Ảnh: Thiên Ân.
Ống hút nhựa: Thay thế hay tái chế?
Cafe Editha, một quán cà phê ở Dapa, tỉnh Surigao del Norte, Philippines, đang gây sốt cộng đồng mạng khi sử dụng loại ống hút dễ dàng phân hủy làm từ “lukay”, một thuật ngữ chỉ lá dừa hoặc lá cọ. Không riêng Philippines, trước sự xâm lấn khủng khiếp của rác thải nhựa, xu hướng dùng ống hút làm từ cây cỏ thiên nhiên (tre, trúc, nứa, cỏ bàng, cỏ sậy...) đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, theo Chương trình Môi trường của Liên hiệp Quốc (UNEP), đã có 80 nước trên thế giới đưa ra các lệnh cấm đối với các vật dụng nhựa sử dụng một lần. Việt Nam định hướng đến năm 2025 sẽ không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Hạn chế, tiến tới từ bỏ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần được đánh giá là cách thức đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường. Chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks có kế hoạch tới năm 2020 sẽ ngưng dùng ống hút nhựa. McDonald’s thông báo sẽ thực thi chương trình ngừng ống hút nhựa thử nghiệm tại các nhà hàng ở Anh và Ireland. Alaska Airlines dự kiến sẽ ngưng sử dụng ống hút và cây khuấy bằng nhựa trên các chuyến bay...
Nhiều công ty cũng bắt đầu tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ống hút chất liệu khác, thay thế ống hút nhựa. Công ty sản xuất bao bì giấy lớn nhất thế giới là Tetra Pak (Thụy Điển) cũng sản xuất ống hút giấy và bắt đầu thử nghiệm dùng ống hút giấy cho một số sản phẩm đồ uống bán tại châu Âu.
Ở Việt Nam, dù ở quy mô nhỏ nhưng đã xuất hiện các công ty sản xuất theo xu hướng này như Bamboo Space, Mão Mèo chuyên sản xuất ống hút từ tre, trúc, nứa; Green Bee sản xuất ống hút giấy; Công ty Hùng Hậu sản xuất ống hút từ bột gạo, rau củ… Tuy nhiên, điều quan trọng là ống hút bằng giấy, kim loại, cây cỏ có thể thay thế ống hút nhựa mà vẫn đảm bảo bài toán kinh tế?
Như ở Việt Nam, mỗi ống hút tre, trong hộp 10 cái, do Công ty Mão Mèo cung cấp có giá khoảng 40.000 đồng. Đây cũng là mức giá cho các loại ống hút có chất lượng tương đương. Giám đốc một chuỗi cà phê lớn ở Hà Nội thừa nhận với báo chí, các loại ống hút thân thiện môi trường đang có giá cao hơn ống hút nhựa khoảng 10 lần. Loại rẻ nhất như ống hút cỏ bàng cũng 300-400 đồng/ống, cao hơn ống hút nhựa 5-6 lần. Vì thế, kêu gọi các nơi kinh doanh loại bỏ hoàn toàn ống hút nhựa là không đơn giản.
Tại Washington, D.C. (Mỹ) - nơi phát minh ra ống hút, cũng là nơi cấm dùng ống hút nhựa đã phải gia hạn thêm 6 tháng kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực (ngày 1.1.2019) nhằm giúp các nhà hàng, doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi. Tuy nhiên, theo chia sẻ với truyền thông của ông Kirk Francis, quản lý trung tâm ăn uống Tastemakers, “một giải pháp thích hợp thay thế vẫn chưa tìm ra”. Ông Francis đã cân nhắc tới ống hút kim loại, giấy phân hủy sinh học hoặc vật liệu có nguồn gốc thực vật. Nhưng đa số các ống hút dạng này đều đắt hơn và không mỏng như ống hút nhựa.
Trong quá khứ, Mỹ là quốc gia từng sử dụng ống hút giấy phổ biến. Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ 2, nhờ tính năng sản xuất nhanh, nhiều, bền, rẻ, không thấm nước, không dễ rách dễ gãy mà ống hút nhựa dần thay thế ống hút giấy. Plastics Europe, một trong những hãng sản xuất đồ nhựa lớn nhất thế giới, đã gia tăng số lượng sản xuất ống hút nhựa, từ mức 1,5 triệu tấn sản phẩm vào năm 1950 đạt tới 322 triệu tấn sản phẩm năm 2015.
Ống hút nhựa cũng là một phần không thể tách rời của văn hóa Mỹ và nhiều nước. Đó là chưa kể đến vấn đề sạch sẽ, vệ sinh an toàn của sản phẩm. Ngay trong lần quảng bá đầu tiên về ống hút nhựa dùng một lần, các nhà sản xuất Mỹ đã tuyên bố rằng, đây là cách hiệu quả hạn chế bệnh tật lây lan trong cộng đồng.
Từ đó đến nay, ống hút nhựa lan rộng toàn cầu. Bây giờ, ngay cả khi tác hại của ống hút nhựa là rõ ràng và nhiều người ủng hộ giải pháp thay thế nhưng ai cũng hiểu, không có ống hút nào tiện lợi và rẻ bằng ống hút nhựa.
Giải pháp tái chế ống hút nhựa từng là vấn đề quan tâm của Mỹ khi quốc gia này ước tính tiêu thụ hơn 500 triệu ống hút mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết các công ty tái chế đã không đón nhận rác ống hút nhựa vì chúng có kích thước quá nhỏ và quá mỏng, gây khó khăn cho quá trình tái chế. Số ống hút nhựa đã bị thải ra môi trường. Các nghiên cứu cho thấy phải mất 200 năm, ống hút nhựa mới phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên.
Điều này đồng nghĩa, để bảo vệ môi trường, chẳng còn cách nào khác là chấp nhận giải pháp thay thế và chấp nhận trả phí cao. Bởi vì như ông David Rhodes, Giám đốc Toàn cầu của Aardvark, từng nhấn mạnh: “Một cái ống hút giấy đắt hơn một xu so với ống hút nhựa. Với các tập đoàn lớn, điều đó tương đương hàng trăm triệu USD. Nhưng tổn hại cho môi trường biển thì không thể tính giá được”