Ảnh: Quý Hòa
Oxford, Google & bánh mì Việt
Vừa qua, có nhiều sự kiện lớn nhỏ có liên quan món ăn dân dã là bánh mì. Trước hết, kỷ niệm sự kiện 9 năm từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford, “Bánh mì Việt Nam” đã xuất hiện trên trang chủ Google hơn 10 quốc gia. Trước đó, “vua bánh mì” họ Kao cũng ghi điểm với bánh mì thanh long - một ý tưởng để giúp giải cứu nông sản cho bà con nông dân trong mùa dịch COVID-19...
Đề tài bánh mì xuất hiện nhiều qua các bài viết của các blogger du lịch nổi tiếng, nhiều trang báo lớn nước ngoài. CNN từng gọi bánh mì Việt Nam là “loại sandwich ngon nhất thế giới”. Traveller, trang du lịch uy tín của Úc, từng xếp bánh mì Việt vào trong Top 10 món sandwich hấp dẫn nhất hành tinh.
Sự nổi tiếng của bánh mì Việt Nam khiến nhiều người liên tưởng tới “sức mạnh mềm” mà chiếc bánh Pizza mang lại cho nước Ý. Theo Hiệp hội Quốc gia Nghề thủ công và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ý, số lượng bánh Pizza ra lò hằng ngày tại nước này đã đạt con số 8 triệu, tương đương 2 tỉ chiếc bánh mỗi năm.
Khi người ta mơ về một tương lai của bánh mì như chiếc Pizza thì cũng nhận ra rằng ẩm thực Việt Nam từ lâu đã được các chuyên gia ẩm thực cũng như du khách nước ngoài yêu thích và tìm hiểu. Qua đó, Việt Nam nên xây dựng hình ảnh du lịch thông qua chiều sâu và sự phong phú của văn hóa ẩm thực. Điều này càng được khẳng định hơn khi cha đẻ của marketing hiện đại Philip Kotler từng nhận định: “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, Ấn Độ là văn phòng của thế giới thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”.
Nhiều món ăn truyền thống Việt Nam như phở, bún chả, nem… đã được thừa nhận là những món ngon, độc đáo hàng đầu thế giới và không thể không thưởng thức khi đến Việt Nam. Sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến ăn phở vào năm 2000 tại TP.HCM hoặc Tổng thống Barack Obama đã đến ăn bún chả ở Hà Nội vào năm 2016 đã làm cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam ngày càng nổi tiếng hơn.
Tuy nhiên, Việt Nam đã từng bỏ lỡ cơ hội vàng quảng bá ẩm thực ngay cả khi so với các nước trong khu vực. Cái thiếu của ngành du lịch Việt Nam là dù đã nhìn ra thế mạnh nhưng lại chưa quyết tâm xây dựng một chiến lược quảng bá xứng tầm. Nếu như Thái Lan có thể đưa ra danh sách “12 món ăn du khách không thể bỏ lỡ”, thì Việt Nam chỉ quanh quẩn với phở và nem rán, trong khi chúng ta có một thực đơn đa dạng, hấp dẫn của cả 3 miền…
Trong khi đó, du lịch nhiều nước cũng tận dụng sự đa dạng của văn hóa ẩm thực để thu hút du khách. Dựa trên các món ăn đặc trưng đã nổi tiếng, các cửa hàng Chinese Foods, Japanese Foods, Korean Foods… mang theo văn hóa của Trung Quốc, Nhật, Hàn... lan rộng khắp thế giới.
Việt Nam cho đến thời điểm này chưa có một nhãn hiệu, hay một biểu tượng nào đủ ấn tượng để giới thiệu tinh hoa ẩm thực đến với thế giới. Dường như đã thấy điểm yếu này, nhân dịp bánh mì đang được nhắc nhiều trên thế giới, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức tuần lễ “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” từ ngày 24-31.3.2020. Theo đó, nhiều khách sạn như Rex, Grand Hotel Saigon, Pullman, Caravelle, Continental Saigon… phục vụ bánh mì trong các buổi ăn sáng và có khu trưng bày, giới thiệu bánh mì Sài Gòn. Thậm chí, Ca khúc “Tôi yêu Bánh mì Sài Gòn” đồng thời cũng được hệ thống viễn thông Viettel, MobiFone và Vinaphone giới thiệu làm nhạc chờ cuộc gọi cho các thuê bao điện thoại di động... Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết: “Trên cả một món ăn, người Sài Gòn bằng sự sáng tạo, tinh tế đã làm cho bánh mì trở thành một món ăn khác biệt, đặc trưng và trở nên gần gũi với lối sống của người Sài Gòn”.
Nếu sự nổi tiếng của bánh mì không phải thoáng qua hay một phong trào thì đây chính là cơ hội để Việt Nam có thêm những ý tưởng để quảng bá những món ăn tương tự. Sứ mệnh này đã được nhắc đến khi Giải thưởng Du lịch thế giới - World Travel Awards (WTA) mùa giải 2019, trong số 6 hạng mục Việt Nam được đề cử, thì thú vị và mới mẻ nhất là “Điểm đến du lịch ẩm thực hàng đầu thế giới”. Mặc dù đã được khách du lịch trên thế giới đánh giá cao từ lâu, nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới công nhận và ghi danh trong danh sách đề cử.
Ẩm thực Việt Nam nhiều năm qua đã hoàn thành vai trò giúp nhận diện một phần văn hóa trong sự ăn uống của người Việt. Bây giờ, cơ hội đang đặt ra một sứ mệnh mới, đó là cần một chiến lược mạnh mẽ và quy mô hơn để đưa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu “Vietnam Foods” trên bản đồ du lịch thế giới.