Lê Phan Thứ Tư | 23/02/2022 14:00

Phim Tết thất thu

Trái ngược với các năm trước, mùa phim Tết 2022 đã trở thành mùa phim vắng vẻ nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong nhiều năm liền, mùa phim Tết trở thành miếng bánh màu mỡ được nhà làm phim đặc biệt chú trọng. Rất nhiều kỷ lục trăm tỉ cũng được xác lập từ phim Tết. Tuy nhiên, bức tranh phim Tết 2022 đã khác: Không có kỷ lục nào được phá vỡ, các suất chiếu thưa thớt, ảm đạm.

Thất bại được báo trước

Tết Nhâm Dần có 7 phim chiếu rạp, gồm 5 phim Việt và 2 phim nước ngoài. Sing 2 (Đấu Trường Âm Nhạc 2) và Encanto (Vùng Đất Thần Kỳ) đều thuộc thể loại hoạt hình và là phim âm nhạc, vốn không thuộc thị hiếu khán giả Việt nên không thể trở thành đối thủ cạnh tranh như phim quốc tế của các mùa Tết trước.

 

Theo thống kê của Box Office Việt Nam, sau 6 ngày công chiếu (từ mùng 1 đến mùng 6 Tết), Chìa Khóa Trăm Tỉ (remake từ phim Nhật Key of Life, do Võ Thanh Hòa đạo diễn) đạt doanh thu gần 43 tỉ đồng, phim 1990 (Nhất Trung) đứng thứ 2 với 20,5 tỉ đồng, phim kinh dị Nhà Không Bán (Hoàng Tuấn Cường) đạt 17 tỉ đồng. Trạng Tí (Phan Gia Nhật Linh) thu về 3,6 tỉ đồng trong khi Mưu Kế Thượng Lưu (Trần Bửu Lộc) chỉ 850 triệu đồng. So với các năm trước, con số này sụt giảm khoảng 80% khi một phim hút khách có thể thu về trung bình 10 tỉ đồng/ngày.

Lý giải sự thất thu này, đại diện các nhà rạp, chuyên gia phân tích phim đều nhận định, mùa phim Tết 2022 bắt đầu khi nhiều cụm rạp tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc và miền Tây chưa được mở cửa vì dịch COVID-19. Điều này dẫn đến công suất chiếu tại các rạp chỉ còn khoảng 50%, chưa kể một số rạp tại miền Trung mở cửa vẫn phải duy trì giãn cách ghế nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Nhìn tổng quan, thị trường phim Tết đã mất đi thị phần khán giả lớn nhất là đối tượng gia đình, phân khúc chiếm số lượng vé bán ra nhiều nhất này đang rất ngại ra rạp vì dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, khiến mùa phim Tết 2022 trở thành mùa phim thảm hại nhất trong 5 năm trở lại đây”, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt chia sẻ.

Tuy nhiên, thất bại của mùa phim Tết 2022 cũng được dự báo trước khi nhìn vào danh sách các phim ra rạp dịp này. “Nội dung phim thiếu hấp dẫn, ít đa dạng là nguyên nhân chính yếu khiến khán giả không hào hứng tới rạp”, ông Nguyễn Tuấn, một cây bút phê bình phim, lý giải. “Sau một thời gian dài, khán giả dần thay đổi thói quen và chưa có tâm lý trở lại rạp. Do đó, để kéo khán giả, đòi hỏi phim phải thực sự hấp dẫn và chất lượng”, ông Tuấn nói thêm.

Nhìn vào 5 phim Việt chiếu Tết 2022, có Trạng Tí, sau nhiều lần chiếu cầm chừng vì dịch, đã phát hành lại. Vốn gây nhiều tranh cãi vì lấn cấn bản quyền nên dù được đầu tư khá nhiều từ kinh phí sản xuất cho đến truyền thông, Trạng Tí hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh. Các phim còn lại mặc dù là phim mới nhưng Nhà Không Bán và Mưu Kế Thượng Lưu lại được sản xuất gấp gáp cho kịp mùa Tết, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của phim.

Cần thời gian dài để điện ảnh phục hồi

Bên cạnh 2 yếu tố vừa nêu, ông Xuân Phúc, chuyên gia quảng bá và tiếp thị phim, nhận định, chiến dịch truyền thông cũng quyết định thành bại và ảnh hưởng nhiều đến doanh thu phim. Ông phân tích, hình thức cinetour (đạo diễn và diễn viên ra rạp giao lưu với khán giả nhằm kích thích lượng vé bán ra) là cách quảng bá hiệu quả nhất khi phim bắt đầu công chiếu.

 

Bằng chứng là Nhà Không Bán với độ phủ giao lưu của nghệ sĩ Việt Hương với khán giả vùng ven đã giúp phim tăng suất chiếu sau 2 ngày đầu công chiếu. Trong khi đó, phim 1990, dù quy tụ dàn diễn viên ngôi sao xinh đẹp như Ninh Dương Lan Ngọc, Diễm My 9X, Nhã Phương với lượng người hâm mộ đông đảo, lại không mặn mà với hình thức này, khiến phim mất dần suất chiếu dù ban đầu được nhà phát hành ưu ái. Mặt khác, nhà phát hành phim 1990 lại vướng lùm xùm thuê “thủy quân” (seeders) vào các nền tảng mạng xã hội khen phim và chê phim khác. Cách làm này đã không còn hiệu quả, vô tình tạo hiệu ứng ngược lại kỳ vọng.

Nhìn toàn cảnh, các chuyên gia nhận định mùa phim Tết vẫn là miếng bánh màu mỡ với nhiều nhà sản xuất vì gia đình vẫn là đối tượng chiếm phân khúc bán vé chủ yếu vào dịp này. Tuy nhiên, cần thêm khoảng thời gian từ 2-3 năm để điện ảnh Việt phục hồi nếu tình hình dịch ổn định. Khoảng thời gian này được đánh giá là cần thiết để nhà sản xuất có thời gian gọi vốn, đầu tư sản xuất các dự án điện ảnh mới thay vì chạy đua ra rạp các dự án “đắp chiếu” suốt 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Một điều chắc chắn, nhà sản xuất sẽ cân nhắc nhiều yếu tố hơn khi bắt tay sản xuất các dự án mới so với thời điểm trước đây để kéo khán giả ra rạp, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ các nền tảng giải trí số ngày càng đa dạng, hấp dẫn và chất lượng. Bức tranh điện ảnh Việt do đó sẽ có nhiều khởi sắc hơn.