Linh Lan Thứ Ba | 13/06/2023 08:26

Nỗi lòng sân khấu kịch

14.000 vé Ngày Xửa Ngày Xưa số 34 bán hết trong chưa đầy 2 giờ, một con số kỷ lục trong bối cảnh các sân khấu kịch ế ẩm như hiện nay.

Đây không phải lần đầu Ngày Xửa Ngày Xưa sốt vé. Năm 2022, chương trình số 33 cũng bán sạch 13.000 vé. Ra đời từ năm 2000, Ngày Xửa Ngày Xưa với sự đầu tư hoành tráng về mặt hình ảnh, giá trị nội dung và dàn diễn viên nổi tiếng đã trở thành thương hiệu kịch thiếu nhi được trẻ em và cả người lớn yêu thích. Mỗi năm, vở có các suất diễn vào mùa hè, Giáng sinh và dịp Tết. 23 năm qua, mỗi vở diễn đã phục vụ hơn 30.000 lượt khán giả (trung bình 30 suất/vở).

 

Bên cạnh công diễn tại Nhà hát Bến Thành, Sân khấu kịch Idecaf còn thực hiện các ấn phẩm như sách hình, DVD phục vụ khán giả không thể xem trực tiếp. Ngày Xửa Ngày Xưa đã trở thành một thương hiệu kịch tiếp nối qua nhiều thế hệ. Thành công này không phải sân khấu nào cũng làm được.

Nhà phê bình sân khấu Ngọc An nhận xét: “Có 4 yếu tố khiến thương hiệu này trở nên hấp dẫn với khán giả nhiều thế hệ. Thứ nhất là sự đầu tư tỉ mỉ, hoành tráng về hình thức mang đến cho các em một thế giới thần tiên lấp lánh. Sự chỉn chu về mặt nội dung, luôn được cập nhật kịp thời để đồng hành cùng người xem, mượn xưa nói nay. Thứ 2, sự vui nhộn đáp ứng được nhu cầu giải trí. Mặc dù vậy, các vở diễn vẫn không quên lồng ghép yếu tố giáo dục, tính chân thiện mỹ. Đây là lý do thứ 3. Cuối cùng là tâm huyết của dàn nghệ sĩ. Họ lắng nghe, tìm hiểu tâm lý các em để mỗi vở diễn, không chỉ trẻ con mà chính người lớn nhìn thấy được mình trong các nhân vật”.

Bà Ngọc An nhấn mạnh thêm, 4 yếu tố trên được nuôi dưỡng và phát triển từ tầm nhìn của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn. Ngay từ những ngày đầu gầy dựng thương hiệu Ngày Xửa Ngày Xưa, ông Tuấn đã theo đuổi mục tiêu xây dựng lớp khán giả trẻ có tình yêu với sân khấu. Muốn như vậy, kịch thiếu nhi chính là nền tảng. Nhiều đứa trẻ ngày trước giờ trở thành phụ huynh và tiếp tục đưa con đến xem vở diễn, vừa là sân chơi ý nghĩa cho con, vừa sống lại những ký ức thời thơ bé.

Đạo diễn Đình Toàn, thành viên của nhóm Líu Lo, cho biết hễ có dịp, ông Tuấn lại đưa anh em đi xem vở diễn nước ngoài, đặc biệt là các vở kịch Broadway để được truyền cảm hứng. “Mình biết điều kiện tại Việt Nam khó thể làm được như họ nhưng ở mỗi vở, chúng tôi đều cố gắng áp dụng thêm một, hai phần từ những điều đã học, đã xem. Như vậy thôi cũng đã khiến vở diễn thêm sinh động và thú vị”, đạo diễn Đình Toàn nói.

Không chỉ từng bước xây dựng các thế hệ khán giả tiếp nối, ông Tuấn còn đào tạo được lực lượng diễn viên kế thừa ổn định. Sau Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thủy... là Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Đại Nghĩa, Đình Toàn, Đức Thịnh, Lê Khánh... Họ vừa bổ trợ, vừa tiếp nối những gì thế hệ nghệ sĩ trước đã làm được. Nhờ đó, lực lượng diễn viên của sân khấu luôn ổn định trong rất nhiều năm qua. Thành công của Ngày Xửa Ngày Xưa đã giúp ông Tuấn nuôi các vở diễn trên sân khấu kịch người lớn. Ngoài ra, nhiều năm qua, ông còn dùng hoạt động kinh doanh khác để duy trì sân khấu.

