Bất kỳ nhà thiết kế nào trong ngành thời trang cũng đều bị cuốn theo những gì thuộc về tương lai. Ảnh: Finacial Times

 
Minh Lan Chủ Nhật | 22/01/2023 13:30

Peter Do: Thời trang và… phở

Công đoạn cho một bộ sưu tập thời trang giống như chuẩn bị để nấu một bát phở ngon, thêm thắt những gia vị thuần khiết.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Vogue sau buổi trình diễn tại Tuần lễ Thời trang New York 2023, Peter Do nói, việc trình diễn lần này mang đến cho anh cảm giác thoải mái như ở nhà. Còn công đoạn chuẩn bị bộ sưu tập được anh ví như “các bước chuẩn bị để nấu món phở cùng cha thời thơ ấu”. Một bát phở ngon cần rất nhiều công đoạn, gia giảm, thêm thắt nhưng thứ gia vị thuần khiết nhất chính là tình thương.

Đây không phải là lần đầu Peter Do xuất hiện và ghi dấu ấn giữa rất nhiều cái tên đình đám tại kinh đô thời trang trong Tuần lễ Thời trang New York, bên cạnh Marc Jacobs, Ralph Lauren, Prabal Gurung hay Thom Browne, Tom Ford... Trên hàng ghế đầu của show diễn (front-row, chỉ dành cho những người có sức ảnh hưởng hoặc các biên tập viên thời trang quyền lực và các VIP), xuất hiện những ngôi sao thần tượng đình đám xứ Hàn như Seulgi (Red Velvet), Jeno, SM Rookies Shohei và Eunseok... Họ thậm chí thấy vinh hạnh khi trở thành người mở màn cho show diễn của Peter Do và tự hào khi khoác lên mình trang phục mang thương hiệu Peter Do tham dự các sự kiện nổi bật hàng đầu tại Mỹ như Met Gala.

4 năm sau khi thành lập thương hiệu, thiết kế của Peter Do được săn đón và có mặt tại các kênh bán lẻ thời trang uy tín. Ảnh: FIT
4 năm sau khi thành lập thương hiệu, thiết kế của Peter Do được săn đón và có mặt tại các kênh bán lẻ thời trang uy tín. Ảnh: FIT

4 năm sau khi thành lập thương hiệu, thiết kế của Peter Do được săn đón và có mặt tại các kênh bán lẻ thời trang uy tín như Dover Street Market, Antonioli, Bergdorf Goodman, Joyce hay các kênh thương mại điện tử chuyên mặt hàng thời trang cao cấp Net-a-Porter, Ssense, Mytheresa. Các tạp chí thời trang cũng dành cho Peter Do sự kỳ vọng và những lời có cánh nhất. Điều gì đã tạo nên sức hút và thành công cho thương hiệu Peter Do như thế?

Thời trang, không chỉ là câu chuyện của tương lai

“Đó là một chàng trai có kiến thức rất lớn về các loại vải và chất lượng may đo tuyệt hảo”, Elizabeth von der Goltz, Giám đốc Quản lý mua bán toàn cầu của Net-a-Porter, chia sẻ. “Chúng tôi chưa từng thấy một nhà thiết kế mới nào có thể đạt đến tầm cỡ như thế trong suốt nhiều năm qua”, bà nói thêm.

 

Bất kỳ nhà thiết kế nào trong ngành thời trang cũng đều bị cuốn theo những gì thuộc về tương lai. Nhiều đến nỗi tưởng như con người chẳng bao giờ sống cho hiện tại. Nhưng Peter thì khác. Anh chọn sống chậm lại và tận hưởng những khoảnh khắc của đời sống. Không chạy theo những gì hào nhoáng, choáng ngộp, Peter chọn mang tinh thần tối giản với gam màu đơn sắc, đồng thời vẫn mang đến trải nghiệm của hiện thực và cảm giác thoái mái cho người mặc qua phom dáng ngoại cỡ như hình ảnh người nội trợ trong bộ trang phục tiện dụng. Chính lựa chọn tỉ mỉ và dày dạn kiến thức, kinh nghiệm đã tạo nên sự khác biệt của thương hiệu Peter Do.

