Phát hiện quần thể Voọc chà vá hơn 500 cá thể tại Kon Tum
Một quần thể Chà vá chân xám với ít nhất 500 cá thể đã được phát hiện trong một khảo sát gần đây do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) thực hiện tại tỉnh Kon Tum của Việt Nam. Chà vá chân xám là loài linh trưởng đẹp nhưng không được nhiều người biết đến.
Phát biểu tại buổi công bố phát hiện này, ông Trịnh Đình Hoàng, Trưởng đoàn khảo sát cho biết: “Chúng tôi thật sự rất vui khi phát hiện ra một trong những quần thể quí hiếm nhất Việt Nam”. Trước khi thực hiện khảo sát này, ước tính có khoảng 800 - 1.000 cá thể còn sót lại và loài này được coi là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới.
Được biết, Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) được xếp loại Cực kỳ nguy cấp trong Danh sách đỏ về các loài bị đe dọa của IUCN và Sách đỏ Việt Nam, đây là mức độ đe dọa cao nhất. Hiện quần thể loài này chỉ còn 1.000 - 1.500 cá thể. Sống khu trú tại các cánh rừng ở miền Trung, Tây Nguyên, mối đe dọa chính đối với loài Chà vá chân xám là nạn phá rừng, săn bắn và phá vỡ sinh cảnh. Đây là loài thường bị bắt để lấy thịt, làm thuốc và làm vật nuôi.
Ông Trịnh Đình Hoàng, Trưởng đoàn khảo sát dự án cho biết Voọc chà vá chân xám là một trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất trên thế giới |
Theo ông Benjamin Rawson, Giám đốc FFI Việt Nam: “Đây thực sự là loài linh trưởng của Việt Nam và không thể tìm thấy ở nơi nào khác. Quần thể mới được phát hiện này mang đến hy vọng cho chúng ta, tuy nhiên sự thật đáng buồn là chúng cũng đang bên bờ vực tuyệt chủng. Tổ chức FFI đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn điều này”.
FFI đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, tập trung chủ yếu vào bảo tồn các loài linh trưởng bản địa của Việt Nam thông qua quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương. Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới và có dự án tại 40 nước.
Phát hiện mới này có được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía các công ty trong nước trong đó có Công ty Galaxy Media, Công ty Cơ Điện Lạnh (REE) và Ngân hàng Á Châu (ACB). Chia sẻ tại buổi công bố, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc REE, cho rằng: “Ngày càng có nhiều công ty quan tâm đến việc hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học độc đáo của Việt Nam. Chúng ta có nghĩa vụ đóng góp vào việc bảo vệ di sản thiên nhiên của chúng ta”.
Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, cho biết: “Phát hiện này là một điều khích lệ rất lớn cho thấy sự đầu tư của chúng ta đang thu được những kết quả rõ ràng. Thông qua quan hệ đối tác chiến lược, các doanh nghiệp có thể có tác động tích cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học”.
Mặc dù đây là một thông tin vui nhưng loài Chà vá chân xám này vẫn đang ở trong trạng thái cực kỳ nguy cấp. “Sẽ cần có sự nỗ lực từ nhiều phía trong đó có chính phủ, cộng đồng địa phương, tổ chức xã hội dân sự, các nhà khoa học, các nhà tài trợ để đảm bảo sự tồn tại lâu dài của loài này. Tuy nhiên đây là một bước đi đúng hướng”, Tiến sỹ Benjamin Rawson khẳng định.
Voọc chà vá được xếp loại Cực kỳ nguy cấp trong Danh sách đỏ về các loài bị đe dọa của IUCN và Sách đỏ Việt Nam, đây là mức độ đe dọa cao nhất |
Chà vá là nhóm linh trưởng gồm 3 loài: Chà vá chân xám, Chà vá chân nâu và Chà vá chân đen. Loài này sống trên cây trong các khu rừng của Việt Nam theo đàn từ 4-30 cá thể. Các loài chà vá đều có đuôi dài bằng chiều dài cơ thể (56-76cm). Riêng loài chà vá chân xám có một khuôn mặt vàng, cằm trắng và lớp lông màu xám bao phủ khắp cơ thể.
Về tập tính lối sống, chà vá chân xám thường chải chuốt lông để loại bỏ ký sinh trùng, đồng thời để tạo ra và củng cố mối liên kết giữa các thành viên trong nhóm. Hoạt động này thường được thực hiện trước khi nghỉ tối. Một đàn thường có một con đực, một số con cái và các con của chúng, tuy nhiên các đàn nhỏ này có thể tập hợp lại với nhau thành đàn lớn hơn lên đến 30 con. Chà vá chân xám là loài chủ yếu ăn lá nhưng cũng ăn các bộ phận khác của cây như hạt, trái cây, và hoa. Chúng có dạ dày chuyên hoá và vi khuẩn cộng sinh nên có thể phá vỡ các cấu trúc của lá.
Việc xác định được quần thể chà vá chân xám mới này chỉ là bước đầu tiên. Hiện FFI đang bắt đầu một giai đoạn mới nhằm bảo tồn những quần thể phụ quan trọng nhất của quần thể mới được tìm thấy này. Cách tiếp cận của FFI là thúc đẩy sự tham gia cộng đồng địa phương và các cơ quan nhà nước để làm giảm các tác động đến động vật linh trưởng và môi trường sống của chúng. Tổ chức này đang đánh giá khả thi của việc phát triển một dự án du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, một dự án mà tất cả số tiền thu được sẽ phục vụ cho cộng đồng địa phương. FFI cũng đang xây dựng dự án phối hợp với cộng đồng địa phương để thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng.
Nhật Duy