Phóng viên từng phỏng vấn Dương Văn Minh vào những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam
Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi diễn ra ở cổng sau biệt thự của tướng Dương Văn Minh vào cuối tháng 4/1975. Khi đó, ông Minh chỉ nói "vẫn đang chờ, để chờ xem".
Chia sẻ với VnExpress, ông Robinson cho biết lúc đó các tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Nguyễn Văn Thiệu và Trần Văn Hương lần lượt từ chức sau khi quân Mỹ rút đi, Dương Văn Minh đứng trước khả năng nắm giữ vị trí quan trọng đó nhưng "ông ta tỏ ra lưỡng lự". Ông Minh nhậm chức tổng thống nhưng chỉ duy trì được 3 ngày, từ 28/4 rồi sau đó đọc lời tuyên bố đầu hàng trước quân Giải phóng trưa ngày 30/4/1975.
"Cách trả lời của Dương Văn Minh cho thấy ông ta khá do dự trước quyết định gánh vác vị trí tổng thống", Robinson nhận định.
Tuổi 20 đầy hoài bão ở đồng bằng sông Cửu Long
Carl Robinson đến Gò Công, Tiền Giang, đầu năm 1964, sau khi vừa học xong ở Hong Kong, Trung Quốc. "Tôi đến làm việc cho Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ USAID với chương trình họ gọi là "chiếm lĩnh trái tim và tâm trí". Ở tuổi 21, tôi tràn đầy lý tưởng", Robinson nói.
Công việc chính của ông khi đó là cùng đồng nghiệp tới các ngôi làng ở Gò Công, thậm chí tới cả Kiến Hòa, Bến Tre để giúp người dân xây cầu, xây trường học, trạm xá, các dự án điện và cải thiện đời sống kinh tế. Với suy nghĩ khá "ngây thơ" là tới giúp người dân, Robinson không hề lo sợ bất trắc hoặc ai đó sẽ làm hại mình.
Tuy nhiên thời gian đó không kéo dài lâu. Ông dần dần nhận ra chính quyền Việt Nam Cộng hòa không quan tâm đến người dân thực sự, họ không nhiệt huyết như ông tưởng, "họ chỉ tìm cách bớt xén tiền của USAID để tư túi". Điều thứ hai khiến Robinson thất vọng là sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, đưa quân đội tới và dùng chất độc da cam.
"Tôi quyết định rời USAID sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, hành động đó có thể coi là sự phản đối của tôi với cách Mỹ can dự trong cuộc chiến, họ hành động không đúng", Robinson kể.
Mặc dù mang sự thất vọng lớn, nhưng bù lại, Robinson lại có cơ duyên gặp một cô gái Tiền Giang tên Kim Dung, người sau này theo ông lên Sài Gòn và họ tổ chức đám cưới năm 1969.
Thời gian đó cũng đánh dấu bước ngoặt khác của cuộc đời ông, khi trở thành phóng viên của AP. Mặc dù từng đưa tin ở chiến trường Lào và Campuchia và không ít lần đối diện hiểm nguy, Robinson không đưa tin chiến trận ở Việt Nam mà chú trọng hơn đến những bài nhìn nhận cuộc chiến từ góc độ chính trị. "Quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga, và Việt Nam không hề đơn giản. Đối ngoại không phải là trò dễ chơi", ông nhận định.
Robinson năm 1970 còn góp phần gây nên sự rúng động tại Washington khi đăng tải bài phỏng vấn Don Luce, nhà báo Mỹ trực tiếp đến Côn Đảo chứng kiến sự tồn tại của chuồng cọp, nơi giam giữ các tù nhân chính trị và sử dụng các hình thức tra tấn từ thời trung cổ. "Ban đầu tôi không để ý đến độ nghiêm trọng vì tài liệu rất nhiều và phức tạp. Nhưng sau này tôi rất mừng vì góp phần thuyết phục Mỹ ngừng sử dụng hình thức tra tấn đó", Robinson nói.