“Tôi cho rằng, đôi khi những điều mới mẻ được tạo ra từ những thứ đang tồn tại. Tôi và các cộng sự đang dựa vào giá trị cốt lõi để có thể làm nổi bật tính linh hoạt cũng như phản ánh thay đổi của thời trang một cách tự nhiên nhất”, anh nói.

Tuổi trẻ thường mang đến những giấc mơ vĩ cuồng, nhưng Peter và các cộng sự, đủ tỉnh táo để thoát khỏi giấc mộng ấy. Họ có chiến lược phát triển thương hiệu cực kỳ thông minh. Thay vì đâm đầu cạnh tranh với các thương hiệu “mạnh về gạo, bạo về tiền”, Peter chọn sản xuất theo lịch thời trang nam Paris, giới thiệu các thiết kế vào tháng 1 và tháng 6 thay vì tháng 2 và tháng 9.

Mặt khác, Peter Do không chỉ là một thương hiệu thời trang, nó còn là một biểu tượng kết nối văn hóa, gắn quá khứ và hiện tại, kết nối người đứng đầu với các thành viên khác trong team như một gia đình. Peter thích phở và nấu phở rất ngon. Đó là “món tủ” anh vẫn thường trổ tài nấu cho các cộng sự đã đồng hành cùng anh gây dựng thương hiệu từ những ngày đầu ở một studio nhỏ xíu trong khu Industry City, Brooklyn, New York.

5 người bọn họ, gồm Peter Do, Vincent Ho, An Nguyen, Lydia Sukato và Jessica Wu biết nhau qua mạng xã hội, yêu thời trang và nhận thấy có thể làm gì đó cùng nhau. Họ cùng nhau làm việc, cùng nhau gắn bó, cùng nhau... tranh luận nảy lửa, thậm chí giải quyết xung đột trên bàn ăn. Điều tự hào nhất chính là họ thân thiết với nhau như một gia đình.

Có lẽ vì họ đều là người gốc Á trưởng thành trên đất Mỹ, đều ý thức rõ sự kỳ thị dành cho bản thân. Và cũng có lẽ họ là những người trẻ của thế hệ mới, một thế hệ thẳng thắn, thành thật nhìn lại bản thân nhưng cũng đủ mạnh mẽ để cùng nhau tạo nên những điều vĩ đại hơn bản thân. Peter tin rằng, những thay đổi lớn của ngành thời trang xuất phát từ chính cách mỗi người đối xử với nhau, rõ ràng, rành mạch thay vì bắt nạt hay bóc lột.

Áo quần lưu giữ kỷ niệm

Rời Việt Nam đến ngoại ô Philadelphia, Mỹ vào năm 14 tuổi, thuở ấu thơ Peter Do gắn liền với hình bóng người bà và mảnh vườn nhỏ. Peter thậm chí còn không có nổi một đôi giày để mang ra hồn. “Tủ quần áo” của Peter có khoảng 10 bộ, được thi nhau vá lại từ năm này sang năm khác. Ký ức này giờ đây trở thành tài sản quý giá để Peter tạo nên những bộ sưu tập.

Hầu hết các thiết kế của Peter đều được lấy cảm hứng từ ký ức của anh về mùi vị, về tà áo dài truyền thống bà ngoại thường mặc đi lễ hay bức ảnh gia đình đã ố màu. Những người phụ nữ ấy trong Peter luôn thanh lịch, độc lập, càng mạnh mẽ, càng dịu dàng. Những người đàn ông yêu thương vợ con thầm lặng, hiếm khi thể hiện thành lời.

“Trang phục của chúng tôi không bao giờ là xu hướng mà là sự thoải mái. Mọi người đều có những ý tưởng thoải mái khác nhau: một số người sẽ đi giày cao gót và một chiếc váy ngắn. Còn tôi thấy thoải mái khi mặc chiếc quần khổng lồ và chiếc áo sơ mi quá khổ. Tôi muốn những người phụ nữ thấy thoải mái và tự tin khi thực hiện công việc của họ, khi họ làm mẹ, hoặc tham gia các hoạt động đấu tranh”, Peter nói.

