm nghệ thuật.
Mặc dù vậy, thuở mới bước chân vào nghề, Hà chưa từng có ý niệm rõ rệt, sẽ tập trung cho áo dài hay các dòng trang phục khác. Chính nhờ sự gắn bó với các chương trình thời trang giao lưu trong và ngoài nước, lễ hội áo dài, các cuộc thi thiết kế, sự ảnh hưởng từ người thầy - nhà thiết kế Minh Hạnh, Hà gắn bó với áo dài lúc nào không hay. “Cô Hạnh luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào đưa các yếu tố văn hóa truyền thống vào thời trang. Tôi học được ở cô tinh thần của một người không ngại cái mới và luôn khát khao được làm gì đó thiết thực, lâu dài với thời trang, với các làng nghề”, Hà nói.
Học từ thầy, học từ những chuyến đi, đặc biệt là các chuyến đi Nhật, chứng kiến cách người Nhật nâng niu các giá trị truyền thống trên trang phục, với tinh thần giữ lại những gì phù hợp với phong cách cá nhân nhất, Hà đã liên tục ghi dấu ấn trong suốt 18 năm theo con đường thời trang chuyên nghiệp với nhiều bộ sưu tập như Ký Gửi Người Mông Vào Tương Lai, Ngày Trở Về, Chuyện Tình Cao Nguyên Đá, Mộng Xưa, Thiên Di, Về Quê...
Các mẫu áo dài của Hà được lồng ghép nhiều yếu tố văn hóa bản địa. “Với tôi, thời trang phụ thuộc vào không gian văn hóa bản địa mình sinh sống. Do đó, những đổi mới, cách tân cũng phải dựa trên cái nền sẵn có. Chẳng hạn, bên cạnh các thiết kế đậm văn hóa các vùng miền của Việt Nam thì những bộ sưu tập được giới thiệu ở các nước, tôi cũng tìm hiểu và lồng ghép những yếu tố văn hóa của quốc gia đó lên Áo Dài. Điều duy nhất tôi tâm niệm phải theo là văn hóa truyền thống của người Việt trong trang phục. Đó là sự thanh lịch, kín đáo, đôi khi liên quan đến phong tục, tập quán. Yếu tố này trở thành chìa khóa cho các bộ sưu tập của tôi. Nó giúp tôi biết mình ở đâu, đang làm gì và cần làm gì”, Hà chia sẻ.