Phá vỡ bức tường trong giao tiếp với con trẻ
Ngày 16.11, tại trường Renaissance International School Saigon đã diễn ra hội thảo về các phương pháp nuôi dạy và hỗ trợ con cái", với sự tham gia của diễn giả cô Lê Thị Minh Tâm, chuyên gia tư vấn tâm lý Đại học RMIT.
Theo chuyên gia tâm lý học Lê Thị Minh Tâm, ở châu Á, các bậc phụ huynh thường có thói quen che giấu cảm xúc, điều này vô tình làm hạn chế khả năng tương tác giữa bố mẹ và trẻ. Ngay khi trong bụng mẹ, đặc biệt là lúc trẻ 3 tuổi đã cảm nhận rõ rệt với các sự thay đổi xung quanh môi trường sống của mình.
Các bé luôn phải thích nghi liên tục với môi trường sống, đặc biệt là các cảm xúc thất thường của cha mẹ và những người xung quanh, điều này đã tạo nên những áp lực cho trẻ dẫn đến trẻ bị căng thẳng, ức chế. Trong khi còn hạn chế trong việc chia sẻ, trẻ chưa giải bày được những khó khăn gặp phải, nên những phản ứng thường gặp của trẻ sẽ là khóc, không nghe lời hoặc làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu.
Cô Lê Thị Minh Tâm cho biết, các bậc phụ huynh ở Việt Nam mặc dù tham khảo rất nhiều phương pháp giáo dục nước ngoài như Mỹ, Nhật, Israel… nhưng lại thiếu kỹ năng quan trọng là kiên nhẫn lắng nghe và thừa nhận cảm xúc của trẻ. Khi con trẻ chia sẻ các vấn đề của mình, các bậc cha mẹ vẫn nhìn vào điện thoại và trả lời một cách qua loa, cho đó là chuyện nhỏ, hoặc phản ứng một cách thái quá với vấn đề đó làm trẻ bị cô lập và xây dựng bức tường ngăn cách.
Anh Trần Đình Anh, có con trai học lớp 7, khi con trai tâm sự mình thích một bạn nữ trong lớp, anh chia sẻ “Lúc đó, tôi hướng con đến các vấn đề khác về trách nhiệm của người đàn ông, gia đình…”. Cách phản ứng của anh Đình Anh sẽ làm cho bé cảm thấy nặng nề “con chỉ nói là con có cảm tình thôi, sao lại phải phức tạp như thế”, cô Minh Tâm chia sẻ.
Cũng trong buổi hội thảo, chuyên gia tâm lý Minh Tâm trình bày phương pháp để giúp các bậc phụ huynh có thể tương tác với con một cách hiệu quả với “giáo dục không nước mắt”, thông qua phương pháp “Công nhận cảm xúc”. Công nhận những cảm xúc của ai đó là điều đầu tiên để chấp nhận cảm xúc của ai đó.
Để công nhận thì cần có sự tìm hiểu và chấp nhận đặc tính độc nhất của một ai đó hay cá nhân họ. Khi chúng ta công nhận cảm xúc của ai đó, chúng ta cho phép họ sự an toàn hoặc không gian an toàn để chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của họ. Chúng ta đang cam đoan với trẻ rằng sẽ ổn nếu như trẻ đang có cảm xúc đó.
Chúng ta khẳng định rằng chúng ta sẽ chấp nhận trẻ sau khi trẻ cảm nhận đã chia sẻ cảm xúc đó. Chúng ta cho trẻ biết rằng chúng ta tôn trọng sự tri giác của trẻ về mọi thứ tại thời điểm đó, giúp trẻ cảm nhận được kiến thức, sự hiểu biết và sự chấp nhận.
Công nhận về cảm xúc là kỹ năng vì thế bố mẹ và người chăm sóc có thể học hỏi và rèn luyện được. Công nhận về cảm xúc sẽ làm mọi người trong tương tác cởi mở và giúp cảm thấy tự do khi giao tiếp, phá bỏ bức tường vô hình, phá vỡ tảng băng và mở ra dòng giao tiếp tự do và thoải mái hơn cho những người trong cuộc.
Chuyên gia khẳng định, sự công nhận cảm xúc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát triển sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, phát triển sự tự tin, tôn trọng, sự sáng tạo và cá tính của trẻ.
Không chỉ để tương tác với con trẻ, bằng cách công nhận cảm xúc của ai đó là chúng ta khẳng định rằng mình quan tâm đến những vấn đề cảm xúc của họ, hay nói cách khác chúng ta tôn trọng điều mà họ chú ý, quan tâm.