Như bao đứa trẻ châu Á đến Mỹ, Peter học tiếng Anh qua phim ảnh và những chương trình truyền hình trên chiếc tivi nhỏ xíu. Trong một lần thiết kế thời trang tại trường trung học để gây quỹ thiện nguyện, Peter chợt nhận ra, anh yêu cảm giác được ai đó khoác lên người bộ quần áo của anh, kể cả chiếc váy được tái chế từ... túi rác.

Tốt nghiệp trung học, Peter đến New York theo học tại Học viện FIT (Fashion Institute of Technology) - nơi mang đến cho anh cái nhìn toàn cảnh về ngành thời trang. Bộ sưu tập tốt nghiệp được đánh giá cao và có lẽ cũng là bức ảnh duy nhất người ta có thể nhìn thấy gương mặt Peter rạng rỡ trong vóc dáng gầy gò. Sau này, khi đã thành danh, xuất hiện trên nhiều tạp chí nổi tiếng và thậm chí ở các sàn diễn, Peter luôn ẩn mình sau chiếc mặt nạ/khẩu trang như một định danh của anh và thế hệ của anh - những người trẻ muốn hướng sự chú ý vào thành quả hơn là bản thân họ.

Năm 2014, Peter dành được giải thưởng danh giá LVMH Graduate Prize và về thực tập tại thương hiệu Céline tại Paris dưới triều đại của huyền thoại tối giản Phoebe Philo, người ảnh hưởng sâu sắc đến khuynh hướng thiết kế của anh sau này. Trở lại New York, ban ngày Peter làm việc cho nhà thiết kế Derek Am nhưng vào buổi tối, Peter và các đồng nghiệp không ngừng thảo luận về những quy trình lỗi thời của ngành thời trang, từ phương thức làm việc đến cách đối xử bất công với thực tập sinh tại văn phòng.

Tái cấu trúc, tập trung vào trang phục linh hoạt giới tính, các thiết kế vượt thời gian từ suit, sơ mi, blazer... Ảnh: ImaxTree
Tái cấu trúc, tập trung vào trang phục linh hoạt giới tính, các thiết kế vượt thời gian từ suit, sơ mi, blazer... Ảnh: ImaxTree

Cùng lúc đó, câu hỏi về ngành cũng không ngừng tác động đến Peter. Tại sao những trang phục hằng ngày không thể vừa thanh lịch, vừa sang trọng vừa biểu lộ được quan điểm thẩm mỹ? Tính thiết yếu của quần áo, sự hữu dụng, tiện nghi của nó cần đi kèm với tính bền vững. Các tỉ lệ khắt khe về phom dáng bị phá vỡ, những quan niệm rập khuôn về giới tính cũng thoát khỏi ràng buộc. Thương hiệu Peter Do ra đời vào năm 2018 với những hình ảnh tự chụp trên Instagram và ngay lập tức được chú ý.

Tái cấu trúc, tập trung vào trang phục linh hoạt giới tính, các thiết kế vượt thời gian từ suit, sơ mi, blazer... tính bền vững trở thành yếu tố quan trọng đối với Peter. Các thiết kế được sản xuất theo đơn đặt hàng, một số được sản xuất giới hạn, vải thừa sẽ được tận dùng cho mùa sau. Một bộ sưu tập mới luôn bắt đầu từ bộ sưu tập trước đó. Tất cả được các thành viên đánh giá và tìm kiếm mọi phương thức để phát triển trọn vẹn một ý tưởng. Chọn xây dựng sự nghiệp tại New York thay vì kinh đô thời trang Paris cũng là cách Peter trung thành với tính bền vững bằng cách tận dụng nguyên liệu và lao động địa phương. “Tất cả chúng ta đều quá chán ngán khi liên tục thay quần áo mới. Team của tôi sở hữu những thiết kế đã mặc từ 10-15 năm vì chúng tôi rất yêu thích chúng. Và cho đến nay, chúng vẫn chưa hề phân hủy hay lỗi thời”, Peter chia sẻ.