Phát triển bền vững nhìn từ chuyện đầu tư giáo dục
Không chỉ là một xu hướng hiện được hưởng ứng tích cực trong nhiều ngành kinh tế, phát triển bền vững còn là nội dung đào tạo ngày càng được quan tâm tại nhiều quốc gia phát triển, điển hình có New Zealand.
Trong quá khứ, việc theo đuổi chiến lược và công bố thông tin phát triển bền vững có thể là lựa chọn không bắt buộc đối với các đơn vị kinh doanh, nhưng ngày nay, nó đã trở thành một lăng kính để các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý đánh giá doanh nghiệp. Chiến lược phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tiệm cận hơn với hệ sinh thái “con người, môi trường và xã hội”, từ đó dễ dàng tạo ra các giá trị gắn kết với người tiêu dùng, tối ưu hóa các chi phí, giảm thiểu công đoạn trong vận hành, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm về lâu dài hay thậm chí xa hơn là chung tay khắc phục các vấn đề của xã hội như ô nhiễm và an sinh xã hội.
Xu thế tất yếu ở đa lĩnh vực
Trong số các nhóm ngành thì năng lượng là một trong số các lĩnh vực được đánh giá có sự tiếp nhận tư duy bền vững toàn diện và sớm nhất. Theo chia sẻ của ông Quản Duy Minh - Quản lý Dự án tại tập đoàn Mainstream Renewable Power, cũng như nhiều doanh nghiệp năng lượng “bền vững” khác, Mainstream Renewable Power có quan điểm “không làm dự án bằng mọi giá” hay “bền vững không chỉ có hành động mà là tư duy".
Hội thảo bàn về Kinh doanh Bền vững do Cơ quan Giáo dục New Zealand tổ chức vào ngày 16/11 vừa qua. |
“Tại một địa phương có 10 dự án đặt ra thì công ty chỉ nhận làm một vài dự án mà thôi - những dự án hội đủ những tiêu chí kiểm định trước khi thực hiện. Lấy ví dụ như các dự án điện gió, để được tiến hành phải đảm bảo những tiêu chí như tốc độ quay cánh quạt có ảnh hưởng sinh vật xung quanh không (dơi, chim) hoặc độ ồn từ nhà máy sản sinh có ảnh hưởng cư dân không.
Đó là về an sinh, xã hội, song cả khi xét ở khía cạnh tài chính, đây cũng là những nhân tố quan trọng. Nhiều dự án cần nguồn vay từ ngân hàng và các ngân hàng nước ngoài thường xét độ tín nhiệm khi nhìn vào báo cáo tác động môi trường.” - đại diện Mainstream Renewable Power cho biết.
Anh Võ Trần Duy - Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA), trường Đại học Auckland hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc, kiêm Giám đốc Khu vực Miền Nam và Miền Trung của Bảo hiểm Liberty, thì cho rằng: “Kinh doanh bền vững chính là làm điều đúng đắn, đối xử với nhân viên theo đúng quy định của pháp luật cũng như tạo ra những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng mong đợi của xã hội, suy nghĩ và thông hiểu việc tạo ra những giá trị với chi phí không làm tổn hại đến môi trường và xã hội”.
Các diễn giả tham dự đến từ nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, mang đến cái nhìn đa chiều về kinh doanh bền vững. |
Trách nhiệm của giáo dục “bền vững” nhìn từ câu chuyện New Zealand
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của xu thế phát triển bền vững song thực tế lại cho thấy sự chuẩn bị cho định hướng này vẫn còn nhiều trở ngại, cụ thể là ở lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Nhiều nước trên thế giới vẫn chỉ dừng ở việc nêu vấn đề chứ chưa thực sự xây dựng được tư duy bền vững cụ thể cho sinh viên, khiến quan niệm này vẫn còn xa vời, thiếu thực tế. Trong khi đó, tư duy bền vững đang ngày tiến gần hơn đến việc trở thành tiêu chí đánh giá năng lực quan trọng của nhiều doanh nghiệp hàng đầu, nhất là ở các vị trí cấp cao.
Hiểu được vấn đề này, nhiều nước có nền giáo dục phát triển như New Zealand đã chủ động cập nhật, lồng ghép tư duy phát triển bền vững vào các chương trình đào tạo hoặc lập ra các chuyên ngành riêng.