Yếu tố đầu tiên giúp một sân khấu sáng đèn hằng đêm là kinh phí. Bà Ngọc An nhấn mạnh, yếu tố tài chính chi phối và quyết định tất cả. “Một khi không thể đầu tư vào cảnh trí, hình ảnh, bối cảnh, âm thanh, ánh sáng... thì rất khó kéo khán giả đến xem và cũng khó cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác”, bà nói.

Sự xuống dốc của sân khấu 5B từng một thời ghi dấu với kịch thể nghiệm là ví dụ điển hình. Thực tế, một đêm sáng đèn, các ông bầu, bà bầu phải chi từ 4-6 triệu đồng cho tiền thuê địa điểm, chưa tính các khoản chi cho âm thanh, ánh sáng, thù lao diễn viên và nhiều thứ khác, dù có đông khách hay không. Về kịch bản, theo bà Ngọc An, hiện nay các sân khấu kịch người lớn đều thiếu hoặc vắng bóng kịch bản thực sự chất lượng, có chiều sâu và bám sát vào đời sống. Các vở diễn của Idecaf làm theo mùa, mang về doanh thu lớn nhưng hầu hết đều là hài kịch thiếu nhi, diễn được 1 mùa nhưng khó làm mùa thứ 2 mà phải làm một tác phẩm mới. “Điều này có thể tác động đến độ bền bỉ trong công cuộc sáng tạo”, anh Nguyễn Minh Luân, chuyên viên sáng tạo nội dung, tốt nghiệp ngành quản lý nghệ thuật tại Đại học Macquarie (Úc), nhận định.

Tiếp theo là cơ sở vật chất và không gian, địa điểm. Muốn tạo nên vở kịch đủ lớn để diễn đi diễn lại, các ông bầu, bà bầu phải dựng những vở có quy mô lớn. Quy mô vở càng lớn càng cần không gian phù hợp để lắp đặt sân khấu cố định cho cả một mùa diễn. Nếu chất lượng kịch tốt, đây là một tình huống có lợi cho cả đôi bên, bởi sân khấu sẽ không thể tổ chức bất kỳ sự kiện hay vở diễn nào khác, còn vở diễn nói trên sẽ là nguồn thu chính của sân khấu trong một thời gian dài. Ở Việt Nam, sân khấu thường được thuê lại từ nhà văn hóa, nhà thiếu nhi quận, do đó phải thỏa hiệp như không thể tu sửa quá nhiều, không thể để quá nhiều đạo cụ, cảnh trí...

 

“Vì nguồn nhân lực hạn chế, các sân khấu kịch khó có sự thay đổi đột phá. Không thay đổi thì càng lại dễ bị bỏ lại đằng sau trước cuộc bùng nổ số. Vận hành sân khấu khó khăn khiến giá vé xem kịch không thể giảm. Tất cả tạo ra một vòng lặp vô tận”, anh Luân chia sẻ.

Nhìn đường dài của sân khấu kịch, người làm sân khấu cần phải nghiêm túc xem sân khấu là một doanh nghiệp và phải có tư duy quản trị doanh nghiệp như cách ông Tuấn đã làm. “Nếu nói về việc nuôi sống sân khấu, chúng ta phải nói về nó như một loại hình kinh doanh nghệ thuật. Tức là người chủ sân khấu phải có tầm nhìn, có chiến lược và dĩ nhiên phải đi kèm với ý thức trách nhiệm về đạo đức, xã hội”, anh Luân nói.

“Nói vậy không có nghĩa là tôi yêu cầu các đạo diễn hay ông bầu, bà bầu phải thay đổi hoàn toàn con người trong nghệ thuật để chạy theo thị trường, mà cần phải tìm kiếm những người đồng điệu và có tính chuyên môn cao để vạch ra đường hướng phát triển sân khấu. Qua đó, việc quản lý sân khấu sẽ trở nên chuyên môn hóa, với nhiều phòng ban được xây dựng từ những viên gạch nền vững chắc chứ không thể cứ chỉ hoạt động dựa vào phòng vé, một, hai trang mạng xã hội và mối quan hệ có sẵn với truyền thông”, anh Luân nêu điểm cốt lõi.