Phần lớn người Việt đều phải làm thêm giờ
Theo khảo sát của mạng việc làm JobStreet Việt Nam, 57% người lao động không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Con số này có sự chênh lệch theo cấp bậc của người lao động, số năm kinh nghiệm càng tăng, tỷ lệ người lao động không cần bằng được càng giảm.
Khảo sát trên gần 5.500 người lao động cho thấy, phần lớn người Việt đều phải làm thêm giờ (chiếm 88,6%), nhiều hơn so với một số nước Đông Nam Á khác như Malaysia (86,1%) hay Singapore (87,5%). Có đến hơn 34% người lao động Việt Nam phải làm thêm từ 2-5 giờ mỗi ngày.
Nói về nguyên do phải làm thêm giờ, chỉ 20% người lao động cho biết họ tự nguyện làm để nâng cao trình độ, còn lại là do quá tải (32,7%) hoặc để kiếm thêm thu nhập (26%), trong khi do yêu cầu của cấp trên chiếm 20,5%.
Một con số đáng lưu ý khi gần 65% người lao động chấp nhận làm ngoài giờ chỉ được công ty trả thêm chưa tới 1 triệu đồng/tháng, JobStreet cho biết. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.
Mặc dù có đến gần 50% người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có gần 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu.
Một khảo sát gần đây cũng cho thấy một số lượng lớn người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn. JobStreet cho rằng điều này đặt ra cho doanh nghiệp yêu cầu phải có những chính sách riêng rẽ dành cho từng đối tượng lao động, đảm bảo những phúc lợi khác khi làm việc ngoài giờ, cũng nhu thời gian, địa điểm làm việc linh hoạt.
Nhật Duy