Bà Karlene Davis - Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam chia sẻ: “Là dân tộc được thừa hưởng tư tưởng “người bảo hộ của thiên nhiên" từ người bản địa Māori, người dân New Zealand tự ý thức rằng phát triển bền vững là con đường duy nhất để con người tồn tại, nhất là trong thời đại kinh tế phát triển nóng như hiện nay.
Do đó từ rất sớm, New Zealand đã có các chính sách bền vững như tiêu dùng xanh, kinh tế tuần hoàn, cắt giảm khí thải… Song, đó vẫn là chưa đủ; chúng tôi mong muốn tạo ra một cộng đồng mang tư duy bền vững lớn hơn để tạo được sự chung tay trên toàn cầu về lĩnh vực môi trường và giáo dục là “mặt trận" mà chúng tôi tìm thấy các khả năng để hiện thực hoá ước mơ đó. Sau nhiều năm thực hiện, chúng tôi tự hào là nơi cho ra đời rất nhiều sinh viên ưu tú hiện đang công tác ở các tập đoàn lớn trên thế giới, họ đều mang cho mình tư duy phát triển xanh và có trách nhiệm với xã hội.”
Bà Karlene Davis - Tổng Lãnh sự kiêm Tham tán Thương mại New Zealand tại Việt Nam chia sẻ về tư duy bền vững của người New Zealand tại Hội thảo. |
Thụ hưởng nền giáo dục New Zealand từ bậc trung học đến thạc sĩ, anh Võ Trần Duy cũng đồng ý với nhận định trên: “Không chỉ trong quá trình học tập, khi sinh sống ở New Zealand, du học sinh quốc tế sẽ cảm nhận rõ nét tư duy, triết lý bền vững thấm nhuần vào suy nghĩ, hoạt động thường ngày của mọi người ở xứ sở Kiwi.”
Còn theo ông Ngô Duy Quang, một trong 30 sinh viên Việt Nam xuất sắc được nhận Học bổng Chính phủ New Zealand vào năm 2017 theo học Thạc sỹ Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Auckland, hiện đang làm việc tại công ty EcoStore với vị trí Quản lý Phát triển thị trường Đông Nam Á, chương trình đào tạo có yếu tố “bền vững" tại New Zealand không chỉ đào tạo về mặt tư duy mà còn là chương trình “nhiều lợi ích trong một.”
“Không dừng ở các bài giảng hoặc thông tin lý thuyết, nhiều trường đại học tại New Zealand còn tạo được môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên rất tốt để củng cố câu chuyện “phát triển bền vững" theo hướng thực tiễn. Theo đó, các hội thảo thường xuyên diễn ra sẽ là nơi các doanh nghiệp đặt ra các vấn đề về phát triển bền vững và chính sinh viên sẽ là người cung cấp các ý tưởng để giải quyết.
Hình thức này vừa giúp doanh nghiệp có những giải pháp mới, vừa mang đến cơ hội nghề nghiệp trực tiếp và sự cọ xát thực tế cho sinh viên trong một không gian trao đổi bình đẳng và gần gũi. Bản thân những buổi hội thảo như thế đã giúp tôi bén duyên với vị trí hiện tại ở một công ty lớn tại New Zealand trong lĩnh vực tiêu dùng xanh.”
New Zealand hiện có nhiều chương trình học đào tạo về bền vững: Thạc sĩ về Hành động Bền vững (Học viện Ara Cantebury), Cử nhân Khoa học về Hệ thống Năng lượng Tái tạo (Đại học Đại học Victoria Wellington), Thạc sĩ Khoa học Ứng dụng trong ngành Quản lý Môi trường (Đại học Otago), Sản xuất các Sản phẩm Nông nghiệp Hữu cơ (Đại học Lincoln)... Đối với các bạn sinh viên Việt Nam, ngành Năng lượng Tái tạo sẽ là một trong năm nhóm ngành được ưu tiên khi xét hồ sơ xin Học bổng Chính phủ New Zealand bậc sau đại học. Thông tin về giáo dục New Zealand, tham khảo tại: https://www.studyinnewzealand.govt.nz |