Ông Robinson cùng vợ và ba con hồi năm 1978. Ảnh: NVCC |
Hóa giải bằng những chuyến đi
Nhớ lại thời khắc cuối tháng 4/1975, Robinson cho biết gia đình ông cuối cùng quyết định rời khỏi Sài Gòn. Vợ và hai con ông đến Bangkok, Thái Lan và chờ ông ở đó. Chiều ngày 29/4, Robinson đưa em vợ và cháu lên máy bay của Mỹ ở sân bay Tân Sơn Nhất để bay ra tàu đỗ ngoài khơi.
"Khi đứng trên điểm cao nhất của con tàu trông vào phía bờ, tôi bật khóc vì sau 11 năm ở Việt Nam, cuối cùng tôi lại phải ra đi như thế. Cảm giác như tôi đã mất cả cuộc đời ở đó, tôi không thể trở về nhà nữa", Robinson chia sẻ.
Ông cùng gia đình trở về Mỹ được hai năm thì hãng AP cử ông đến Sydney, Australia, làm phóng viên thường trú. Nhưng chỉ một năm sau, ông rời vị trí này vì không thể tập trung làm việc. Đến năm 1995, Robinson quyết định trở về Sài Gòn sau 20 năm xa cách.
"Lần đầu tiên, tất cả những ký ức cay đắng biến mất, cảm giác trở về nhà thật tuyệt vời", Robinson nói.
Ngay sau đó, ông bắt tay vào tổ chức một công ty du lịch, chuyên đưa các cựu chiến binh Việt Nam và Australia về thăm Việt Nam. Trong đó có những người từng thuộc lực lượng 50.000 lính Australia tham chiến, đóng tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Các cựu chiến binh đi cùng vợ để có thể hiểu được một phần đời của họ ở Việt Nam.
"Tôi muốn giúp những người này có được trải nghiệm giống như mình, chúng tôi có những ký ức tồi tệ có thể gọi là Rối loạn stress sau chấn thương (PTSD). Điều tốt đẹp nhất đến với tôi là trở lại nơi này. Tôi không còn cảm giác cay đắng nữa", Robinson cho hay.
Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sâu hơn, ông nhận ra mình cũng chỉ là "một giọt nhỏ trong tiến trình đó". Giờ đây Việt Nam là một xã hội hiện đại, đang phát triển.
"Em vợ tôi, một Việt kiều, gần đây đi lại giữa Australia và Việt Nam nhiều lần vì cậu ấy đang xúc tiến một dự án về năng lượng mặt trời. Thế hệ những người Việt trẻ ở Australia có nền tảng giáo dục tốt đang trở về Việt Nam". Theo ông Robinson, hầu hết những người Việt rời Sài Gòn sau năm 1975 mà ông biết đều trở về quê hương, "họ làm điều đó khi nghĩ về con cháu mình", ông nói.
Tự nhận mình là một người "rất Việt Nam", Robinson cho hay hiện nay gia đình ông ở Australia vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống của người Việt. Vợ chồng ông ở cùng con và cháu. "Vợ tôi nấu nướng còn tôi trông ba đứa cháu", ông hào hứng khoe. Ông cũng hỗ trợ các cháu nhà vợ còn ở Gò Công, Tiền Giang mở cửa hàng kinh doanh nhỏ, chẳng hạn như một beauty salon. Những người này mỗi khi gặp đều gọi ông là "ông Năm, hoặc bác Năm", theo cách gọi của người miền Tây.
"Nhiều người Mỹ và người Việt giờ đây không nặng nề về quá khứ nữa. Chúng ta không thể cứ sống mãi với những kỷ niệm cay đắng, chẳng có lý gì để mắc kẹt mãi trong đó cả", Robinson nói.
Robinson đang tham gia chuyến thăm TP HCM nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam 30/4. Ảnh: Việt Anh |
Nguồn Vnexpress