Ảnh: TL

 
Linh Lan Thứ Ba | 04/07/2023 08:30

Ông Gwendal Poullennec, Giám đốc Quốc tế Michelin Guide: “Việt Nam là điểm đến ẩm thực quốc tế”

Phụ trách mảng Michelin Guide tại hơn 37 quốc gia trên thế giới, ông Gwendal Poullennec chia sẻ với NCĐT khi giải thưởng này lần đầu được triển khai tại Việt Nam.

Gwendal Poullennec gia nhập Tập đoàn Michelin vào năm 2003 sau khi rời Đại học Kinh doanh ESSEC (Pháp) và dành hơn 1 thập kỷ để gắn bó và phát triển mảng Michelin Guide tại Mỹ và khu vực châu Á. Ông là người khởi xướng các hoạt động giới thiệu Michelin Guide tại New York, San Francisco, Tokyo, Hồng Kông, Kyoto, Bangkok, Đài Bắc, gần đây là Việt Nam. Khi được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký của Michelin Guide vào năm 2014, Poullennec đã đặt nền móng cho việc thành hình giao diện số cho các hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực của Michelin.

Việc gắn sao Michelin đến một số nhà hàng, quán ăn ở Việt Nam có ý nghĩa như thế nào đối với ẩm thực Việt nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, thưa ông?

 

Cuộc bình chọn nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam với tổng số 103 nhà hàng được chúng tôi tuyển chọn tại TP.HCM và Hà Nội trong Cẩm nang Michelin Guide (gồm 4 nhà hàng được trao tặng 1 sao Michelin, 29 nhà hàng/quán ăn thuộc danh mục Bib Gourmand - quán ăn ngon với giá cả phải chăng và 70 nhà hàng thuộc danh mục Michelin Selected - nhà hàng được Michelin đề xuất) là khởi đầu để ghi nhận tài năng của các đầu bếp và đội ngũ nhân viên - những người đã làm việc hết mình và cống hiến nhiều món ăn ngon cho nền ẩm thực Việt Nam.

Đây mới chỉ là điểm khởi đầu trong hành trình của Cẩm nang Michelin tại Việt Nam. Các thanh tra viên ẩn danh của chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi khám phá được nhiều địa điểm ẩm thực thú vị ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi tin rằng sẽ còn nhiều nơi thú vị hơn nữa được giới thiệu đến người yêu ẩm thực trong những năm tới.Với sự có mặt của Michelin Guide, sự nỗ lực của các đầu bếp và những người làm trong ngành ẩm thực khắp Việt Nam, tôi hy vọng trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến ẩm thực mà mọi du khách quốc tế cần phải ghé đến một lần trong đời.

Từ những nước có nhà hàng, quán ăn sở hữu sao Michelin trong khu vực Đông Nam Á, ông có thể nêu một vài tác động tích cực từ việc gắn ngôi sao này? 

Kể từ khi ra đời, sứ mệnh của Cẩm nang Michelin vẫn không thay đổi. Đây vẫn là một cẩm nang độc lập do Tập đoàn Michelin biên soạn để đồng hành với du khách quốc tế cũng như những người sành ăn địa phương nhằm giới thiệu thêm cho họ những nhà hàng/quán ăn tuyệt vời nhất. Bằng việc đưa Cẩm nang Michelin đến Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ thu hút những người sành ăn trong nước và quốc tế với vai trò là điểm đến ẩm thực mới của thế giới.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng đánh giá món ăn, các food blogger, liệu sức ảnh hưởng của Michelin có giảm sút?

Điểm khác biệt của chúng tôi với những người đánh giá món ăn hay các nền tảng khác là tiêu chí kiểm tra và quy trình kiểm tra độc lập. Các thanh tra viên ẩn danh đều là nhân viên của Tập đoàn Michelin. Họ ẩn danh và trả tiền cho tất cả các bữa ăn giống như một người tiêu dùng thông thường. Vì lẽ đó, những nhận định của chúng tôi về nhà hàng, quán ăn cũng đứng ở góc độ người tiêu dùng. Hơn thế nữa, tất cả các quyết định đưa ra trong thời gian đánh giá đều mang tính tập thể, nhằm đảm bảo tính khách quan. Đây chính là yếu tố cốt lõi tạo nên uy tín và tiếng vang của Cẩm nang Michelin từ năm 1900 đến nay.

Khi một số quán ăn Việt có tên trong danh sách đề xuất của Michelin, ngay lập tức nhận được phản hồi trái ngược của nhiều người dùng. Ông nghĩ gì về điều này?

Các nhà hàng, quán ăn được chọn đưa vào Cẩm nang Michelin dựa trên 5 tiêu chí gồm chất lượng món ăn, kỹ thuật món ăn, sự cân bằng hương vị, cá tính của đầu bếp và sự bền vững, tính nhất quán theo thời gian. Các tiêu chí này nhằm đề xuất trải nghiệm ẩm thực tốt nhất cho những người sành ăn trên khắp thế giới. Ẩm thực đã luôn và sẽ tiếp tục là một chủ đề mang tính chủ quan và bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ ý kiến của họ, từ đó tạo ra những thảo luận lành mạnh, chia sẻ với thế giới về những viên ngọc ẩm thực địa phương. 

Michelin có hoạt động nào để quảng bá hay thu hút khách du lịch đến với các quán ăn đã được gắn sao?

Với mục tiêu đề xuất trải nghiệm ẩm thực tốt nhất cho mọi người trên khắp thế giới, Cẩm nang Michelin quảng bá các nhà hàng, quán ăn đã đề xuất trên nhiều nền tảng toàn cầu của Michelin thông qua những bài viết chuyên sâu cũng như các bài viết trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm khuyến khích những người sành ăn khám phá trải nghiệm ẩm thực mới mẻ - dù chúng có được gắn dấu sao hay không - do các thanh tra viên gợi ý. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các sự kiện được thiết kế riêng cho thực khách là những người có sức ảnh hưởng; lễ hội ẩm thực; những chuyến khám phá dành cho truyền thông... để lan tỏa thông tin ở một cấp độ khác.

Ông ấn tượng điều gì ở ẩm thực đường phố Việt Nam? Nổi tiếng với những món ăn ngon, phong cảnh đẹp nhưng du khách nước ngoài đến Việt Nam thường “một đi không trở lại”. Theo ông là do những nguyên nhân nào?

Ẩm thực đường phố Việt Nam mang đậm bản sắc và yếu tố văn hóa đặc trưng, với nguồn nguyên liệu phong phú, tươi ngon, tốt cho sức khỏe. Đây là những yếu tố đóng vai trò then chốt trong việc tạo nền tảng vững chắc cho ẩm thực địa phương vươn tầm quốc tế. Riêng với câu hỏi ở vế thứ 2, tôi cho rằng, có nhiều lý do khiến khách du lịch đến và đi. Tuy nhiên, chúng tôi không có trách nhiệm đưa ra tuyên bố về điều này.

Để ẩm thực góp phần thúc đẩy du lịch, theo ông, Việt Nam cần nỗ lực cải thiện những gì?

Sự xuất hiện của Cẩm nang Michelin tại Việt Nam cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc mang ẩm thực địa phương ra thế giới. Tôi hy vọng sự xuất hiện của các nhà hàng, quán ăn trong Cẩm nang năm nay và những năm sau sẽ giới thiệu thêm nhiều điểm ăn ngon hấp dẫn tại Việt Nam đến du khách quốc tế và cả người dân địa phương.