2sao.vn

 
Hoàng Linh Lan Thứ Sáu | 22/09/2017 08:00

Phim Việt khát kịch bản

Một kịch bản hay chưa chắc đã ra được một bộ phim hay. Nhưng một kịch bản dở chắc chắn sẽ có bộ phim thảm họa.

Điện ảnh Việt đang trên đà tăng trưởng nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng ngay từ khâu quan trọng nhất là kịch bản.

Tăng trưởng nóng, thiếu kịch bản

Một kịch bản hay chưa chắc đã ra được một bộ phim hay. Nhưng một kịch bản dở chắc chắn sẽ có bộ phim thảm họa. Đa phần phim Việt tại rạp hiện nay, người xem có thể khen nhiều thứ, từ kỹ xảo, tay nghề đạo diễn, quay phim, dựng phim cho đến diễn xuất của diễn viên... còn lượng kịch bản được coi là chắc tay, lành nghề gần như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo ông Đỗ Duy Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, trung bình một năm có khoảng 35 phim Việt Nam ra rạp. Tuy nhiên, chất lượng nội dung phim vẫn chưa đạt như mong muốn vì thiếu kịch bản hay và đây có thể là nguyên nhân khiến phim Việt mới chỉ chiếm 25% thị trường phim ảnh.

Theo anh Nguyễn Phong Việt, cây bút gắn bó nhiều năm với điện ảnh, hiện tại có 2 lực lượng biên kịch chính. Một là những tay ngang chuyên về viết lách, muốn kiếm thêm thu nhập. Hai là những người được đào tạo qua trường lớp hoặc có kinh nghiệm và đa phần là các biên kịch truyền hình trước đây. Nếu như các tay ngang gặp khó khăn trong việc triển khai và phát triển ý tưởng, thì các biên kịch truyền hình khó thoát khỏi cái bẫy ngọt ngào trong môi trường quen thuộc.

Chưa kể, trong số những biên kịch chắc tay, đa phần đều đã bước qua tuổi 40-50, có cái tôi nhất định, trong khi lứa đạo diễn, nhà sản xuất hiện nay đa phần đều thuộc độ tuổi từ đầu những năm 1980 trở về sau. Sự không tương thích trong quan điểm, cách nhìn thị trường, thị hiếu khán giả khiến hai thành phần này khó tìm được tiếng nói chung. “Kinh nghiệm của họ là một điều đáng quý nhưng sự chậm thích nghi với nhu cầu của khán giả - vốn là yếu tố sống còn của một dự án điện ảnh thị trường, cũng như cái tôi quá lớn của họ khiến mình thấy ngại khi làm việc”, một nhà sản xuất chia sẻ.

Trước câu hỏi, phải chăng thù lao nghề biên kịch quá ít khiến các biên kịch không mặn mà, anh Châu Quang Phước, Giám đốc Truyền thông của BHD Film, cho biết: “Với kịch bản phim chiếu rạp, có những trường hợp đặc biệt thù lao có thể mua được nhà. Ở mức phổ thông hơn, thù lao vào tầm một năm lương của người có thu nhập trung bình khá ở các công ty tư nhân lớn. Nói như vậy để thấy đây là một nghề tự do có thể sống được”.

Phim Viet khat kich ban

Một kịch bản điện ảnh hiện nay có giá dao động từ 150-300 triệu đồng, tùy chất lượng và thỏa thuận giữa người bán và người mua, tất nhiên yêu cầu cũng cao hơn. Cũng có trường hợp, nhà sản xuất chỉ mua ý tưởng với khoảng tầm 70-80 triệu đồng để phát triển thành một kịch bản hoàn toàn khác. “Chính điều này khiến các biên kịch truyền hình ngại khi chuyển sang điện ảnh và đa phần, họ chọn hướng dễ đi hơn”, anh Phong Việt chia sẻ.

Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam đạt 35-40%. Tổng doanh thu từ các phòng vé năm đưa Việt Nam chính thức trở thành “thị trường trăm triệu USD” vào năm 2015 khi tổng doanh thu phòng vé đạt 130 triệu USD. Tăng trưởng cùng số lượng cụm rạp, phòng chiếu trên khắp cả nước, thị trường điện ảnh Việt trở thành miếng bánh béo bở thu hút các nhà đầu tư nhảy vào. Những năm gần đây, phim Việt có tần suất ra rạp tăng, gần như tháng nào cũng có phim ra rạp. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh trong bối cảnh những yếu tố nội tại không thể đáp ứng được, nhất là kịch bản, khiến cho nhiều bộ phim dù ra mắt rầm rộ nhưng nhanh chóng bị xếp xó.

Xoay xở bằng remake

Để giải quyết bài toán kịch bản, thay vì ngồi chờ, nhà đầu tư chọn cách mua kịch bản nước ngoài để làm phim remake (dàn dựng lại theo phim gốc). Giá cả tùy thuộc vào mối quan hệ của nhà sản xuất  trong nước với ê-kíp nước ngoài. Với những phim như Miss Granny (tựa remake: Em là bà nội của anh), Spellbound (Yêu đi, đừng sợ!), Sunny (Những tháng năm rực rỡ) do CJ E&M sản xuất, vì cùng hệ thống với công ty mẹ tại Hàn Quốc nên giá kịch bản chỉ mang tính tượng trưng. Trong khi những phim như Sắc đẹp ngàn cân (200 Pounds Beauty), Yêu em bất chấp (My Sassy Girl)... số tiền bỏ ra mua lại kịch bản ngót nghét khoảng 400-600 triệu đồng. Việc dàn dựng lại thành hay bại là một câu chuyện khác nhưng rõ ràng, nhà sản xuất chấp nhận một cái giá để yên tâm sáng tạo.

Thậm chí, đầu tháng 7, CJ CGV Việt Nam đã đứng ra tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng” trong lĩnh vực điện ảnh. “Các bạn có rất nhiều ý tưởng hay nhưng không biết làm thế nào để phát triển, do đó cuộc thi này là một cơ hội, để biết thị trường đang cần gì”, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, thành viên của Hội đồng thẩm định, chia sẻ. Gần 4.000 bài dự thi gửi về trong 3 tháng, 6 kịch bản vào chung kết khiến các nhà sản xuất nức lòng nuôi hy vọng giải tỏa được cơn khát kịch bản trong tương lai.  Đại diện Cục Điện ảnh cho biết, nếu có kịch bản tốt trong cuộc thi này, Nhà nước sẽ xem xét đặt hàng làm phim.

Tìm kiếm các nhà biên kịch và phát triển tài năng của họ là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam. Về lâu dài, để nghề biên kịch có tiếng nói, cũng như tăng cơ hội tiếp cận với nhà làm phim, theo anh Châu Quang Phước, cần có: “Hiệp hội chính thức cho người làm nghề của nhiều mảng khác nhau trong việc lĩnh vực phim ảnh, tạo thành điểm đến để quy tụ chính thức chính danh, chẳng hạn như Hiệp hội Biên kịch kiểu Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA/Writers Guild of America), là “trạm trung chuyển” đứng ra phụ trách quyền lợi và trách nhiệm giữa những người biên kịch với các hãng phim.

Điều này, một mặt, giải quyết được nhiều vụ tranh chấp bản quyền giữa biên kịch với đạo diễn hoặc hãng phim, giữa các hãng phim với nhau. Mặt khác, còn là nơi để nhà sản xuất, đạo diễn gặp gỡ, tìm kiếm kịch bản mới thay vì chủ yếu bằng các mối quan hệ quen biết; người viết mới chưa có tên tuổi hoặc thiếu quan hệ cũng được dịp tiếp xúc thay vì chẳng biết kết nối từ đâu, với ai nếu muốn bán kịch bản của họ”.

Hoàng Linh Lan